Cuộc phản công của Ukraine nhằm tái chiếm thành phố Kherson có thể sẽ mất nhiều tháng trong bối cảnh trang thiết bị và hậu cần đã được chuẩn bị sẵn sàng cho điều đó, ông Taras Berezovets, một sĩ quan đặc nhiệm của quân đội Ukraine, cho biết trong cuộc phỏng vấn với đài Al Jazeera, công bố hôm 4/9.
“Cuộc tấn công của chúng tôi có thể được mô tả là trơn tru và hiệu quả. Các lực lượng vũ trang của chúng tôi trước hết nghĩ đến cuộc sống của những người lính phục vụ và cuộc sống của những người dân thường của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không đi xa hơn nếu có rủi ro nghiêm trọng”, ông Berezovets nói với Al Jazeera.
“Các lực lượng Ukraine sẽ không chỉ giải phóng vùng Kherson mà còn tất cả các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Việc nhiệm vụ này mất bao lâu không quan trọng. Những người lính Nga đang mất tinh thần, họ không biết mình đang làm gì trên đất Ukraine”.
Hé lộ thêm về cuộc phản công ở miền Nam Ukraine, Oleksiy Arestovych, một cố vấn của Tổng thống Ukraine, nói với tờ Wall Street Journal rằng, đây là một chiến dịch bài bản nhằm làm suy giảm lực lượng và hậu cần của Nga, chứ không phải nhằm mục đích chiếm lại ngay lập tức những vùng lãnh thổ rộng lớn đã mất.
Mục tiêu là “làm hao mòn có hệ thống quân đội của ông Putin, và quân đội Ukraine đang từ từ phát hiện và phá hủy hệ thống cung cấp hậu cần cho chiến dịch của Nga với các cuộc tấn công bằng pháo và vũ khí chính xác”, vị cố vấn giải thích.
Cuộc phản công có thể sẽ không mang lại lợi ích ngay lập tức vì các lực lượng Ukraine đang tìm cách “phá vỡ các nút hậu cần quan trọng hỗ trợ các hoạt động của Nga ở miền Nam và bào mòn khả năng quân sự của Nga”, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW).
Tổng thống Volodymyr Zelenskyy, trong bài phát biểu video hàng đêm hôm 4/9, cho biết quân đội Ukraine đã tái chiếm được 2 khu định cư ở miền Nam và 1 khu định ở miền Đông đất nước.
Ông Zelenskyy không nói chính xác vị trí của các vùng lãnh thổ nói trên và không cung cấp mốc thời gian. Ông cảm ơn quân đội Ukraine đã giải phóng 1 khu định cư ở khu vực Donetsk, chiếm “độ cao nhất định” cũng ở miền Đông theo hướng Lysychansk-Siversk và giải phóng 2 khu định cư ở miền Nam.
Tuy nhiên, trước đó hôm 4/9, một phụ tá cấp cao của ông Zelenskyy đã đăng hình ảnh các binh sĩ giương cao lá cờ Ukraine trên một ngôi làng mà ông mô tả là ở khu vực phía Nam Kherson mà Ukraine đang nhắm tới trong cuộc phản công đang được tiến hành.
“Vysokopillya. Vùng Kherson. Ukraine. Hôm nay”, ông Kyrylo Tymoshenko, Phó Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết trong một bài đăng trên Facebook kèm theo bức ảnh 3 người lính trên nóc nhà, đang buộc quốc kỳ Ukraine vào cột.
Khu vực này có vị trí quan trọng chiến lược ở cửa sông Dnipro (Dnepr) đổ ra Biển Đen.
Kharkiv và Mykolaiv tiếp tục hứng pháo kích
Trong cuộc xung đột với Nga, thành phố Mykolaiv ở miền Nam Ukraine và khu vực lân cận đã bị tấn công hàng ngày trong nhiều tuần. Hôm 3/9, 1 trẻ em đã thiệt mạng và 5 người bị thương trong các vụ tấn công bằng tên lửa trong khu vực, Thống đốc Mykolaiv Vitaliy Kim cho biết.
Hôm 4/9, Thị trưởng Mykolaiv Oleksandr Senkevych cho biết các cuộc pháo kích của Nga trong đêm đã làm hư hại một cơ sở điều trị y tế và một số khu dân cư, nhưng không nói rõ về con số thương vong.
Mykolaiv, trên Sông Bug (Boh) phía Nam, cách Biển Đen khoảng 30 km (20 dặm) về phía thượng lưu, là một cảng và trung tâm đóng tàu quan trọng của Ukraine.
Tại Kharkiv, thành phố lớn thứ hai Ukraine, trận pháo kích của Nga vào cuối ngày 3/9 đã khiến một khu phức hợp nhà hàng lớn bằng gỗ bốc cháy, theo cơ quan dịch vụ khẩn cấp địa phương. Thống đốc Oleh Syniehubov cho biết, 1 người đã thiệt mạng và 2 người bị thương trong cuộc pháo kích.
Ở miền Đông Ukraine, Thống đốc Donetsk Pavlo Kyrylenko cho biết, 4 người đã thiệt mạng trong cuộc pháo kích hôm 3/9.
