Giao tranh vẫn tiếp diễn ở miền Đông và miền Nam Ukraine. Tại Donetsk ở miền Đông, quân đội Nga có vẻ đang cố gắng sử dụng binh sĩ mới được điều động để tái khởi động các cuộc tấn công nhưng có khả năng vẫn không đạt được lợi ích đáng kể về mặt hoạt động, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho biết trong bản đánh giá tình hình chiến sự mới nhất hôm 5/11.
Ở miền Nam, ISW cho biết các lực lượng Nga tiếp tục rút một số bộ phận khỏi khu vực tây bắc Kherson, nhưng vẫn chưa rõ liệu họ có chiến đấu vì thành phố Kherson hay không.
Tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ đã quan sát thấy rằng các lực lượng Nga đang tiếp tục chuẩn bị các vị trí dự phòng rút quân và phòng thủ ở tả ngạn (bờ Tây) sông Dnipro và phía tây bắc thành phố Kherson, đồng thời chuyển các lực lượng được huy động bổ sung tới đó.
Một số đơn vị tinh nhuệ của Nga - chẳng hạn như lực lượng đổ bộ đường không và bộ binh hải quân - được cho là đang tiếp tục hoạt động ở bờ Tây sông Dnipro, ISW cho biết.
Bước tiến của quân Ukraine dọc theo mặt trận phía Nam diễn ra chậm chạp do địa hình trống trải, khiến các lực lượng của Kiev khó lòng tiến lên mà không bị pháo binh Nga tấn công. Các lực lượng Nga cũng đông đảo hơn và được đào tạo tốt hơn ở mặt trận đó so với lực lượng xung quanh khu vực Kharkiv.
Về phần mình, phó Thống đốc khu vực do Nga bổ nhiệm Kirill Stremousov cho biết, tình hình trên đường liên lạc ở khu vực Kherson vẫn không thay đổi bất chấp việc quân đội Ukraine cố gắng thăm dò các tuyến phòng thủ, trong khi các nỗ lực sơ tán dân thường khỏi bờ Tây sông Dnipro vẫn được tiếp tục.
Trong ngày qua, một số khu vực chính ở Ukraine cũng tiếp tục hứng pháo kích vào sáng sớm trong bối cảnh xung đột với Nga không có dấu hiệu giảm nhiệt.
Khoảng 40 quả đạn pháo đã được khai hỏa nhằm vào thành phố Nikopol trong đêm, Thống đốc vùng Dnipropetrovsk Valentyn Reznichenko cho biết trên Telegram hôm 5/11.
Hai vụ hỏa hoạn đã xảy ra và hơn một chục tòa nhà dân cư và hạ tầng kỹ thuật, cũng như một đường ống dẫn khí đốt, bị hư hại, vị quan chức Ukraine cho biết.
Ở những nơi khác trong khu vực, các lực lượng Ukraine đã bắn hạ một máy bay không người lái và một quả đạn pháo khác, theo ông Reznichenko.
Thống đốc Mykolaiv, Vitali Kim, cho biết trên Telegram, tại khu vực phía Nam Mykolaiv, trận pháo kích vào các khu vực nông thôn trong đêm đã làm hư hại một số ngôi nhà, nhưng không gây thương vong.
Tên lửa cũng bắn trúng vào khu vực Zaporizhzhia ở phía đông nam. Theo Thống đốc vùng Oleksandr Starukh, vụ tấn công diễn ra ngay sau nửa đêm và làm hư hại các tòa nhà của 3 doanh nghiệp, cũng như một số ô tô.
Với cơ sở hạ tầng năng lượng bị hư hại do pháo kích đang gây ảnh hưởng đến lưới điện, Ukraine đã phải áp đặt các hạn chế về sử dụng điện trên diện rộng ở 7 khu vực, bao gồm cả thủ đô của Kiev, vào ngày 5/11. Trước đó, gần nửa triệu ngôi nhà ở thủ đô Ukraine đã không có điện vào ngày 4/11.
