Theo Newsweek, phương pháp này bao gồm việc nhồi vào những con cóc mía đã chết bằng một loại hóa chất khiến cá sấu cảm thấy buồn nôn và một loại độc tố gây cảm giác khó chịu. Hi vọng của các nhà nghiên cứu là huấn luyện cá sấu để chúng tránh xa những con cóc mía khi chúng còn sống và nhảy nhót.
Một thử nghiệm sử dụng hơn 2.000 con cóc mía chết đã thành công, khi các cá sấu nhanh chóng học cách tránh cả cóc sống và cóc chết.
Đội ngũ nghiên cứu từ Đại học Macquarie ở Sydney đã hợp tác với cộng đồng kiểm lâm địa phương Bunuba và các cơ quan bảo tồn sinh học ở Tây Úc để triển khai phương pháp này.
Họ cho biết rằng đây là một phương pháp sinh thái học hành vi, gọi là ác cảm với vị giác có điều kiện, giúp cá sấu liên tưởng đến mùi vị buồn nôn khi ăn cóc mía và từ đó tránh xa chúng trong tương lai.
Cóc mía, còn được biết đến với tên khoa học là Rhinella marina, là một loài xâm lấn tại Úc. Cóc mía xuất phát từ Trung và Nam Mỹ, chúng đã được du nhập vào Úc từ những năm 1930 và đã gây ra sự suy giảm nghiêm trọng đối với các loài động vật bản địa bao gồm cả cá sấu nước ngọt, do chất độc bufotoxin mạnh mẽ mà chúng tiết ra.
Quốc Tiệp (t/h)