Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với các đại diện Bắc Âu của Lực lượng Viễn chinh Hỗn hợp (JEF) do Anh dẫn dắt rằng Kiev đã chấp nhận rằng nước này sẽ không gia nhập NATO.
"Chúng tôi đã nghe nói trong nhiều năm qua về những cánh cửa được cho là rộng mở" của liên minh NATO, nhưng "chúng tôi cũng đã nghe nói rằng chúng tôi sẽ không thể bước qua cánh cửa đó", Tổng thống Ukraine cho biết trong cuộc điện đàm với đại diện các nước thành viên tham dự hội nghị JEF hôm 15/3 tại London.
“Đó là sự thật mà chúng tôi phải chấp nhận, và tôi rất vui khi người dân của chúng tôi bắt đầu nhận ra điều đó và tin tưởng vào chính bản thân mình và các đối tác của chúng tôi, những người đang giúp đỡ chúng tôi”, ông Zelensky nói.
Mặc dù NATO đã từ chối tư cách thành viên của Ukraine trước cuộc xung đột quân sự này, nhưng rõ ràng là vẫn đang có thủ tục liên quan đến việc Ukraine gia nhập liên minh.
Đàm phán Ukraine - Nga khó khăn
Ông Mykhailo Podoliak, thành viên phái đoàn Ukraine, mô tả vòng đàm phán với Nga hôm 15/3 là "khó khăn và luẩn quẩn".
Ông cho biết trên Twitter rằng đàm phán sẽ tiếp tục vào ngày 16/3 nhưng nói thêm, "có những mâu thuẫn cơ bản".
Các cuộc đàm phán trong tuần này giữa 2 nước thông qua liên kết video theo sau 3 vòng đàm phán trực tiếp ở Belarus đã không đạt được bất kỳ tiến bộ rõ ràng nào.
Trước đó, Nga cho biết họ muốn có sự đảm bảo về tính trung lập của Ukraine, nghĩa là nước này sẽ không gia nhập NATO.
Ukraine đang yêu cầu chấm dứt chiến tranh và rút các lực lượng của Nga.
Nga tuyên bố nắm quyền kiểm soát toàn bộ vùng Kherson của Ukraine
Bộ Quốc phòng Nga hôm 15/3 thông báo, vùng Kherson ở miền Nam Ukraine đã hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Nga, theo Anadolu Agency.
Quân đội Nga, cùng với lực lượng nổi dậy của Donbass, tiếp tục phát triển cuộc tấn công, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Igor Konashenkov cho biết tại một cuộc họp giao ban hàng ngày ở Moscow.
Ông Konashenkov cũng thông tin thêm về thiệt hại của phía Ukraine.
Cụ thể, trong ngày 14/3, 6 máy bay chiến đấu, 7 máy bay trực thăng và 13 máy bay không người lái của Ukraine đã bị bắn trúng.
Hai máy bay chiến đấu Su-24 và Su-25 cùng với một máy bay trực thăng Mi-8 đã bị các hệ thống phòng không bắn trúng, trong khi 4 máy bay chiến đấu Su-25, một máy bay Mi-24 và 5 máy bay trực thăng Mi-8 bị phá hủy trong một nhà chứa máy bay trên một sân bay gần thành phố Kramatorsk.
Kể từ hôm 14/3, không quân Nga đã tấn công tổng cộng 136 cơ sở quân sự của Ukraine, bao gồm 7 trung tâm điều khiển và liên lạc, 4 hệ thống tên lửa phòng không, 3 bệ phóng tên lửa, 4 trạm radar, một số bộ phận của hệ thống tên lửa phòng không S-300, một trạm tác chiến điện tử, 4 kho đạn, và 72 nơi tập kết thiết bị quân sự.
"Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, 156 máy bay không người lái, 1.306 xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép khác, 127 hệ thống pháo phản lực bắn loạt, 471 khẩu pháo dã chiến và súng cối, cũng như 1.054 đơn vị xe quân sự đặc biệt đã bị phá hủy", Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Theo ông Konashenkov, lực lượng đổ bộ đường không Nga cũng đã chiếm được một căn cứ của những người theo chủ nghĩa dân tộc và lính đánh thuê Ukraine, lấy làm chiến lợi phẩm một số vũ khí do các nước phương Tây cung cấp cho Ukraine, trong đó có 10 tên lửa chống tăng xách tay Javelin.
