Chính phủ Ukraine đã chấp thuận các điều khoản của một thỏa thuận có điều kiện với Ngân hàng Tài chính Liên bang Mỹ (FFB) cho khoản vay 40 năm trị giá 20 tỷ USD, trong đó khoản vay này được bảo đảm bằng lợi nhuận từ các tài sản bị đóng băng của Nga.
Đây là một phần của thỏa thuận cho vay của G7 trị giá 50 tỷ USD rộng hơn, bao gồm 20 tỷ USD từ Mỹ, 20 tỷ USD tiếp theo từ EU, và 10 tỷ USD còn lại được chia cho các thành viên còn lại G7 là Vương quốc Anh, Nhật Bản và Canada.
Khoản tiền này sẽ được chuyển cho một quỹ trung gian tài chính (FIF) dành riêng cho Ukraine do Ngân hàng Thế giới (WB) thành lập vào ngày 10/10, "vì lợi ích của nhà nước", một nghị quyết do Nội các Bộ trưởng Ukraine ban hành vào ngày 6/12 nêu rõ.
Việc chuyển giao sẽ dựa trên một thỏa thuận giữa Ukraine, FFB và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), cùng với thỏa thuận bảo lãnh và hoàn trả khoản vay giữa Ukraine và USAID.
Theo thỏa thuận, Bộ Tài chính Ukraine sẽ cấp chứng chỉ nợ cho FFB, do USAID bảo lãnh, nghị quyết của chính phủ Ukraine cho biết.
Khoản vay này có lãi suất hằng năm là 1,3% cộng với lãi suất trung bình hiện tại cho trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 1 năm, sẽ được trả bằng lợi nhuận phát sinh từ các tài sản của Nga bị đóng băng ở phương Tây.
Mỹ và các đồng minh đã đóng băng ước tính 300 tỷ USD tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga sau khi xung đột Ukraine leo thang vào tháng 2/2022.
Vào tháng 6 năm nay, các thành viên G7 đã cam kết khoản vay 50 tỷ USD cho Kiev, trong đó các tài sản bị đóng băng của Nga sẽ được sử dụng làm tài sản thế chấp, để giúp Kiev mua vũ khí và xây dựng lại cơ sở hạ tầng bị hư hại. Thỏa thuận vay đã được hoàn tất vào tháng 10.
Moscow đã nhiều lần lên án việc đóng băng tài sản và lập luận rằng việc khai thác các khoản tiền này sẽ là bất hợp pháp và tạo ra tiền lệ nguy hiểm.
Bộ Tài chính Nga đã cảnh báo rằng họ sẽ khởi xướng các biện pháp trả đũa tương xứng đối với các nguồn lực của các nhà đầu tư phương Tây đang nằm tại quốc gia này.
Động thái mới nhất là một phần trong chiến lược của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sắp mãn nhiệm nhằm củng cố nỗ lực chiến đấu của Kiev.
Ngoài ra, Washington đã công bố một gói viện trợ quân sự mới trị giá 725 triệu USD cho Kiev và một vòng trừng phạt khác đối với Moscow.
Tất cả đang diễn ra trong bối cảnh sự không chắc chắn gia tăng về các cam kết của Washington dưới thời Tổng thống Mỹ tiếp theo là ông Donald Trump, đặc biệt là sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson bác bỏ yêu cầu của Tổng thống Joe Biden về việc đưa thêm 24 tỷ USD viện trợ cho Ukraine vào dự luật tài trợ chính phủ vào tuần trước.
Minh Đức (Theo RT)