Quân đội Ukraine hôm 6/7 đã bãi bỏ một quy định liên quan tới giới hạn đi lại đối với những công dân Ukraine đủ điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự.
Theo quy định, đối tượng này cần xin cấp phép nếu muốn rời khỏi nơi cư trú đã đăng ký.
Quy định này đã bị bãi bỏ chỉ một ngày sau khi được công bố, trong bối cảnh làn sóng chỉ trích lan rộng khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy lên tiếng phản đối biện pháp này.
Theo quy định, nam giới Ukraine từ 18 đến 60 tuổi phải được cơ quan nhập ngũ địa phương cho phép mới được rời khỏi quận, huyện nơi họ đăng ký cư trú. Nhiều người Ukraine hiện không sống ở nơi đã đăng ký cư trú.
Ông Zelenskyy cho biết, quyết định này đã gây ra "sự khó hiểu" và "phẫn nộ" trong xã hội Ukraine, đồng thời hứa rằng ông sẽ "tìm cách giải quyết".
“Chúng tôi không ở giai đoạn tổng động viên như trong Thế chiến II”, ông Oleksandr Shulga, cựu giảng viên xã hội học tại Học viện Khoa học Ukraine, người đã đăng ký chiến đấu vào ngày đầu tiên khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát thành hành động quân sự, giải thích.
“Có rất nhiều người sẵn sàng và đang chuẩn bị để được huy động. Điều tôi lo lắng là sau cuộc chiến sẽ có sự chia rẽ trong xã hội giữa những người đã chiến đấu và những người không chiến đấu”, ông Shulga nói.
Quân Ukraine thành công chặn bước tiến của quân Nga ở Donetsk
Ukraine cho đến nay đã thành công ngăn chặn các cuộc tiến công quan trọng của Nga vào phía bắc khu vực Donetsk, nhưng áp lực đang gia tăng với các cuộc pháo kích lớn vào thành phố Slovyansk và các khu vực lân cận, quân đội Ukraine cho biết trong bản cập nhật tình hình chiến sự tối hôm 6/7.
Theo đó, quân đội Ukraine cho rằng các lực lượng Nga đang tăng cường sức ép lên các lực lượng phòng thủ Ukraine dọc theo sườn phía bắc của tỉnh Donetsk.
Đối phương đang bắn phá một số thị trấn của Ukraine bằng vũ khí hạng nặng để cho phép lực lượng mặt đất tiến về phía nam vào khu vực và áp sát Slovyansk, bản cập nhật cho biết.
“Địch đang cố gắng cải thiện vị trí chiến thuật của mình… Họ tiến lên… trước khi bị quân ta đẩy lùi và rút lui với những tổn thất”, bản cập nhật cho biết thêm.
Theo bản cập nhật, các lực lượng khác của Nga nhắm mục tiêu đánh chiếm 2 thị trấn trên đường tới thành phố Kramatorsk, phía nam Slovyansk, và cũng đang cố gắng giành quyền kiểm soát đường cao tốc chính nối các tỉnh Luhansk và Donetsk ở Donbass, miền Đông Ukraine.
Ukraine bác tuyên bố của Nga về việc phá hủy 2 hệ thống HIMARS
Bộ tổng tham mưu Ukraine hôm 6/7 đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố của Nga rằng các lực lượng của Moscow đã phá hủy 2 hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) mà Mỹ cấp cho Kiev.
Trong một bài đăng trên Twitter, Bộ tổng tham mưu Ukraine cho rằng tuyên bố này của Nga là "giả mạo", và cho biết rằng họ đang sử dụng HIMARS để giáng "đòn hủy diệt" vào các lực lượng Nga.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã bắn trúng các hệ thống HIMARS trong một cuộc không kích ở khu vực Donetsk. Bộ này đã công bố đoạn video quay cảnh cuộc tấn công.
HIMARS có thể mang và bắn tới 6 tên lửa tầm trung hoặc có thể mang một tên lửa tầm xa.
Ukraine mới chỉ nhận được 4 hệ thống HIMARS vào đầu tháng 7, Hội đồng Châu Âu về Quan hệ Đối ngoại cho biết trong một báo cáo. Mỹ đã cam kết bàn giao 8 hệ thống HIMARS vào giữa tháng 7.
Ngoại trưởng Nga đi trước thăm dò G20
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov dự định tổ chức "một loạt các cuộc họp" với một số Ngoại trưởng bên lề Hội nghị Ngoại trưởng G20 sắp diễn ra tại Bali, Indonesia.
Thông tin trên do đích thân ông Lavrov nói với hãng thông tấn Nga TASS.
Phát biểu khi đang trong chuyến thăm ở Việt Nam, Ngoại trưởng Lavrov cho biết, ông không thấy bất kỳ nỗ lực nào nhằm ngăn cản ông tham gia sự kiện.
