Ukraine hôm 30/6 đã tổ chức lễ kỷ niệm việc giành lại được Đảo Rắn (Zmiinyi Island) - tiền đồn chiến lược trên Biển Đen, nơi đã rơi vào tay quân Nga ngay từ những ngày đầu của cuộc xung đột nay đã kéo dài sang tháng thứ năm, Reuters đưa tin.
Trước đó, hôm 29/6, Moscow tuyên bố rút quân khỏi Đảo Rắn vì quân đội Nga đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, và cho biết đây là một "cử chỉ thiện chí" để cho thấy Moscow không cản trở các nỗ lực của Liên Hợp Quốc (LHQ) nhằm mở một hành lang nhân đạo cho phép vận chuyển ngũ cốc ra khỏi Ukraine.
Trong khi đó, Ukraine tuyên bố đã đánh bật các lực lượng Nga ra khỏi hòn đảo tiền tiêu sau một cuộc tấn công dữ dội bằng pháo và tên lửa.
Hãng tin Reuters thừa nhận không thể xác minh tuyên bố của 2 bên.
Trong bài phát biểu video hàng đêm hôm 30/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cảm ơn quân đội Ukraine đã giải phóng Đảo Rắn, nhận định rằng hòn đảo này là "một địa điểm chiến lược, và diễn biến này làm thay đổi đáng kể tình hình ở Biển Đen".
"Nó chưa đảm bảo an toàn, chưa đảm bảo rằng kẻ địch sẽ không quay trở lại. Nhưng nó đã hạn chế đáng kể hành động của đối phương. Từng bước một, chúng ta sẽ đánh đuổi kẻ địch ra khỏi các vùng biển, đất liền và vùng trời của chúng ta", ông Zelenskyy tuyên bố.
Tuy nhiên, tình hình ở mặt trận Donbass vẫn rất khó khăn và bế tắc. Các lực lượng Ukraine đã tuyệt vọng chống lại hỏa lực vượt trội của Nga tại thành phố Lysychansk thuộc tỉnh Lugansk, miền Đông Ukraine.
Pháo binh Nga đã nã đạn từ các hướng khác nhau trong khi quân đội Nga tiếp cận Lysychansk từ nhiều phía, Thống đốc Lugansk Serhiy Haidai cho biết trên truyền hình Ukraine hôm 30/6.
Trước đó, hôm 30/6, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết, các cuộc tấn công tập trung xung quanh nhà máy lọc dầu trong thành phố.
Tình báo Anh cũng đã nắm bắt được cuộc giao tranh ở Lysychansk và đưa ra đánh giá của mình. Họ cho biết: "Các cuộc chiến đấu trên bộ hiện tại có thể đang tập trung xung quanh nhà máy lọc dầu, nằm cách 10 km (6,2 dặm) về phía tây nam của thành phố".
Tổng thống Zelesnkyy thừa nhận Nga vẫn vượt trội hơn quân đội của ông về sức mạnh hỏa lực nơi tiền tuyến Donbass. Ông nói: "Họ đã mang tất cả vũ khí dự trữ của họ ra để đánh Ukraine".
Các lực lượng Nga đã cố gắng bao vây Lysychansk kể từ sau khi họ giành được Severodonetsk, thành phố song sinh của Lysychansk nằm bên kia bờ sông Siverskyi Donets.
Thêm cam kết về viện trợ vũ khí cho Ukraine
Mặc dù đã bị buộc phải rút quân khỏi Severodonetsk, một trong những thành trì cuối cùng của quân kháng chiến ở Lugansk, Ukraine vẫn hy vọng sẽ gây ra thiệt hại đủ để làm kiệt quệ quân đội Nga ở mặt trận miền Đông và tiến hành các đợt phản công ở miền Đông Nam đất nước.
Kiev vẫn đang nhận được vũ khí và các cam kết viện trợ mới từ các đồng minh phương Tây của mình.
Phát biểu sau Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Madrid hôm 30/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Washington sẽ công bố khoản viện trợ vũ khí bổ sung 800 triệu USD cho Ukraine trong những ngày tới.
Gói này sẽ bao gồm các hệ thống phòng không tiên tiến, đạn pháo, radar, các hệ thống HIMARS và một số hệ thống tên lửa cỡ lớn.
Mỹ và đồng minh sẽ hỗ trợ Ukraine chừng nào sự hỗ trợ còn cần thiết, bao lâu cũng được, ông Biden tuyên bố.
Bộ Quốc phòng Thụy Điển hôm 30/6 cho biết, quốc gia Bắc Âu đang trên đà trở thành thành viên NATO sẽ gửi thêm vũ khí chống tăng đến Ukraine.
