Theo Forbes, không quân Ukraine không còn nhiều cường kích Su-25 trong cuộc xung đột sắp bước sang năm thứ tư, nhưng mẫu máy bay quân sự này vẫn hữu dụng nhờ mẫu bom lượn Pháp cung cấp.
Video do quân đội Ukraine công bố gần đây quay cảnh cường kích Su-25 ném những quả bom lượn Hammer nặng 250kg nhằm vào mục tiêu Nga. Video được công bố vài tuần sau khi một đoạn video tương tự được đăng tải, mô tả những chiếc Su-27 của không quân Ukraine ném bom lượn nặng 110kg do Mỹ sản xuất.
Trong cả hai trường hợp, chiến thuật tập kích là tương tự nhau, theo Forbes. Chiến đấu cơ Ukraine bay thấp, xâm nhập tiền tuyến, bám sát địa hình để né tránh radar phòng không Nga. Vào thời điểm trước khi ném bom, máy bay lấy độ cao.
Góc ném bom cao hơn giúp bom lượn Hammer do Pháp cung cấp có thể bay xa tới 64km. Nhưng theo Forbes, phi công Ukraine thường hiếm khi ném bom lượn bay xa tối đa vì những hạn chế trong môi trường chiến đấu thực tế.
Khoảnh khắc cường kích Su-25 của Ukraine ném bom lượn Hammer do Pháp cung cấp. Nguồn: Forbes.
Đoạn video được quay sắc nét với chất lượng cao nhờ vào camera gắn ở bên cánh. Trong mỗi lần cắt bom, cường kích Su-25 của Ukraine thường ném ít nhất hai quả bom lượn. Đôi khi máy bay cũng phải phóng mồi bẫy để đánh lừa tên lửa phòng không Nga trước khi quay trở về căn cứ.
Theo Forbes, trong cuộc xung đột vẫn đang diễn ra, không quân Ukraine đã hứng chịu tổn thất đang kể liên quan cường kích Su-25. Trong số 61 chiếc máy bay loại này, Kiev mất ít nhất 20 chiếc. Đứng trước tổn thất lớn vào năm ngoái, Ukraine đã thay đổi chiến thuật và hiện chỉ sử dụng mẫu máy bay chiến đấu tầm gần này trong nhiệm vụ ném bom lượn.
Bom lượn được cho là hiệu quả đến mức không quân Ukraine có kế hoạch trang bị cho tất cả các mẫu máy bay chiến đấu trong biên chế, từ tiêm kích MiG-29, tiêm kích bom Su-24 cho đến chiến đấu cơ Su-27 và Su-25.
Các mẫu máy bay do phương Tây cung cấp như F-16 và Dassault Mirage 2000 cũng tương thích với bom lượn của Mỹ và Pháp. Ngoài ra, Ukraine cũng đang thử nghiệm một loại bom lượn sản xuất nội địa để có thể tự chủ về mặt vũ khí trong trường hợp Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump giảm mức độ hỗ trợ quân sự. Mẫu bom lượn nội địa được không quân Ukraine thử nghiệm kể từ tháng 9/2024, Forbes đưa tin.
Đăng Nguyễn - Forbes