Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã đề những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu liên quan đến việc đẩy mạnh phát triển ngành Dược và thiết bị y tế, trong đó có nhiệm vụ: “Tập trung quản lý hệ thống bán buôn, bán lẻ, các nhà thuốc trong và ngoài bệnh viện. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để truy xuất nguồn gốc thuốc, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn. Ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối mạng, bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn quốc.”
Để triển khai nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nêu trên, ngay từ những ngày đầu năm 2018, bộ Y tế lựa chọn thí điểm một số địa phương như các tỉnh Phú Thọ, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và Nam Định và đã tổ chức các Đoàn công tác do Lãnh đạo Bộ Y tế chủ trì với sự tham gia của tập đoàn viễn thông quân đội Viettel để làm việc với UBND các tỉnh này về việc triển khai dự án ứng dụng công nghệ thông tin (UDCNTT) kết nối nhà thuốc, đồng thời đánh giá thực trạng, tháo gỡ các vướng mắc khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai tại các địa phương.
Bên cạnh đó, bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) đã có văn bản chỉ đạo đến các sở Y tế các tỉnh, thành phố trên toàn quốc để tiến hành khảo sát thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng phần mềm trong hoạt động kinh doanh thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc và tham mưu Lãnh đạo bộ Y tế ban hành các công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố để đảm bảo sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương tạo tiền đề cho việc triển khai đề án thành công trên toàn quốc.
Một số Sở Y tế như Quảng Ninh, Hải Dương, Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh đã có công văn gửi Bộ Y tế đề xuất được sớm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối mạng cơ sở bán lẻ trên toàn tỉnh.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc nhằm kiểm soát việc kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 - 2020 cũng được Chính phủ đặc biệt quan tâm và có chỉ đạo sát sao tại Thông báo số 192/TB-VPCP ngày 25/5/2018 của Văn phòng Chính phủ về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về việc ứng dụng công nghệ thông tin kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc theo Đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 - 2020” nhằm triển khai các chỉ đạo về tăng cường hiệu quả quản lý thuốc theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Ngày 5/7/2018, bộ Y tế (cục Quản lý Dược) đã tổ chức họp thuốc với sự tham gia của Lãnh đạo cục Quản lý Dược; sở Y tế và đại diện Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) và chi nhánh Viettel tại các tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Nam Định, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh và Hải Dương kiểm điểm tiến độ triển khai tại các tỉnh thí điểm và thông qua kế hoạch triển khai, chuẩn yêu cầu dữ liệu đầu ra phần mềm ứng dụng CNTT kết nối liên thông nhà thuốc.
Qua báo cáo của các bên trong buổi sơ kết nói trên, có thể nhận thấy sau những khó khăn ban đầu thì đến nay việc triển khai thí điểm tại 3 tỉnh được lựa chọn đã có những kết quả tích cực:Toàn bộ các nhà thuốc, các tủ thuốc tại trạm y tế xã các tỉnh thí điểm đã được tập huấn;
Việc thực hiện sử dụng phần mềm ứng dụng CNTT kết nối liên thông nhà thuốc tại các cơ sở thí điểm đã duy trì cập nhật thường xuyên; Đảm bảo đúng tiến độ đến 15/7/2018 sẽ triển khai ứng dụng CNTT kết nối liên thông cơ sở cung ứng thuốc trên toàn bộ các nhà thuốc và tủ thuốc tại 04 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Nam Định.
Lãnh đạo cục Quản lýDược đã biểu dương sự quyết tâm của các tập thể và cá nhân đã tích cực tham gia trong giai đoạn thí điểm vừa qua.
Tuy nhiên, để đề án có những bước vững chắc trong giai đoạn tiếp theo, bộ Y tế (cục Quản lý Dược) đề nghị đối với 4 tỉnh đã triển khai thí điểm cần xây dựng kế hoạch chi tiết cho giai đoạn tiếp theo để đảm bảo việc duy trì sử dụng phần tại các cơ sở bán lẻ cũng như tăng cường tập huấn, đào tạo cũng như giám sát.Đối với các tỉnh có đề nghị triển khai sớm cũng cần khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai dựa trên mô hình của các tỉnh đã thí điểm.
Bộ Y tế (cục Quản lý Dược) sẽ chuẩn hóa chuẩn yêu cầu dữ liệu đầu ra phần mềm ứng dụng CNTT kết nối liên thông nhà thuốc mềm để đảm bảo tính năng và sự tiện dụng cho tất cả các đối tượng sử dụng, hoàn thiện bộ tài liệu hướng dẫn, video sử dụng phần mềm kết nối nhà thuốc, phần mềm quản lý nhà thuốc, xây dựng Kế hoạch hành động triển khai Dự án UDCNTT kết nối mạng mạng các nhà thuốc trên toàn quốc, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tính thực thi hiệu quả trong việc triển khai Dự án UDCNTT kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc cũng như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai tại các địa phương.
Trong giai đoạn thí điểm và giai đoạn đầu triển khai (từ tháng 7/2018 đến 7/2019), phần mềm sử dụng sẽ do Viettel hỗ trợ kỹ thuật miễn phí. Sau đó, các công ty cung cấp phần mềm khác sẽ được tự do chào bán sản phẩm để đảm bảo đa dạng hơn về tính năng nhưng vẫn phải đảm bảo đáp ứng kiểm soát việc kê đơn, mua bán thuốc theo đơn, kiểm soát xuất xứ, nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn quốc.
Với sự quyết tâm của Chính phủ, bộ Y tế và ủng hộ của UBND các tỉnh, thành phố; Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel và sự đồng thuận của các cơ sở kinh doanh thuốc để phấn đấu hoàn thành dự án ứng dụng công nghệ thông tin (UDCNTT) kết nối nhà thuốc, trạm y tế xã trong năm 2018 và đối với các quầy thuốc, tủ thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc trên phạm vi cả nước vào năm 2019 theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ.
Thu Hà