Một số nước láng giềng của Ukraine, bao gồm cả đồng minh trung thành Ba Lan, đã áp đặt các hạn chế tạm thời đối với các sản phẩm nông nghiệp của Kiev vào tháng trước.
“Việc tiếp tục các hạn chế có nghĩa là đặt thêm vũ khí vào tay ông Putin để chống lại sự thống nhất ở châu Âu”, Bộ Nông nghiệp Ukraine cho biết trên Twitter hôm 31/5, kêu gọi “hạn chế hiện tại phải được hủy bỏ”.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chỉ trích các hạn chế xuất khẩu đối với đất nước ông là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Cuộc xung đột với Nga bùng phát từ hồi tháng 2 năm ngoái đã hạn chế nghiêm trọng kênh xuất khẩu ngũ cốc truyền thống của Ukraine qua Biển Đen, buộc Kiev phải xuất khẩu bằng đường bộ qua các nước láng giềng của Ukraine.
Các quốc gia thành viên EU đã đồng ý cho phép nhập khẩu một số sản phẩm từ Ukraine mà không có hạn chế về số lượng, không cần thủ tục hải quan và không cần những đợt kiểm tra chính thức.
Tuy nhiên, phản ứng với những lời phàn nàn từ các nước ở phía đông lục địa châu Âu rằng việc dư thừa ngũ cốc Ukraine đang làm giảm giá nông sản địa phương và ảnh hưởng đến nông dân của chính nước họ, EU cuối cùng đã đạt được một thỏa thuận với 5 quốc gia liên quan – bao gồm Ba Lan, Hungary, Slovakia, Bulgaria và Romania – cho phép họ ngăn chặn việc nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine.
Các hạn chế hiện tại – sẽ hết hiệu lực vào ngày 5/6. Hôm 30/5, Ủy viên Nông nghiệp châu Âu Janusz Wojciechowski kêu gọi gia hạn các hạn chế đối với nhập khẩu ngũ cốc do một số quốc gia EU áp đặt ít nhất cho đến cuối tháng 10.
“Vấn đề... là kho dự trữ của (các quốc gia) ở tiền tuyến có nhiều ngũ cốc hơn ở Ukraine, và đây là lý do mà chúng ta nên kéo dài lệnh cấm nhập khẩu tạm thời này để cải thiện tình hình ở các nước ở tiền tuyến”, ông Wojciechowski nói.
Các hạn chế đã gây tranh cãi giữa 12 quốc gia thành viên EU, bao gồm Pháp và Đức, với lo ngại về “sự thiếu minh bạch” và cảnh báo về nguy cơ làm suy yếu thị trường đơn nhất của châu Âu.
Ông Wojciechowski cho biết tại một cuộc họp báo hôm 30/5 rằng Ủy ban châu Âu (EC) vẫn chưa thông qua quan điểm của mình. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng ông hy vọng mình đã “thuyết phục được các quốc gia thành viên còn lại rằng việc áp đặt các hạn chế này là công bằng”.
Minh Đức (Theo Al-Arabiya, Daily Sabah)