Tất cả vũ khí thu được đã được chuyển giao cho lực lượng nổi dậy của Donetsk và Luhansk, ông lưu ý.
Nga sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Mỹ
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 15/3 cho biết, ông không nghi ngờ gì về việc Tổng thống Vladimir Putin sẽ thể hiện sức mạnh chính trị để bình thường hóa quan hệ với Mỹ, nếu Washington có quan điểm mang tính xây dựng, theo hãng thông tấn nhà nước Nga TASS.
Khi được các nhà báo hỏi về tính khả thi của việc đối thoại giữa Moscow và Washington và bất kỳ sự bình thường hóa quan hệ nào hiện nay hay không, ông Peskov nhắc lại rằng ông Putin "luôn ủng hộ việc xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và sẵn sàng tính đến các mối quan tâm của nhau".
"Trong suốt vài thập kỷ nay, Tổng thống Putin luôn ghi nhớ những mối quan tâm của những người đồng cấp, thậm chí cả người Mỹ, và đã yêu cầu họ xem xét mối quan tâm của Nga. Trong 20 năm qua, những lo ngại này đã bị bỏ qua và Tổng thống Putin cùng với nước Nga đã phải đối mặt với việc đã rồi. Khi thái độ như vậy được thay thế bằng một cách tiếp cận mang tính xây dựng, tôi không nghi ngờ gì rằng Tổng thống Putin sẽ thể hiện ý chí chính trị tương ứng", ông Peskov nhấn mạnh.
Liên quan đến đàm phán giữa Nga và Ukraine, ông Peskov đã được yêu cầu bình luận về nhận định của ông Oleksiy Arestovich, cố vấn cho chánh văn phòng tổng thống Ukraine, rằng Kiev và Moscow có thể đạt được một thỏa thuận trong vòng 2 tuần.
Ông Peskov nói: "Chúng tôi không muốn đưa ra dự báo vào lúc này, chúng tôi sẽ đợi cho đến khi công chúng ở cả 2 quốc gia đều có thể được thông báo về các kết quả hữu hình".
"Đây là dự báo của ông ấy, nhưng chúng tôi không muốn đưa ra các dự báo vội vàng", Người phát ngôn Điện Kremlin nói thêm.
Trước đó, hôm 14/3, ông Arestovich cho rằng cuộc chiến ở Ukraine có thể sẽ kết thúc muộn nhất là vào tháng 5 khi Nga cạn kiệt nguồn lực để tiếp tục cuộc tấn công, theo DW.
"Bây giờ chúng ta đang ở ngã ba đường”, ông Arestovich nhận định, đồng thời giải thích thêm về 2 khả năng có thể xảy ra. Khả năng thứ nhất là 2 bên đạt được một thỏa thuận hòa bình trong vòng 1-2 tuần, với việc Nga rút quân.
Khả năng thứ hai là chiến sự kéo dài và phải đến giữa tháng Tư hoặc đầu tháng 5 hai bên mới đạt được một thỏa thuận.
Theo ông Arestovich, ngay cả khi thỏa thuận hòa bình đã đạt thành, các cuộc đụng độ nhỏ vẫn có thể tiếp diễn trong vòng một năm, mặc dù Kiev kiên quyết yêu cầu Moscow rút hoàn toàn quân đội khỏi Ukraine.
Cứ mỗi giây lại có một trẻ em ở Ukraine trở thành người tị nạn
Trong vòng chưa đầy 3 tuần, khoảng 1,5 triệu trẻ em đã phải rời khỏi Ukraine, nghĩa là cứ mỗi giây lại có gần một trẻ em trở thành người tị nạn, Liên Hợp Quốc cho biết hôm 15/3.
Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), hơn 3 triệu người đã rời khỏi Ukraine kể từ khi Nga tiến hành tấn công quân sự vào nước này ngày 24/2.
