Kết quả tốt cho Ukraine
Rất ít quốc gia lo lắng như Ukraine trước cuộc gặp thượng đỉnh tại Geneva giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Các hội nghị thượng đỉnh G7 và NATO diễn ra trước đó vốn không mang lại sự hài lòng cho nước này khi ông Biden vẫn không đặt ra lộ trình cụ thể để giúp Kiev trở thành thành viên của liên minh quân sự phương Tây.
Nhưng sau hội nghị Geneva, nhiều người Ukraine dường như đã bớt đi phần nào nỗi lo. Mặc dù không có đột phá đáng kể trong cân bằng sức mạnh với Nga, cuộc họp ở Thụy Sĩ cho phép tân tổng thống Mỹ nhấn mạnh sự ủng hộ tiếp diễn với Ukraine và gửi một thông điệp rõ ràng tới Điện Kremlin rằng: Phương Tây sát cánh với Kiev sẽ không mang đến nhượng bộ nào.
Trước thềm Geneva, chính sách của Washington không may đã làm dấy lên nghi ngờ giữa các đồng minh và đối tác ở Đông Âu về sự sẵn sàng của Mỹ trong việc phản ứng với hành động của Điện Kremlin.
Quyết định của chính quyền Biden đối với Nord Stream 2 cũng giống như một món quà cho Nga và được ví như tai họa cho các nước Baltic, Ba Lan và Ukraine.
“Nhưng tại Geneva, Biden đã cho Putin hiểu rằng, ông muốn cải thiện quan hệ với Moscow, nhưng phần lớn sẽ phụ thuộc vào các hoạt động của Điện Kremlin trong những tháng tới. Với sự nhấn mạnh đến vấn đề Ukraine, ông Biden hiểu rằng Mỹ có lợi ích cơ bản trong việc giúp nước này đối đầu với Moscow”, chuyên gia John Herbst từ Trung tâm Eurasia, Hội đồng Đại Tây Dương nói.
Mặc dù điều này không đồng nghĩa với việc xung đột giữa Moscow với Ukraine sẽ kết thúc, nhưng nó sẽ giúp Tổng thống Putin hiểu rằng sự hỗ trợ mà Mỹ mang đến cho Kiev trong lần tập trung quân sự gần biên giới của Nga gần đây không phải chỉ là hành động vu vơ. Mỹ muốn Điện Kremlin phải trả giá cho hành động của mình, chuyên gia Herbst nhấn mạnh.
Mỹ lấy lại vị thế
Theo Ian Brzezinski, thành viên cấp cao của Hội đồng Đại Tây Dương, Tổng thống Mỹ Joe Biden trở về sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Geneva với Tổng thống Nga Vladimir Putin với hai thành tích liên quan đến Ukraine.
Thứ nhất, các hội nghị thượng đỉnh G7, NATO và Mỹ-EU trước đó đã nhấn mạnh tiến bộ đáng kể mà Tổng thống Biden đạt được trong việc lấy lại niềm tin xuyên Đại Tây Dương và định hình lại vai trò lãnh đạo của Mỹ ở mức cao.
Khi sự đoàn kết được củng cố, cộng đồng xuyên Đại Tây Dương sẽ hiệu quả hơn nhiều trong việc bảo vệ, thúc đẩy các lợi ích và giá trị của mình, bao gồm cả việc thách thức các kế hoạch địa chính trị của Nga.
Thứ hai, các báo cáo chỉ ra rằng Tổng thống Biden đã thể hiện sự bình tĩnh và kiên quyết đối với Tổng thống Putin khi yêu cầu Moscow lưu ý những hành động của mình với người hàng xóm Ukraine.
Thành công ngoại giao của Tổng thống Biden tại hội nghị thượng đỉnh này sẽ được chứng thực trong những tháng tới. Chỉ khi đó, người trong cuộc mới biết liệu cuộc gặp Biden-Putin có tạo ra sự thay đổi về hành động của Nga và trên hết là sự sẵn sàng hơn nữa của Mỹ và châu Âu trong việc thực thi sức mạnh chính trị, kinh tế và quân sự để ngăn chặn tầm ảnh hưởng lan rộng của Nga cũng như bất kỳ hành động nào trong tương lai của của nước này.
Về phần mình, chuyên gia Diane Francis của Hội đồng Đại Tây Dương nhận định, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã vẽ “lằn ranh trên cát” với Tổng thống Vladimir Putin trong hội nghị thượng đỉnh tuần qua, bao gồm vấn đề Ukraine, cáo buộc tấn công mạng và số phận nhà hoạt động Alexei Navalny.
Tuy nhiên, việc không cung cấp cho Ukraine lộ trình trở thành thành viên NATO được coi là một bước lùi. Trong vài tháng gần đây, Nga đã hành động khẩn trương hơn trên Biển Đen, biến nơi đây thành điểm nóng với những kế hoạch giám sát đường biển và xây dựng lực lượng hàng hải đổ bộ, mang đến những dự liệu không tốt cho Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy dự kiến sẽ phải hoàn tất các yêu cầu của Mỹ để sớm có những tiến bộ trong quá trình trở thành NATO, cũng như mang đến một tiến trình hòa bình mới với sự tham gia của Mỹ và Liên minh châu Âu, tại cuộc gặp với người đồng cấp Biden, dự kiến diễn ra vào cuối mùa hè này tại Nhà Trắng.