Ukrenergo, nhà điều hành hệ thống truyền tải điện của Ukraine, cho biết các biện pháp hạn chế tạm thời đối với tất cả người tiêu dùng ở 7 khu vực là cần thiết để giảm áp lực lên lưới điện.
Trong một diễn biến khác, khoảng 500 máy phát điện đã được 17 nước EU gửi đến Ukraine để giúp giải quyết các vấn đề năng lượng mà quốc gia Đông Âu này đang phải đối mặt khi mùa đông đã đến rất gần.
Dấu hiệu Mỹ quyết hỗ trợ Ukraine đến cùng
Bộ Quốc phòng Mỹ đang thành lập một bộ chỉ huy mới để giám sát quá trình Mỹ và các đồng minh của Washington đào tạo và trang bị cho quân đội Ukraine, Lầu Năm Góc thông báo hôm 4/11 cùng với một gói hỗ trợ an ninh mới trị giá 400 triệu USD.
Cam kết của Lầu Năm Góc về cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine và bộ chỉ huy mới là những tín hiệu rõ ràng cho thấy Mỹ dự đoán xung đột giữa Nga và Ukraine cũng như các nước lân cận sẽ tồn tại trong nhiều năm, các quan chức Mỹ cấp cao nói với tờ New York Times.
Bộ chỉ huy mới sẽ “đảm bảo rằng chúng tôi đủ khả năng tiếp tục hỗ trợ Ukraine về lâu dài”, bà Sabrina Singh, Phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc, nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo hôm 4/11. “Chúng tôi vẫn cam kết ủng hộ Ukraine bao lâu cũng được”.
Trong quân đội Mỹ, bộ chỉ huy là một tổ chức tập trung dành riêng cho một khu vực địa lý hoặc chiến lược cụ thể. Bộ chỉ huy mới, được gọi là Nhóm hỗ trợ an ninh-Ukraine, hoặc SAG-U, sẽ có trụ sở tại Đức và nằm trong cơ cấu của Bộ chỉ huy châu Âu của Lầu Năm Góc. Với đội ngũ nhân viên khoảng 300 người, đơn vị này sẽ tập trung vào một nhiệm vụ: giúp đào tạo và trang bị cho quân đội Ukraine.
Iran thừa nhận cấp UAV cho Nga
Iran lần đầu tiên xác nhận họ đã bán máy bay không người lái (gọi là UAV hoặc drone) cho Nga, nhưng cho biết điều này xảy ra “vài tháng” trước khi xung đột vũ trang ở Ukraine bắt đầu.
Phát biểu trước các phóng viên sau một sự kiện ở Tehran hôm 5/11, Ngoại trưởng Hossein Amirabdollahian đã đề cập đến các tuyên bố của các quan chức phương Tây rằng UAV do Iran sản xuất đã được cung cấp cho Moscow để sử dụng ở chiến trường Ukraine và tên lửa đất đối đất Iran cũng có thể đang trên đường đến Nga.
“Bình luận của họ (phương Tây) về phần tên lửa đạn đạo là hoàn toàn sai, trong khi phần UAV là đúng. Quả thực chúng tôi đã cung cấp một số lượng hạn chế drone cho Nga vài tháng trước khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu”, ông Amirabdollahian cho biết
Các quan chức Iran trước đó đã nhiều lần cho biết Tehran có hợp tác quốc phòng với Nga, nhưng không cung cấp vũ khí cho Điện Kremlin “cho mục đích sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine”.
Ông Amirabdollahian hôm 5/11 nhắc lại rằng Iran không ủng hộ bên nào trong cuộc chiến và sẵn sàng đối thoại với Ukraine.
“Chúng tôi đã nhấn mạnh với các quan chức Ukraine rằng nếu có bằng chứng về việc Nga sử dụng máy bay không người lái của Iran trong cuộc chiến chống Ukraine, họ nên cung cấp cho chúng tôi”, ông nói.
