Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã ra lệnh cho các lực lượng Nga rút lui khỏi thành phố Kherson và thiết lập một tuyến phòng thủ mới dọc theo sông Dnipro (còn gọi là Dnepr) – con sông dài nhất Ukraine và dài thứ tư ở châu Âu, sau sông Volga, Danube, và Ural.
Hôm 9/11, ông Shoigu đã nhất trí với Tướng Sergei Surovikin, người mới được bổ nhiệm làm chỉ huy các lực lượng Nga ở Ukraine vài tuần trước đó, rằng không thể tiếp tục duy trì các vị trí của quân đội Nga ở Kherson.
Trong một cuộc họp báo được phát sóng trên truyền hình hôm 9/11, Tướng Surovikin cáo buộc quân đội Ukraine đã phát động “các cuộc tấn công bừa bãi” nhằm vào thành phố Kherson, khiến mạng sống của dân thường trong khu vực bị đe dọa.
Ngoài ra, ông Surovikin cũng cáo buộc phía Ukraine thực hiện các cuộc tấn công tên lửa liên tục vào đập thủy điện Kakhovka nằm gần Kherson, gây ra rủi ro nghiêm trọng cho cả quân đội Nga và dân thường ở hữu ngạn (bờ Tây) sông Dnipro.
Nếu các đòn tấn công được tiếp tục gây vỡ đập, “những khu vực rộng lớn” sẽ bị ngập lụt, dẫn đến thương vong dân sự lớn và khiến quân đội Nga ở đó bị cắt đứt khỏi các lực lượng còn lại, Tướng Surovikin lập luận khi ông đề xuất rút quân.
“Lựa chọn hợp lý nhất” trong tình huống này sẽ là thiết lập một tuyến phòng thủ mới ở tả ngạn (bờ Đông) sông Dnipro, ông kết luận.
Chưa rõ ý đồ
Hôm 9/11, cây cầu chính trên tuyến đường ra khỏi thành phố Kherson đã bị nổ tung. Các bức ảnh được đăng tải trên mạng cho thấy cây cầu Darivka trên đường cao tốc chính phía đông Kherson đã bị sập hoàn toàn và rơi xuống nước sông Inhulets, một nhánh của sông Dnipro.
Những người Ukraine đăng ảnh cây cầu bị phá hủy đã suy đoán rằng nó đã bị quân đội Nga cho nổ tung để chuẩn bị rút lui.
Kherson là một trong 4 khu vực ly khai Ukraine mà Điện Kremlin đã tuyên bố sáp nhập vào Liên bang Nga hồi cuối tháng 9, sau các cuộc trưng cầu dân ý bị phương Tây lên án và từ chối công nhận. Đây là khu vực có thủ phủ cùng tên – đồng thời cũng là thành phố lớn đầu tiên và duy nhất Nga giành toàn quyền kiểm soát trong những ngày đầu của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Các vị trí của Nga ở Kherson đã bị lung lay trong nhiều tháng qua. Ukraine đã phát động một cuộc tấn công trên bộ vào khu vực này hôm 29/8, sau nhiều tuần pháo kích vào các cây cầu nối đôi bờ sông nhằm cắt đứt các tuyến tiếp tế cho các lực lượng Nga đang đồn trú ở bờ Tây sông, nơi có thành phố Kherson.
Hồi đầu tháng 10, quân đội Ukraine đã đột phá ở phần phía bắc của mặt trận Kherson, cuối cùng đẩy tiền tuyến vào phạm vi 30 km của thành phố. Đến cuối tháng 10, các nhà chức trách Nga cho biết họ đã hoàn thành việc sơ tán hơn 70.000 dân thường tới bờ Đông con sông Dnipro hùng vĩ.
Các quan chức Ukraine vẫn hoài nghi liệu Nga có thực sự cứ thế mà rút quân hay không. Nhiều người trong số họ lo sợ rằng tuyên bố rút quân của Moscow chỉ đơn giản là một âm mưu nhằm cuốn quân đội Ukraine vào một cuộc giao tranh đô thị đẫm máu.
Bình luận về động thái của Nga, ông Mykhailo Podolyak, một cố vấn của Tổng thống Ukraine, hôm 9/11 cho biết: “Vẫn còn quá sớm để nói về việc Nga rút quân khỏi thành phố Kherson. Một nhóm quân Nga vẫn đang được duy trì trong thành phố và nhân lực bổ sung của họ vẫn đang tiến vào. Chúng tôi không thấy dấu hiệu nào cho thấy Nga sẽ rời đi mà không có giao tranh”.
Ông Oleksiy Arestovych, một trợ lý cấp cao khác của Tổng thống Ukraine, cho biết ý đồ của Moscow vẫn chưa rõ ràng. “Họ đang di chuyển, nhưng vẫn chưa rõ đó là một đợt rút lui triệt để hay một đợt tái triển khai quân”, ông Arestovych cho biết trong một video được đăng trên Telegram vào tối hôm 9/11.
“Và hiện tại, chúng tôi không biết ý định của họ - liệu họ có tiếp tục giao tranh với chúng tôi hay có cố giữ thành phố Kherson không? Họ đang di chuyển rất chậm”, vị quan chức Ukraine cho biết thêm.
Lợi thế và rủi ro
Chắc chắn Ukraine sẽ không vội vàng lao vào thành phố. Họ vẫn giữ thông tin chi tiết về các hoạt động của mình trong khu vực này một cách mơ hồ. Nhưng rõ ràng là gọng kìm Kherson đang bị siết chặt.
