Tập đoàn năng lượng nhà nước Ukraine Naftogaz hôm 13/4 cho biết Moscow đã bị một tòa án trọng tài ở The Hague (LaHay) yêu cầu trả khoản bồi thường 5 tỷ USD vì cáo buộc chiếm đoạt tài sản của Naftogaz ở Crimea năm 2014, Reuters đưa tin.
Theo Reuters, Giám đốc Điều hành của Naftogaz, ông Oleksiy Chernyshov, đã mô tả phán quyết hôm 12/4 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague là một “chiến thắng quan trọng trên mặt trận năng lượng” và cho biết ông mong đợi sẽ có nhiều phán quyết có lợi cho Ukraine.
“Bất chấp những nỗ lực cản trở của Nga, Tòa Trọng tài đã yêu cầu Nga bồi thường thiệt hại 5 tỷ USD cho Naftogaz”, Tập đoàn năng lượng nhà nước Ukraine cho biết trong một tuyên bố hôm 13/4.
“Nga hiện phải tuân thủ quyết định này phù hợp với nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế”, tuyên bố cho biết thêm.
Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, kéo theo làn sóng trừng phạt từ các chính phủ phương Tây. Theo chính quyền Ukraine, sau khi các lực lượng Nga tiến vào Crimea 9 năm trước, các quan chức Điện Kremlin đã quốc hữu hóa cơ sở hạ tầng năng lượng ở đó, bao gồm các đường ống và giàn khoan ngoài khơi.
Chưa có bình luận ngay lập tức từ Tập đoàn năng lượng nhà nước Nga Gazprom, nhưng Moscow vẫn có thể kháng cáo phán quyết.
Naftogaz đã khởi xướng thủ tục tố tụng trọng tài với 6công ty khác trong Tập đoàn Naftogaz vào tháng 10/2016. Tập đoàn của Ukraine cho biết, phán quyết trọng tài được đưa ra sau các phiên điều trần để xác định số tiền bồi thường, kết thúc vào tháng 3/2022.
Reuters dẫn nhận định của ông Tim Ash, một nhà phân tích tại BlueBay Asset Management, cho biết phán quyết này là một “chiến thắng pháp lý to lớn cho Ukraine và sẽ còn nhiều hơn nữa”.
Naftogaz đã đàm phán với các nhà đầu tư về việc tái cấu trúc nợ để đưa công ty thoát khỏi tình trạng vỡ nợ kéo dài nhiều tháng.
Toà Trọng tài Thường trực (PCA), thành lập năm 1899, là một tổ chức quốc tế liên chính phủ với 122 quốc gia thành viên, có chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp quốc tế giữa các quốc gia với nhau hoặc giữa quốc gia với pháp nhân nước ngoài trong lĩnh vực kinh tế - đầu tư. PCA đã hỗ trợ giải quyết nhiều tranh chấp quốc tế trên các lĩnh vực như biên giới, lãnh thổ, phân định biển, kinh tế - đầu tư.
Ngoài trụ sở chính tại Cung điện Hòa bình ở The Hague của Hà Lan, PCA đã mở văn phòng tại nhiều thành phố khác nhau để giúp các dịch vụ của tổ chức này dễ tiếp cận hơn ở các khu vực khác nhau trên thế giới, bao gồm 5 văn phòng tại Mauritius, Buenos Aires (Argentina), Singapore, Vienna (Áo) và Hà Nội.
Minh Đức (Theo Reuters, Politico.eu)