Ukraine thừa nhận ngôi làng nơi tiền tuyến Donbass thất thủ

Ukraine thừa nhận ngôi làng nơi tiền tuyến Donbass thất thủ

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguyễn Thị Minh Đức

Thứ 4, 22/06/2022 14:09

Bất chấp giao tranh Nga-Ukraine ở Donbass, miền Đông Ukraine đã đến hồi gay cấn, không bên nào sẽ chiến thắng trong cuộc xung đột này.

Các lực lượng Ukraine và Nga đều cố thủ tại các chiến trường miền Đông Ukraine vào ngày 22/6, một ngày kỷ niệm ở cả 2 nước, đánh dấu ngày Hitler phát động xâm lược Liên Xô vào năm 1941.

Ngày 22/6 là một ngày quan trọng ở Nga – gọi là “Ngày Tưởng nhớ và Đau buồn” – đánh dấu thời điểm quân đội Đức Quốc xã của Hitler xâm lược Liên Xô trong Thế chiến II. Ngày này cũng được tưởng niệm ở Ukraine và nước láng giềng Belarus, hồi đó là một phần của Liên Xô.

Cuộc chiến này kéo dài 1.418 ngày kể từ ngày 22/6/1941, và các nhà sử học ước tính khoảng 27 triệu binh lính và dân thường Liên Xô đã thiệt mạng.

Toshkivka hiện do người Nga kiểm soát hoàn toàn

Các lực lượng Nga hôm 21/6 đã tiến sâu hơn vào khu vực Donbass ở miền Đông Ukraine, với việc các quan chức Ukraine thừa nhận thất bại tại Toshkivka, một thị trấn nhỏ gần các thành phố quan trọng chiến lược là Severodonetsk và Lysychansk, tỉnh Lugansk.

Ông Roman Vlasenko, người đứng đầu chính quyền quân sự Severodonetsk, cho biết hôm 21/6 rằng khu định cư Toshkivka hiện do "người Nga kiểm soát hoàn toàn".

Toshkivka có dân số trước xung đột khoảng 5.000 người và cách khoảng 25 km (15 dặm) về phía Nam của thành phố Severodonetsk, nơi hiện đang là điểm nóng giao tranh ở Donbass.

Thế giới - Ukraine thừa nhận ngôi làng nơi tiền tuyến Donbass thất thủ

Quân nhân Ukraine di chuyển bằng xe tăng trên một con đường ở khu vực Donbass, miền Đông Ukraine. Ảnh: TRT World

Các trận chiến ở Donetsk và Lugansk (gọi chung là Donbass) đã phát triển thành một cuộc chiến tiêu hao tàn bạo, với việc Moscow tập trung hỏa lực áp đảo vào các khu vực vẫn do Ukraine kiểm soát.

Nhưng bất chấp lợi thế về pháo binh của họ, một số nhà quan sát lưu ý rằng các lực lượng Nga đã đạt được tiến bộ chậm chạp ở Donbass kể từ khi họ dồn sức tấn công mặt trận này hồi đầu tháng 4.

Cuộc giao tranh không ngừng đã chứng kiến cả 2 bên đều chịu tổn thất nặng nề trong một trong những trận chiến trên bộ đẫm máu nhất ở châu Âu trong nhiều thế hệ.

Các lực lượng Nga biến Luhansk “thành đống đổ nát”

Các trận giao tranh đã diễn ra ác liệt trải dài 2 bên bờ sông Siverskyi Donets, với các lực lượng Nga hoạt động chủ yếu ở bờ Đông và các lực lượng Ukraine phòng thủ chủ yếu ở bờ Tây.

Tuy nhiên, các lực lượng Ukraine vẫn giữ một số vị trí ở bờ Đông sông Siverskyi Donets, bao gồm một phần của khu công nghiệp ở ngoại ô Severodonetsk, điểm nóng của các cuộc giao tranh gần đây.

Thống đốc Luhansk, Serhiy Haidai, nói với hãng tin AP hôm 21/6 rằng người Ukraine tiếp tục giữ nhà máy hóa chất Azot bất chấp sự oanh tạc nặng nề của Nga. Khoảng 500 dân thường đang trú ẩn tại cơ sở này, trong đó có hàng chục trẻ em, và lo ngại về sự an toàn của họ đang gia tăng.

Ông Haidai cho biết Quân đội Nga đang biến khu vực này "thành đống đổ nát" trong nỗ lực giành toàn quyền kiểm soát Severodonetsk.