Hôm 9/11, ông Vladimir Saldo, người đứng đầu chính quyền Kherson do Nga bổ nhiệm, thừa nhận rằng ông Kirill Stremousov, cấp phó của ông, đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn xe hơi. Nhiều quan chức thân Nga đã thiệt mạng trong những tháng gần đây, với nhiều người trong số họ bị ám sát bởi dân quân và đặc nhiệm Ukraine.
Việc rút quân mang lại một số lợi thế cho Nga. Nó cho phép quân đội của Moscow thu hẹp mặt trận và thiết lập nhiều tuyến phòng thủ hơn, trong khi chờ đợi tiếp viện, bao gồm những tân binh được huy động gần đây. Tuy nhiên, động thái này cũng mang lại nhiều rủi ro cho quân đội của Moscow.
Một khi Kherson nằm trong tay quân Ukraine, điều này sẽ khiến một số phần của bán đảo Crimea, mà Nga sáp nhập năm 2014, rơi vào tầm bắn của các tên lửa tầm xa hơn, ví dụ như HIMARS, ông Rob Lee của Đại học King’s College London (Anh) lưu ý. Các hoạt động của Nga xung quanh Melitopol và Mariupol cũng có thể bị đe dọa.
Ngoài ra, việc rút lui trong điều kiện hỏa lực giăng trên đầu là nhiệm vụ thách thức nhất đối với bất kỳ đội quân nào. Nếu phạm sai lầm, họ sẽ phải gánh chịu thương vong nặng nề. Hồi tháng 10, các quan chức phương Tây và Ukraine cho rằng khoảng 20.000 quân Nga đã được triển khai ở bờ Tây sông Dnipro, và có lẽ nhiều người vẫn còn ở đó.
Trong bản cập nhật tình báo mới nhất hôm 10/11, Bộ Quốc phòng Anh đánh giá rằng quân Nga sẽ dễ bị tổn thương khi vượt sông Dnipro. Nhiều khả năng việc rút quân của Nga sẽ diễn ra trong vài ngày dưới sự yểm trợ của hỏa lực pháo binh.
Việc Nga để mất bờ Tây Kherson cũng có thể sẽ ngăn các lực lượng của Moscow đạt được nguyện vọng chiến lược về một tuyến đường bộ tiếp cận Odessa, Bộ Quốc phòng Anh cho biết thêm.
Không đánh giá thấp Nga
Mặc dù ca ngợi việc Nga rút lui về phía tả ngạn sông Dnipro là một chiến thắng cho Ukraine, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg vẫn kêu gọi phương Tây không đánh giá thấp khả năng của Moscow.
Khi được hỏi về việc Nga tuyên bố rút quân khỏi Kherson, ông Stoltenberg ca ngợi các lực lượng của Kiev vì khả năng “giải phóng thêm lãnh thổ Ukraine”, đồng thời không quên nhấn mạnh vai trò của “sự hỗ trợ mà Ukraine nhận được từ Vương quốc Anh, từ các đồng minh và đối tác NATO”.
“Chúng tôi đã thấy thông báo, nhưng tất nhiên chúng tôi sẽ chờ xem điều gì thực sự xảy ra trên thực địa”, người đứng đầu NATO nói với các nhà báo ở London hôm 9/11.
“Nhưng chúng ta không nên đánh giá thấp Nga”, ông Stoltenberg cho biết thêm trong một cuộc phỏng vấn riêng với Sky News. “Chúng tôi đã thấy các máy bay không người lái, chúng tôi đã thấy các cuộc tấn công bằng tên lửa. Nó cho thấy Nga vẫn có thể gây ra nhiều thiệt hại”.
Một số diễn biến khác
Chính phủ Đức hôm 9/11 cho biết đã chuyển giao cho Ukraine 30 xe bọc thép chở quân Dingo, tên lửa cho hệ thống phòng không Iris-T SLM, 4 hệ thống phòng thủ chống máy bay không người lái (drone), 18 drone trinh sát, cũng như xe tải và xe nâng. Ngoài ra, Đức cũng chuẩn bị cung cấp thêm nhiều tên lửa phòng không, hàng chục xe tăng rà phá bom mìn và 5 hệ thống trinh sát di động. Khung thời gian bàn giao viện trợ không được đưa ra vì mục đích an ninh.
Ủy ban châu Âu (EC) – cơ quan điều hành Liên minh châu Âu (EU) – hôm 9/11 đã công bố kế hoạch hỗ trợ kinh tế trị giá 18 tỷ Euro cho Ukraine đến năm 2023. Theo kế hoạch, mỗi tháng EU sẽ chuyển cho quốc gia Đông Âu 1,5 tỷ Euro dưới dạng các khoản cho vay. Gói hỗ trợ tài chính này vẫn cần được các nước thành viên EU thông qua.
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 dự kiến diễn ra trong ngày 15-16/11 tại Bali, Indonesia, Đại Sứ quán Nga tại Indonesia nói với hãng thông tấn AFP hôm 10/11.
“Tôi có thể xác nhận rằng Ngoại trưởng Sergei Lavrov sẽ dẫn đầu phái đoàn Nga tới G20. Lịch trình của Tổng thống Putin vẫn đang được sắp xếp, có thể ông ấy sẽ tham dự theo hình thức trực tuyến”, bà Yulia Tomskaya, người đứng đầu bộ phận lễ tân của Đại sứ quán Nga tại Indonesia, cho biết.
Minh Đức (Theo The Economist, The Guardian, DW, RT)