Cuộc họp 2 ngày của các Ngoại trưởng G20 khai mạc hôm 7/7 tại Bali, hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng của Indonesia – nước chủ nhà G20 năm nay.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã từ chối tham gia một cuộc gặp với Ngoại trưởng Lavrov. Được biết, Ngoại trưởng một số nước thành viên khác cũng không chào đón Ngoại trưởng Nga tham gia sự kiện.
Việc ông Lavrov tham dự Hội nghị Ngoại trưởng G20 được cho là một bước thăm dò trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới.
Một số nước G7 đã đe dọa rút khỏi Hội nghị Thượng đỉnh G20 nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự sự kiện.
Thành viên G20 gồm các nước G7 (Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nhật Bản, Canada, Italy), các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), các nền kinh tế mới nổi có quy mô lớn (Australia, Argentina, Mexico, Hàn Quốc, Indonesia, Ả Rập Xê-Út, Thổ Nhĩ Kỳ) và EU.
Liên quan đến việc cuộc điện đàm giữa ông Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bị rò rỉ, Ngoại trưởng Lavrov cho rằng việc Pháp đơn phương công bố nội dung cuộc điện đàm là vi phạm "nghi thức ngoại giao".
Ông cũng cho biết thêm rằng, Nga không có gì phải xấu hổ về nội dung cuộc điện đàm giữa 2 nhà lãnh đạo.
Các chi tiết về cuộc điện đàm bí mật diễn ra vài ngày trước khi xung đột quân sự Nga-Ukraine bùng phát đã được đài truyền hình France 2 tiết lộ trong một bộ phim tài liệu về cách xử lý xung đột của Tổng thống Pháp.
Viện trợ cho Ukraine: Cam kết nhiều hơn hành động
Động lực của các cam kết tài chính cho Ukraine đang "chậm lại", Viện Kinh tế Thế giới Kiel, một viện nghiên cứu kinh tế độc lập có trụ sở tại miền Bắc nước Đức, nhận định. Tổ chức này đang kiểm đếm viện trợ quân sự và các khoản viện trợ khác trên toàn cầu cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Theo bản theo dõi về hỗ trợ cho Ukraine trong giai đoạn từ 8/6 đến 1/7, chỉ có một số cam kết viện trợ mới được thêm vào và chúng là không đáng kể lắm, Viện Kiel cho biết trong bản cập nhật mới nhất công bố ngày 6/7.
Theo dữ liệu, cam kết mới lớn nhất trong hỗ trợ quân sự đến từ Vương quốc Anh, với trị giá 1,5 tỷ Euro (1,54 tỷ USD).
Estonia, Latvia và Ba Lan dẫn đầu về tổng số hỗ trợ quân sự, tài chính và nhân đạo.
Tổng số viện trợ mà Mỹ cung cấp - gần 42,61 tỷ Euro - gần bằng con số của tất cả các quốc gia khác cộng lại.
Đức là quốc gia tài trợ lớn thứ ba - với 3,34 tỷ Euro - về tổng thể, sau Mỹ và Anh, mặc dù EU là khối đóng góp lớn thứ hai nếu tính cả các tổ chức xuyên quốc gia.
Nhưng cả Đức và Mỹ đều cam kết nhiều hơn những gì họ đã chuyển giao cho đến nay.
Thổ Nhĩ Kỳ không bắt giữ tàu Nga
Bộ Ngoại giao Nga hôm 6/7 cho biết, các báo cáo rằng con tàu chở hàng mang cờ Nga Zhibek Zholy bị giam giữ tại cảng Karasu của Thổ Nhĩ Kỳ vì nghi ngờ chở ngũ cốc bị đánh cắp của Ukraine là sai sự thật.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexei Zaitsev cho biết, tàu Zhibek Zholy, bị các nhà chức trách Ukraine cáo buộc chở ngũ cốc bị trộm từ cảng Berdyansk, đang "trải qua các quy trình tiêu chuẩn".
Đại sứ Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 3/7 cho biết, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ tàu Zhibek Zholy. Reuters trước đó đưa tin Ukraine đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ con tàu.
Quốc hội Nga thông qua các biện pháp kinh tế thời chiến
Các doanh nghiệp Nga sẽ phải cung cấp hàng hóa và dịch vụ cần thiết trong thời chiến cho các lực lượng vũ trang Nga, và nhân viên tại một số công ty sẽ phải làm việc ngoài giờ để đảm bảo tiến độ.
Đó là nội dung có trong 2 dự luật kinh tế đã được quốc hội Nga gấp rút thông qua hôm 6/7.
Sau khi được Tổng thống Vladimir Putin ký thành luật, 2 văn bản này sẽ cho phép chính phủ Nga áp dụng "các biện pháp kinh tế đặc biệt" trong thời gian tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine.
"Trong bối cảnh các hoạt động được thực hiện bởi các lực lượng vũ trang bên ngoài lãnh thổ Nga, sẽ phát sinh nhu cầu sửa chữa vũ khí, trang thiết bị quân sự và cung cấp các phương tiện vật chất và kỹ thuật cho các lực lượng vũ trang", một trong các dự luật giải thích.
Minh Đức (Theo DW, Al Jazeera)