“Oằn mình” chở khách và phương tiện
Đúng theo “truyền thống”, từ cuối tháng 5/2023 đến nay, Bến phà Gót- Cái Viềng đưa người, phương tiện từ đảo Cát Hải ra đảo Cát Bà và ngược lại liên tục rơi vào tình trạng ùn tắc không kể dịp cuối tuần, nghỉ lễ hay ngày bình thường. Ô tô con, xe khách, xe máy xếp hàng dài đợi xuống phà, có khi 5-6 tiếng, trong khi những chiếc phà cũ kỹ đi lại như con thoi giữa 2 đầu bến “lặc lè” những khách và phương tiện.
Theo thống kê của Ban quản lý Bến phà Gót, từ đầu năm đến nay, đơn vị thực hiện gần 19,2 nghìn chuyến phà chở gần 163,2 nghìn ô tô các loại, gần 151 nghìn xe máy, khoảng 4,4 nghìn xe đạp và hơn 541 nghìn người đi bộ. Trong đó, chủ yếu cuối tháng 5 đến nay.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Vũ Mạnh Trung, Trưởng Bến phà Gót- Cái Viềng, cho biết, hiện đơn vị huy động tối đa nhân viên điều tiết phương tiện xuống phà giảm thiểu tình trạng xung đột khách khi lên và xuống phà để thời gian xuống phà nhanh nhất. Đồng thời, phối hợp với giữa Công an huyện Cát Hải, thanh tra Sở Giao thông- Vận tải Hải Phòng thực hiện phân luồng phân làn từ xa, tránh các hiện tượng chen lấn vượt làn.
Thế nhưng, mặc dù các phà liên tục “oằn mình” chở khách và phương tiện từ 4h sáng đến 19h30 (theo lịch chạy phà mùa hè), có ngày phải chạy ngoài giờ quy định để đưa đón bà con về đất liền đến 21h30, nhưng tình trạng ùn tắc tại Bến phà Gót- Cái Viềng vẫn chưa được giải quyết. Đây cũng là “điểm trừ” của Cát Bà khiến nhiều khách du lịch dù đã lựa chọn "đảo Ngọc" đành quay sang chọn địa điểm khác.
Càng gỡ, càng rối
Để giảm tải cho Bến phà Gót- Cái Viềng và cũng tăng sự hấp dẫn cho du lịch Cát Bà, chính quyền Tp.Hải Phòng đồng ý dự án xây dựng tuyến cáp treo 3 dây Cát Hải- Phù Long. Ngày 6/6/2020, tuyến cáp treo chính thức được khai trương với kỳ vọng chấm dứt cảnh ùn tắc ở Bến phà Gót. Thế nhưng, tình trạng ùn tắc không những không giảm, lại còn trầm trọng hơn trong mùa du lịch biển đảo này.
Lý giải cho việc chọn đi phà dù chịu cảnh ùn tắc thay vì lựa chọn đi cáp treo, anh Nguyễn Văn Dũng, ở quận Hải An, Tp.Hải Phòng, cho biết, nếu đi bằng cáp treo, tiền vé cáp treo 2 chiều và vé xe bus từ bến phà vào thị trấn Cát Bà vào ngược lại tổng cộng 280 nghìn đồng/người. Gia đình anh có 7 người, nếu lựa chọn cáp treo tổng cộng tốn gần 2 triệu đồng trong khi đi phà chỉ mất hơn 500 nghìn đồng 2 chiều.
Bên cạnh đó, mặc dù xe điện ở thị trấn Cát Bà khá nhiều, giá rẻ, chỉ từ 10-20 nghìn đồng/người/lượt, nhưng chỉ loanh quanh khu du lịch. Nếu đến những điểm du lịch ở xa như Vườn quốc gia Cát Bà khoảng 12 km, khá tốn kém. Ngoài ra, để tới đảo Cát Bà, còn có tàu cao tốc, nhưng giá vé cũng khá cao (250 nghìn đồng/người lớn/lượt). Vì thế, nhiều du khách lựa chọn đi xe máy, ô tô con ra đảo Cát Bà để tiết kiệm chi phí.
Để hạn chế tình trạng ùn tắc tại Bến phà Gót, thời gian qua, chính quyền Tp.Hải Phòng và huyện Cát Hải đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường xuống phà, nhất là bên phía đảo Cát Bà. Đồng thời, bố trí lực lượng thường trực phân luồng, hướng dẫn phương tiện giao thông, tăng tối đa tần suất các chuyến phà, nhất là vào dịp nghỉ lễ, cuối tuần, mùa du lịch biển đảo. Tuy nhiên, càng gỡ, càng rối bởi năng lực vận chuyển của các phà có hạn trong khi lượng khách du lịch tăng nhanh.
Theo những người làm du lịch lâu năm ở Cát Bà, để chấm dứt cảnh ùn tắc tại Bến phà Gót, chính quyền Tp.Hải Phòng cần xem xét có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích khách du lịch chọn đi cáp treo hay tàu cao tốc. Bên cạnh đó, đóng các phà lớn có thể chở 32 ô tô hỗn hợp thay thế những phà hiện tại chỉ chở được 16 ô tô hỗn hợp. Đồng thời, đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường xuống phà, nâng cấp hệ thống bến phà phục vụ những phà lớn.
Hiện, để tránh gặp cảnh ùn tắc kéo dài, khách du lịch nên đi bằng phương tiện cáp treo, tàu cao tốc. Nếu phải di chuyển bằng ô tô, xe máy, cần tránh dịp đi vào dịp nghỉ lễ, cuối tuần, chọn thời điểm sáng sớm, trưa hoặc chiều muộn để qua phà.
Tân Thắng