"Trung bình, mỗi ngày trong 20 ngày qua ở Ukraine, hơn 70.000 trẻ em đã trở thành người tị nạn", James Elder, phát ngôn viên của UNICEF, nói với các phóng viên tại Geneva.
Con số này nghĩa là cứ mỗi phút lại có khoảng 55 trẻ em phải rời bỏ Ukraine, tương đương gần một trẻ em mỗi giây.
"Cuộc khủng hoảng này xét về tốc độ và quy mô là chưa từng có kể từ Thế chiến thứ hai", vị đại diện UNICEF nhấn mạnh.
EU bổ sung thêm các biện pháp trừng phạt Nga
Liên minh châu Âu hôm 15/3 đã chính thức “bật đèn xanh” cho một loạt các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Nga, bao gồm các lệnh cấm đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Nga, xuất khẩu hàng hóa xa xỉ và nhập khẩu các sản phẩm thép từ nước này.
Các lệnh trừng phạt, sẽ có hiệu lực từ 15/3, sẽ đánh vào các công ty khai thác dầu lớn của Nga là Rosneft, Transneft và Gazprom Neft, theo Reuters.
Ủy ban châu Âu cho biết, lệnh cấm nhập khẩu thép của Nga được ước tính sẽ ảnh hưởng đến lượng sản phẩm trị giá 3,3 tỷ Euro (3,6 tỷ USD).
Các biện pháp trừng phạt cũng sẽ đóng băng tài sản của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp ủng hộ Điện Kremlin, bao gồm Roman Abramovich, tỷ phú sở hữu Câu lạc bộ bóng đá Chelsea, người đã bị chính phủ Anh trừng phạt vào tuần trước.
Hungary: An ninh nguồn cung năng lượng là "lằn ranh đỏ"
Gói trừng phạt mới nhất của EU đối với Nga không ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng của Hungary và tập đoàn dầu khí MOL của nước này cũng có thể tiếp tục sản xuất dầu thô tại mỏ BaiTex ở Nga, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto tuyên bố.
Trong một video trên Facebook, ông Szijjarto cho biết, điều quan trọng đối với Chính phủ Hungary là duy trì sự thống nhất của châu Âu về các lệnh trừng phạt nhưng “chúng tôi có lằn ranh đỏ là an ninh nguồn cung năng lượng của Hungary”.
Nga khẳng định không thiếu lương thực trong nước
Nga hôm 15/3 cho biết, không có nguy cơ thiếu lương thực trên thị trường nội địa và cảnh báo người tiêu dùng không nên đổ xô dự trữ các mặt hàng chủ lực sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga vì cuộc tấn công quân sự của nước này vào nước láng giềng Ukraine.
Nền kinh tế Nga đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nặng nề nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, sau khi Mỹ và châu Âu cô lập Nga khỏi nền kinh tế toàn cầu để đáp trả “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Moscow tại Ukraine bắt đầu từ ngày 24/2.
"Không có điều kiện cho rủi ro thiếu hụt hoặc giảm phạm vi sản phẩm", Phó Thủ tướng Viktoria Abramchenko cho biết trong một tuyên bố.
“Việc thúc đẩy nhu cầu nhân tạo bằng các giao dịch mua cho tương lai là không đáng”, bà Abramchenko nói. "Nga sẽ định hướng lại thị trường và thiết lập thương mại cùng có lợi, mở rộng mạng lưới quan hệ đối tác với các quốc gia thân thiện".
Nga đã thực hiện các bước để bảo vệ thị trường thực phẩm của mình trước các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Thủ tướng Mikhail Mishustin hôm 14/3 đã ký lệnh cấm xuất khẩu đường trắng và đường thô cho đến ngày 31/8, đồng thời cấm xuất khẩu lúa mì, lúa mạch và ngô sang các nước láng giềng của Liên minh Kinh tế Á-Âu cho đến ngày 30/6.
Minh Đức (Theo DW, Reuters, TASS, Al Jazeera, Anadolu Agency)