Ông nói với AP: “Đó là một thảm họa tuyệt đối. “Các vị trí của chúng tôi đang bị bắn từ pháo, nhiều bệ phóng tên lửa, pháo cỡ lớn, các cuộc tấn công tên lửa… ngày nay mọi thứ có thể đốt cháy đều bốc cháy”.

Thành phố Lysychansk ở bờ Tây sông Siverskyi Donets giờ là thành phố duy nhất ở vùng Luhansk vẫn hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine, nhưng liên tục hứng các đợt pháo kích.

Ông Haidai cho biết trên Telegram rằng trận pháo kích của Nga hôm 20/6 đã phá hủy 10 tòa nhà cao tầng, nhà riêng và một đồn cảnh sát trong thành phố.

Các hãng tin đều thừa nhận không thể xác minh các tuyên bố về tình hình trên thực địa.

Thế giới - Ukraine thừa nhận ngôi làng nơi tiền tuyến Donbass thất thủ (Hình 2).

Bản đồ đánh giá tình hình thực địa trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, tính đến ngày 21/6/2022. Nguồn: Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW). Đồ họa: Al Jazeera

Chuyên gia nêu tầm quan trọng của việc đối thoại với Nga

Các viện nghiên cứu hàng đầu của Đức hôm 21/6 đã công bố một báo cáo thường niên với những phân tích về cuộc xung đột ở Ukraine và lời khuyên cho chính phủ Đức về cách giải quyết hậu quả của cuộc xung đột.

Giáo sư Tobias Debiel, Phó Giám đốc Viện Phát triển và Hòa bình (INEF), người đồng thời là đồng tác giả của báo cáo, nói với DW: “Điều khá quan trọng là Thủ tướng Đức Olaf Scholz phải duy trì liên lạc với Tổng thống Nga Vladimir Putin bởi vì chúng ta phải nghĩ đến việc kết thúc cuộc xung đột bên bàn đàm phán”.

Theo Giáo sư Debiel, việc ngừng mọi liên lạc với Nga sẽ là một thảm họa vì cuối cùng sẽ không có bên nào chiến thắng trong cuộc xung đột này, và xung đột chỉ có thể được kết thúc trên bàn đàm phán.

“Báo cáo Hòa bình” (Peace Report) là công bố hàng năm của Trung tâm Nghiên cứu Xung đột Quốc tế Bonn (BICC), Viện Nghiên cứu Hòa bình Leibniz Frankfurt (PRIF), Viện Nghiên cứu Hòa bình và Chính sách An ninh tại Đại học Hamburg (IFSH) và Viện Phát triển và Hòa bình (INEF).

Nga cảnh báo Litva về lệnh cấm vận đối với Kaliningrad

Người đứng đầu Hội đồng An ninh Nga hôm 21/6 đã cảnh báo Litva (Lithuania) về những hậu quả "nghiêm trọng" khi nước này áp đặt hạn chế với việc vận chuyển hàng hóa bị EU trừng phạt bằng đường sắt tới vùng ngoại ô của Moscow từ Kaliningrad, vùng lãnh thổ tách rời của Nga giáp với Litva và Ba Lan.

"Nga chắc chắn sẽ đáp trả những hành động thù địch như vậy", ông Nikolai Patrushev tuyên bố tại một cuộc họp an ninh ở Kaliningrad.

Ông cho biết thêm rằng "các biện pháp thích hợp" đang được thực hiện và chúng "sẽ được thực hiện trong tương lai gần".

"Hậu quả của chúng sẽ có tác động tiêu cực nghiêm trọng đến dân Litva", ông Patrushev nói trong các bình luận được các hãng thông tấn Nga trích dẫn.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập Đại sứ EU tại Moscow, Markus Ederer, về lệnh cấm vận trên.

Phản ứng với lời cảnh báo của Nga, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói với các phóng viên hôm 21/6 rằng Mỹ cam kết đứng về phía các đồng minh NATO và Litva, đặc biệt là cam kết đối với nguyên tắc phòng thủ tập thể theo “Điều 5” của NATO, trong đó quy định một cuộc tấn công vào một thành viên của NATO đồng nghĩa với một cuộc tấn công vào tất cả các thành viên của liên minh.

Ukraine nhận trách nhiệm về vụ tấn công giàn khoan dầu ở Biển Đen

Ukraine hôm 21/6 thừa nhận đã tấn công các cơ sở sản xuất dầu ở Biển Đen ngoài khơi Crimea.