Gói viện trợ vũ khí trị giá khoảng 500 triệu crown Thụy Điển (49 triệu USD), Bộ này cho biết.
Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói với Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Tây Ban Nha rằng Pháp sẽ sớm cung cấp thêm 6 hệ thống lựu pháo tự hành CESAR để giúp Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga.
Hôm 29/6, Anh cam kết viện trợ quân sự trị giá 1 tỷ bảng Anh (1,2 tỷ USD) cho Ukraine.
Gói này sẽ bao gồm "các hệ thống phòng không tinh vi, máy bay không người lái (UAV), thiết bị tác chiến điện tử đổi mới sáng tạo và hàng nghìn bộ thiết bị quan trọng cho binh sĩ Ukraine".
Khoản viện trợ mới nhất này sẽ nâng tổng hỗ trợ quân sự của Anh cho Kiev kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu vào cuối tháng 2 lên 2,3 tỷ bảng Anh (2,8 tỷ USD), Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết trong một tuyên bố.
Nga đang giữ hơn 6.000 tù nhân Ukraine
Nga đang giam giữ hơn 6.000 tù nhân Ukraine, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố hôm 30/6, một ngày sau khi hai bên tiến hành đợt trao đổi tù nhân lớn nhất từ đầu cuộc xung đột đến nay, AFP đưa tin.
"Tổng số quân Ukraine bị bắt hoặc đầu hàng là hơn 6.000", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov, cho biết trong một tuyên bố.
Trước đó, hôm 29/6, 2 bên đã tiến hành một đợt trao với số lượng tù nhân lớn nhất kể từ đầu cuộc xung đột. Theo đó, Ukraine và Nga mỗi bên nhận về 144 người.
Ukraine cho biết, đợt trao đổi này bao gồm 95 binh sĩ là những người đã cầm cự tại nhà máy thép Azovstal ở thành phố cảng Mariupol.
Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết hầu hết các binh sĩ này đều bị thương nặng.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga cũng khẳng định thông tin trên. Ông nói: “Gần như tất cả những người được trao đổi đều bị thương hoặc bị thương nặng. Họ đang nhận được chăm sóc y tế cần thiết”.
Trong số các tù nhân được trao đổi, có 43 thành viên của Tiểu đoàn Azov, một đơn vị mà Nga cho là bao gồm những phần tử cực hữu nguy hiểm.
Tổng thống Indonesia tới Moscow chuyển thông điệp cho ông Putin
Indonesia, quốc gia hiện giữ chức chủ tịch luân phiên G20, cho đến nay vẫn giữ thái độ trung lập thận trọng về cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Tổng thống Joko Widodo đã đến Moscow hôm 30/6 với mục đích mà ông gọi là "chuyến đi hòa bình" để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Sau cuộc hội đàm tại Điện Kremlin, ông Widodo cho biết ông đã chuyển một thông điệp từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tới ông Putin. Ông cũng bày tỏ sự "sẵn sàng" giúp bắt đầu "cuộc đối thoại" giữa 2 nhà lãnh đạo.
Phát biểu thông qua người phiên dịch, ông Widodo cho biết Jakarta có kế hoạch tiếp tục hợp tác với Moscow trong hoạt động xuất nhập khẩu một số mặt hàng chính, và điều quan trọng là hướng tới một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến ở Ukraine.
Ông Putin cũng sử dụng tuyên bố báo chí chung ra ngày 30/6 để nhắc lại khẳng định của Điện Kremlin rằng, các lực lượng Nga không ngăn chặn các chuyến hàng ngũ cốc rời khỏi Ukraine, bất chấp việc LHQ cùng ngày tuyên bố rằng thế giới đang đối mặt với một "cuộc khủng hoảng nạn đói chưa từng có tiền lệ" do việc phong tỏa.
Bất chấp sức ép của phương Tây, Indonesia vẫn không rút lại lời mời ông Putin tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 dự kiến diễn ra tại đảo Bali tháng 11 tới.
Trước khi đến Moscow, ông Widodo đã đi tàu hỏa từ Ba Lan đến Kiev để gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hôm 29/6. Nhà lãnh đạo Indonesia cũng đến thăm thị trấn Irpin gần thủ đô Kiev, nơi Ukraine nghi ngờ binh lính Nga đã thực hiện các hành vi tàn bạo đối với dân thường. Moscow đã phủ nhận các cáo buộc.
Minh Đức (Theo Reuters, Alarabiya, DW)