Ukraine mới đây tuyên bố sẽ đình chỉ dòng khí đốt qua một điểm trung chuyển của nước này mà vận chuyển gần một phần ba lượng nhiên liệu từ Nga đến châu Âu. Kiev cho biết sẽ chuyển dòng chảy khí đốt đó sang nơi khác và Moscow chính là nguyên nhân dẫn tới động thái như vậy. Ukraine vẫn là con đường trung chuyển khí đốt chính của Nga tới châu Âu ngay cả sau khi xung đột nổ ra.
GTSOU, công ty vận hành hệ thống khí đốt của Ukraine, cho biết ngừng vận chuyển các chuyến hàng qua tuyến đường Sokhranivka từ hôm 11/5. Công ty nhận định đây là trường hợp "bất khả kháng", trích dẫn một điều khoản rằng khi một doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi điều gì đó ngoài tầm kiểm soát của họ.
Công ty cho biết họ không thể hoạt động tại trạm nén khí Novopskov do "sự can thiệp của lực lượng chiếm đóng trong các quy trình kỹ thuật". Trạm nén khí Novopskov ở khu vực Luhansk, miền đông Ukraine đã bị Nga và lực lượng ly khai chiếm đóng ngay sau khi Moscow bắt đầu hoạt động quân sự đặc biệt hồi tháng 2.
Đây là trạm nén khí đầu tiên trong hệ thống trung chuyển khí đốt của Ukraine ở vùng Luhansk, tuyến đường vận chuyển khoảng 32,6 triệu mét khối khí đốt mỗi ngày hay một phần ba lượng khí đốt của Nga được dẫn đến châu Âu thông qua Ukraine, GTSOU cho biết.
Để thực hiện đầy đủ "nghĩa vụ vận chuyển với các đối tác châu Âu", GTSOU đề xuất chuyển dòng chảy khí đốt bị ảnh hưởng đến điểm trung chuyển Sudzha nằm trên lãnh thổ do Ukraine kiểm soát.
Tuy nhiên, công ty độc quyền về xuất khẩu khí đốt của Nga bằng đường ống là Gazprom (GAZP.MM) nhận định về mặt công nghệ thì không thể chuyển toàn bộ dòng khí đốt sang điểm trung chuyển Sudzha xa hơn về phía tây. Công ty Nga cho biết không thấy bằng chứng về sự "bất khả kháng" hoặc trở ngại để tiếp tục vận chuyển dòng khí, họ đang đáp ứng tất cả các nghĩa vụ đối với người mua khí đốt ở châu Âu.
Công ty khí đốt nhà nước của Moldova, một quốc gia nhỏ bé ở biên giới phía tây Ukraine, cho biết họ không nhận được bất kỳ thông báo nào từ GTSOU hoặc Gazprom rằng nguồn cung sẽ bị gián đoạn.
Mỹ đã kêu gọi các nước giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố cấm nhập khẩu dầu mỏ và các năng lượng khác từ Nga nhằm trừng phạt vì xung đột. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price mới đây cho biết sẽ không thay đổi động lực để giảm bớt sự phụ thuộc toàn cầu vào dầu của Nga "càng sớm càng tốt".
Phạm Hà Thanh (theo The National News, Reuters)