Donbass vẫn là mục tiêu chính của Nga
Bộ Quốc phòng Anh, trong bản cập nhật tình báo sáng ngày 5/9, cho biết mặc dù Nga đang nỗ lực ngăn chặn cuộc phản công của Ukraine ở miền Nam, quân đội của Moscow vẫn tập trung vào việc chinh phục trung tâm công nghiệp Donbass ở miền Đông, nơi bao gồm 2 tỉnh Donetsk và Lugansk, trong đó Lugansk đã rơi vào tay quân Nga từ đầu tháng 7.
“Các trục tiến công chính của Nga vẫn ở Avdiivka gần thành phố Donetsk và 60 km về phía bắc, xung quanh Bakhmut”, bản cập nhật cho biết, “... nhưng các lực lượng của họ vẫn chỉ tiến khoảng 1 km mỗi tuần về phía Bakhmut”.
“Mục tiêu chính trị của chiến dịch Donbass của Điện Kremlin gần như chắc chắn vẫn là để giành quyền kiểm soát toàn bộ vùng Donetsk. Các lực lượng Nga rất có thể đã nhiều lần bỏ lỡ thời hạn để đạt được mục tiêu này”, bản cập nhật nhận định.
Theo bản đánh giá, các nhà chức trách Ukraine đã tuyên bố rằng các lực lượng Nga hiện đang được lệnh hoàn thành nhiệm vụ này vào ngày 15/9, nhưng mục tiêu này rất khó đạt được, từ đó làm phức tạp thêm kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý trên các khu vực Nga đã chiếm được.
Điện Kremlin: “Mọi cuộc đối đầu đều kết thúc bằng xoa dịu căng thẳng”
Ngay cả trong bối cảnh căng thẳng lịch sử giữa Nga và phương Tây, Điện Kremlin hy vọng quan hệ sẽ trở lại bình thường vào một thời điểm nào đó, theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov.
“Mọi cuộc đối đầu đều kết thúc bằng việc xoa dịu căng thẳng và mọi tình huống khủng hoảng đều kết thúc tại bàn đàm phán”, ông Peskov nói với truyền hình nhà nước Nga, hãng thông tấn Interfax đưa tin.
“Trường hợp lần này cũng sẽ như vậy” dù nó sẽ không nhanh chóng diễn ra, ông Peskov khẳng định khi phát biểu trong chương trình truyền hình “Moscow, Kremlin, Putin” (Thủ đô Moscow, Điện Kremlin, Tổng thống Putin) phát sóng hôm 4/9.
Cũng trong chương trình, đề cập đến vấn đề đóng cửa đường ống Nord Stream 1, một trong những tuyến đường cung cấp khí đốt chính của Nga cho châu Âu, ông Peskov đã đổ lỗi cho các chính trị gia châu Âu, viện dẫn rằng các lệnh trừng phạt kinh tế mà họ áp đặt lên Nga đã cản trở việc bảo trì đường ống của Gazprom.
“Nếu người châu Âu quyết định từ chối bảo dưỡng thiết bị của họ, hay đúng hơn là thiết bị thuộc về Gazprom mà họ bắt buộc phải bảo dưỡng theo hợp đồng thì đây không phải là lỗi của Gazprom”, ông Peskov cho biết.
“Đó là lỗi của những chính trị gia đã đưa ra quyết định về các biện pháp trừng phạt (nhắm vào Nga)”.
Một số diễn biến khác xoay quanh xung đột Nga-Ukraine
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã gặp Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal tại Berlin hôm 4/9 trong bối cảnh quốc gia Đông Âu vẫn tích cực tìm kiếm thêm vũ khí hạng nặng. Ông Shmyhal là quan chức cấp cao Ukraine đầu tiên đến thăm Đức trong vài tháng qua.
Đức đã viện trợ cho Ukraine các vũ khí hạng nặng như pháo tự hành PzH 2000 và các hệ thống tên lửa phóng loạt, được Thủ tướng Shmyhal xác nhận là "hoạt động tốt trên chiến trường".
Trước đó cùng ngày, ông Shmyhal cũng đã gặp Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, người từng bị từ chối thăm Kiev hồi tháng 4, gây ra một cuộc tranh cãi ngoại giao giữa 2 bên.
- Hàng nghìn người đã tập trung tại thủ đô Praha, Cộng hòa Séc, hôm 4/9 để phản đối tình trạng hóa đơn năng lượng tăng vọt và yêu cầu chấm dứt các lệnh trừng phạt chống lại Nga về cuộc chiến ở Ukraine.
Khoảng 70.000 phần tử cực hữu và cực tả đã tập hợp lại tại một cuộc biểu tình "Cộng hòa Séc trên hết" để kêu gọi một thỏa thuận mới với Moscow về nguồn cung khí đốt và ngừng gửi vũ khí cho Ukraine.
- Khoảng 2.000 người chủ yếu nói tiếng Nga đã tổ chức một cuộc biểu tình ở thành phố Cologne nằm bên bờ sông Rhine để yêu cầu Đức ngừng hỗ trợ Ukraine và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống lại Nga.
Đức là nơi sinh sống của khoảng 3 triệu người gốc Nga, nhưng đã xảy ra tương đối ít các cuộc biểu tình ủng hộ Nga kể từ khi xung đột ở Ukraine bùng phát.
Minh Đức (Theo DW, Al Jazeera, The Guardian)