Ông Serhiy Bratchuk, người phát ngôn của chính quyền quân sự khu vực Odessa, nói trong một cuộc họp trực tuyến rằng đó là những nơi Nga tổ chức các đồn trú nhỏ và lưu trữ thiết bị phòng không, tác chiến radar và trinh sát.

“Chúng đang được biến thành những cứ điểm giúp người Nga kiểm soát hoàn toàn khu vực phía Tây Bắc của Biển Đen.

Để trả đũa, Bộ Quốc phòng Nga cho biết tên lửa của họ đã tấn công một sân bay gần Odessa.

Thế giới - Ukraine thừa nhận ngôi làng nơi tiền tuyến Donbass thất thủ (Hình 3).

Một tàu khu trục nhỏ từ Hạm đội Biển Đen của Nga phóng tên lửa hành trình vào các mục tiêu mặt đất tại một địa điểm không được tiết lộ ở Ukraine. Ảnh do cơ quan báo chí Bộ Quốc phòng Nga công bố ngày 19/6/2022.

Nga sẽ triển khai tên lửa Sarmat vào cuối năm 2022

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moscow sẽ tăng cường và hiện đại hóa hơn nữa các lực lượng vũ trang của mình, bao gồm cả việc triển khai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Sarmat mới được thử nghiệm vào cuối năm 2022.

Ông Putin đưa ra bình luận trên hôm 21/6, trong một cuộc họp trên truyền hình với các sinh viên tốt nghiệp học viện quân sự trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine vẫn tiếp diễn.

“Theo kế hoạch vào cuối năm nay, tổ hợp đầu tiên như vậy sẽ được đưa vào phục vụ chiến đấu”, ông Putin nói với các sinh viên tốt nghiệp, đồng thời đề cập đến các ICBM do Nga phát triển có khả năng mang 10 đầu đạn hạt nhân và mồi nhử trở lên.

Nga đã thử nghiệm thành công tên lửa này vào tháng 4, khiến một số nhà quan sát không khỏi lo lắng vào thời điểm căng thẳng gia tăng một lần nữa làm dấy lên viễn cảnh đối đầu hạt nhân Nga-phương Tây.

Ông Putin cho biết, việc triển khai tên lửa này sẽ là một phần trong quá trình xây dựng Quân đội Nga lớn mạnh hơn, đồng thời cho biết thêm rằng quân đội đã bắt đầu nhận được các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa S-500 “vô đối”.

Nga đã cải tiến hệ thống phòng không của mình với S-500, hệ thống này có thể được triển khai nhanh chóng và có thể đánh chặn máy bay tầm xa, tên lửa siêu thanh và ICBM.

“Chúng ta sẽ tiếp tục phát triển và củng cố các lực lượng vũ trang của mình, có tính đến các mối đe dọa và rủi ro quân sự tiềm tàng”, ông Putin nói.

Thế giới - Ukraine thừa nhận ngôi làng nơi tiền tuyến Donbass thất thủ (Hình 4).

Tổng thống Nga Vladimir Putin theo dõi một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Sarmat ở Moscow, Nga. Ảnh: Al Jazeera

Các quan chức phương Tây trước đó cũng dự kiến Sarmat sẽ được triển khai vào cuối năm nay, đồng thời nhận định rằng việc triển khai loại vũ khí này sẽ là một thách thức lớn đối với an ninh.

Sarmat, biệt danh “Quỷ Satan”, được Nga phát triển trong nhiều năm, có trọng tải lớn và tầm bắn cực xa, khiến nó có khả năng vượt qua hầu hết các hệ thống phòng thủ tên lửa và radar.

Tổng thống Nga từng ca ngợi tên lửa Sarmat là một "vũ khí thực sự độc đáo" sẽ đảm bảo an ninh cho đất nước của ông trước những "mối đe dọa" từ bên ngoài, và khiến đối thủ của Nga "phải suy nghĩ kỹ lại".

Ukraine đã nhận được vũ khí hạng nặng từ Đức

Ukraine hôm 21/6 cho biết họ "cuối cùng" đã có thể triển khai một hệ thống pháo tầm xa tiên tiến của Đức.

“Panzerhaubitze 2000 cuối cùng cũng đã gia nhập kho vũ khí lựu pháo 155 mm của lực lượng pháo binh Ukraine”, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov viết trên mạng xã hội, gửi lời cảm ơn tới người đồng cấp Đức Christine Lambrecht.