Nhà ngoại giao hàng đầu của quốc gia Trung Đông nhấn mạnh rằng Iran vẫn mong Ukraine đưa ra bằng chứng trong những ngày tới và “nếu chứng minh được với chúng tôi rằng Nga đã sử dụng UAV của Iran trong cuộc chiến ở Ukraine, chúng tôi sẽ không thờ ơ với điều đó”.
Ông Putin chưa “chốt” có dự Thượng đỉnh G20 không
Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn chưa quyết định liệu ông có đến dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 20 nhà lãnh đạo (G20) vào ngày 15-16/11 tới hay không khi xung đột vẫn đang tiếp diễn ở Ukraine, Tổng thống Indonesia - nước chủ nhà G20 năm nay - cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 4/11.
Cuộc họp của các nền kinh tế hàng đầu thế giới đã bị lu mờ bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine, với cả hai bên tiếp tục chiến đấu trên thực địa mà không có thay đổi đáng kể.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết ông Putin đã nói với ông trong một cuộc điện đàm hôm 2/11 rằng việc ông tham dự cuộc họp kéo dài hai ngày trên đảo nghỉ dưỡng Bali vẫn chưa được quyết định.
“Ông ấy (ông Putin) muốn tham dự nhưng không thể quyết định vào lúc này”, ông Widodo nói với tờ báo địa phương Kompas trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm 4/11.
Hồi tháng 8, nhà lãnh đạo Indonesia nói rằng ông Putin đã chấp nhận lời mời của Jakarta tới Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào ngày 15-16/11, bất chấp áp lực từ phương Tây nhằm ngăn cản Moscow tham gia cuộc họp và Điện Kremlin đối mặt với sự cô lập quốc tế ngày càng tăng.
Nhưng các bên tham chiến vẫn bị kẹt trong một cuộc xung đột kéo dài mà Kiev nói rằng đã khiến 4,5 triệu người Ukraine mất điện trong cái lạnh giá của mùa đông.
Indonesia theo đuổi chính sách đối ngoại trung lập về cuộc chiến ở Ukraine và cũng đã mời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đến dự Hội nghị Thượng đỉnh, và dự kiến ông Zelenskyy sẽ tham gia theo hình thức trực tuyến. Ukraine không phải là thành viên của G20.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Ukraine đã đe dọa tẩy chay Hội nghị Thượng đỉnh G20 này nếu ông Putin tham dự. “Nếu nhà lãnh đạo Liên bang Nga tham gia, Ukraine sẽ không tham gia”, ông Zelenskyy nói với các phóng viên hôm 3/11.
Tổng thống Indonesia cho biết 17 nhà lãnh đạo G20 đã xác nhận tham dự Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới, bao gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Đức kêu gọi Trung Quốc sử dụng “ảnh hưởng” với Nga
Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 4/11 đã kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giúp ngăn chặn cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine.
“Tôi đã nói với Chủ tịch Tập rằng điều quan trọng là Trung Quốc phải sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Nga”, ông Scholz nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 4/11 trong khuôn khổ chuyến thăm một ngày của Thủ tướng Đức tới Trung Quốc.
“Nga phải dừng ngay các cuộc tấn công mà dân thường đang phải gánh chịu hàng ngày và rút khỏi Ukraine”, ông Scholz nói.
Thủ tướng Scholz cho biết ông và ông Tập cũng đã thảo luận về các cảnh báo hạt nhân từ Điện Kremlin.
“Chủ tịch Tập và tôi đồng ý rằng các mối đe dọa hạt nhân là nguy hiểm và không thể chấp nhận được. Bằng cách sử dụng vũ khí hạt nhân, Nga sẽ vượt qua ranh giới mà cộng đồng quốc tế đã cùng nhau vạch ra”, Thủ tướng Đức nói.
Minh Đức (Theo Sky News, CNN, Straits Times, Al Jazeera)