Tháng trước, Đức cho biết họ sẽ gửi 7 lựu pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 tới Ukraine, trong nỗ lực tăng cường cung cấp vũ khí hạng nặng để giúp Ukraine chống lại sự gây hấn của Nga.

Panzerhaubitze 2000 (PzH 2000) là loại lựu pháo tự hành bọc thép có cỡ nòng 155 mm, có thể bắn 60 viên đạn với tốc độ bắn 3 phát/10 giây. Mục tiêu có thể bị tiêu diệt ở khoảng cách 30-56 km (19-35 dặm), tùy thuộc vào loại đạn.

Thế giới - Ukraine thừa nhận ngôi làng nơi tiền tuyến Donbass thất thủ (Hình 5).

Pháo binh tự hành Panzerhaubitze 2000 cực mạnh của Đức đang hoạt động. Ảnh: WarLeaks

Đức cáo buộc Nga “tấn công kinh tế” vào châu Âu

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết việc Gazprom cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1 giống như một "cuộc tấn công kinh tế” nhằm vào châu Âu của Moscow.

Phát biểu tại một hội nghị của Liên đoàn Công nghiệp Đức ở Berlin, ông Habeck cho biết, nó tạo thành một "chiều hướng mới" trong chiến lược của Nga: Cố tình giảm nguồn cung, ép giá lên, để gây ra một cuộc tranh luận ở châu Âu và ở Đức về việc giá cả leo thang.

Bộ trưởng Đức tuyên bố: “Chiến lược này không thể thành công”.

Tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga tuần trước cho biết họ đang cắt giảm khối lượng khí đốt cung cấp cho Đức thông qua đường ống. Gazprom viện dẫn lý do là việc sửa chữa bị trì hoãn, nhưng chính phủ Đức gọi quyết định này là "mang tính chính trị".

Do việc cắt giảm cung khí đốt, Đức, Áo và Hà Lan đã quyết định kích hoạt lại các nhà máy nhiệt điện than.

Ông Habeck kêu gọi "đa dạng hóa" các nhà cung cấp nguyên liệu và năng lượng để đạt được "một chút độc lập khỏi những ý định thâm độc của các nhà độc tài trên thế giới".

Thế giới - Ukraine thừa nhận ngôi làng nơi tiền tuyến Donbass thất thủ (Hình 6).

Đường ống Nord Stream (1) dẫn khí đốt từ Nga sang Đức. Ảnh: ABC News

EU đồng thuận về việc trao tư cách ứng viên cho Ukraine

Các Bộ trưởng EU đã bày tỏ đồng thuận ủng hộ trao "tư cách ứng viên" cho Ukraine, và quyết định chính thức về vấn đề này dự kiến sẽ được công bố tại Hội nghị Thượng đỉnh của khối sẽ diễn ra trong vài ngày tới.

Thông tin trên được ông Clement Beaune, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp, nước giữ chức chủ tịch luân phiên của EU tới hết tháng 6, đưa ra sau một cuộc họp với những người đồng cấp hôm 21/6.

Các nhà lãnh đạo EU sẽ nhóm họp vào ngày 23/6 tại Brussels (Bỉ) và dự kiến sẽ đồng ý để Ukraine và nước láng giềng Moldova gia nhập danh sách các "ứng cử viên" thúc đẩy trở thành thành viên của khối.

Bộ trưởng Ngoại giao Luxembourg Jean Asselborn cho biết: “Không một quốc gia nào có vấn đề với đề xuất trên. Chúng tôi sẽ thể hiện sự nhất trí cao".

EU sẽ áp đặt các điều kiện đối với Ukraine và Moldova về cải cách tư pháp và giải quyết tham nhũng, cùng với các vấn đề khác, trước khi họ có thể chuyển sang đàm phán gia nhập chính thức.

Sau đó, sẽ mất nhiều năm - nếu không phải là hàng thập kỷ - đánh giá kỹ lưỡng trước khi Ukraine tiến gần đến việc trở thành một thành viên thực sự.

Gruzia, cũng đã nộp đơn xin trở thành thành viên của Ukraine, được cho là sẽ được thông báo rằng họ cần phải thực hiện các cải cách hơn nữa trước khi có thể trở thành một ứng cử viên.

Minh Đức (Theo Al Jazeera, DW, Reuters, NDTV)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.