Ủng hộ con làm nghề mại dâm chỉ có thể là “tú bà”

Ủng hộ con làm nghề mại dâm chỉ có thể là “tú bà”

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 2, 02/04/2018 06:25

Trước ý kiến về lập "phố đèn đỏ ở các đặc khu kinh tế", PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lâm Bá Nam, Chủ tịch hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam.

Hợp thức hóa mại dâm... hệ lụy khôn lường

Mới đây, tại hội thảo về quan điểm, định hướng xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm, có ý kiến cho rằng cách phòng, chống mại dâm kiểu cũ không hiệu quả và cần tổ chức quản lý theo kiểu mới.

Cũng tại hội thảo này, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng cục Phòng chống tệ nạn xã hội, bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho hay, các cơ quan chức năng đang nghiên cứu, lấy ý kiến về "phố đèn đỏ ở các đặc khu kinh tế".

Thông tin này một lần nữa nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Hầu hết người đưa ra ý kiến cho rằng, việc lập “phố đèn đỏ ở các đặc khu kinh tế” là không nên.

Ủng hộ con làm nghề mại dâm chỉ có thể là “tú bà”

Ý kiến lập "phố đèn đỏ ở các đặc khu kinh tế" nhận được phản ứng nhiều chiều từ dư luận. (Ảnh minh họa).

Để có cái nhìn khách quan, đa chiều và mong bạn đọc đưa ra những góc nhìn mang tính xây dựng. PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lâm Bá Nam, Chủ tịch hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam.

Trước câu hỏi của PV cũng như nhiều người quan tâm đặt ra là, có nên hay không nên lập “phố đèn đỏ ở các đặc khu kinh tế?”, PGS.TS Lâm Bá Nam thẳng thắn: "“Phố đèn đỏ” thực chất là hoạt động mại dâm công khai. Thế nhưng, từ xa xưa ông cha ta không coi đó là một nghề và không thừa nhận mại dâm. Vì thế, cá nhân tôi ở thời điểm hiện tại chưa ủng hộ việc lập “phố đèn đỏ””.

Lý giải về việc mình chưa ủng hộ việc lập “phố đèn đỏ”, PGS.TS Lâm Bá Nam cho biết: “Văn hóa Việt Nam có ba giá trị cốt lõi trong xây dựng: Một là gia đình, hai là làng, ba là nước (Quốc gia). Trong cuộc sống hiện đại, giá trị văn hóa xưa có thể bị mai một nhưng tôi cho rằng, cái cốt lõi về chuẩn mực văn hóa vẫn còn nguyên vẹn.

Chúng ta không thể nào làm đứt gãy chuẩn mực văn hóa trong giai đoạn phát triển của đất nước. Làm đứt gãy các giá trị văn hóa truyền thống là có tội với lịch sử - ông Lâm Bá Nam nói.

Hợp pháp hóa mại dâm ở đặc khu kinh tế, tôi hiểu các nhà làm chính sách muốn thu hút về mặt du lịch, thu hút đầu tư ở các nền văn hóa khác chúng ta. Nhưng, rõ ràng nếu chúng ta hợp pháp hóa mại dâm thì sẽ có nhiều hệ lụy kéo theo.

Khi đã hợp pháp hóa ở các khu vực đó thì tại các đô thị và vùng khác có hợp pháp hóa không? Ví dụ như Quất Lâm, Đồ Sơn... và nhiều vùng khác. Tôi không ủng hộ việc làm du lịch bằng mọi giá”.

Theo PGS.TS Lâm Bá Nam, nếu hợp pháp hóa mại dâm thì đó được coi là một nghề: “Nếu hợp pháp hóa mại dâm thành nghề thì nghề phải được đào tạo, phải mở trường học đi kèm với đó là các hệ thống an sinh xã hội... Như vậy, truyền thống gia đình là cái mà chúng ta đang cố giữ sẽ bị phá vỡ”.

PGS.TS Lâm Bá Nam nói thêm: “Ở Việt Nam, người ta gọi mại dâm là "bán nhân phẩm con người". Đất nước ta còn xây dựng một xã hội hài hòa, một xã hội lấy các chân giá trị làm chuẩn mực thì không thể thừa nhận mại dâm”.

“Tú bà” mới ủng hộ con làm nghề mại dâm

Trước câu chuyện nên hay không nên hợp thức hóa mại dâm, PGS.TS Lâm Bá Nam cho hay, ông cũng có những cuộc trao đổi, thảo luận với đồng nghiệp của mình. Có người ủng hộ, người phản đối. Tuy nhiên, khi ông đưa ra câu hỏi “Nếu con gái anh đi làm nghề đó anh nghĩ gì? Con gái chọn theo nghề này thì tâm trạng của anh thế nào?”, tất cả bạn đồng nghiệp của vị PGS.TS này đều khẳng định: “Tôi có con gái thì không bao giờ cho con đi theo nghề này”. Từ câu trả lời đó, ông Lâm Bá Nam đặt tiếp câu hỏi “Vậy tại sao anh lại đi ủng hộ?” và tất cả chỉ im lặng không nói gì.

Ủng hộ con làm nghề mại dâm chỉ có thể là “tú bà” (Hình 2).

PGS.TS Lâm Bá Nam không ủng hộ việc lập "phố đèn đỏ ở các đặc khu kinh tế".

Từ cuộc tranh luận trên, PGS.TS Lâm Bá Nam nhấn mạnh lại: “Nếu có lập “phố đèn đỏ” thì cần phải có một nghiên cứu dài hơi, nghiên cứu từ góc độ khoa học, pháp lý và thể chế phát triển ở Việt Nam. Còn ngày hôm nay, ai đưa ra ý kiến này thì tôi không ủng hộ. Bởi, nếu thừa nhận việc này chúng ta sẽ giáo dục thế hệ trẻ như thế nào?".

Chúng ta có đủ bản lĩnh nói với con trẻ của mình rằng: “Các con muốn làm gì thì làm không?”. Tôi khẳng định không một người cha, người mẹ nào ở Việt Nam ngày hôm nay dám nói với con điều đó, trừ những bà mẹ làm tú bà” - ông Lâm Bá Nam phân tích.

Trước đây, mại dâm hoạt động dưới hình thức kín đáo hơn, còn hiện tại nó cũng biểu hiện ở mạng xã hội zalo, facebook. Vậy, việc hợp thức hóa “phố đèn đỏ ở các đặc khu kinh tế” có thể kiểm soát được việc mại dâm hoạt động tràn lan? Với câu hỏi này, PGS.TS Lâm Bá Nam cho rằng: “Cơ quan chức năng coi nhẹ vấn đề quản lý đối với hoạt động mại dâm. Nhưng việc hợp thức hóa “phố đèn đỏ” không có nghĩa là hoạt động mại dâm trên zalo, facebook sẽ hết mà điều này, cơ quan quản lý cần phải có hình thức quản lý bằng công nghệ hiện đại”.

Ý kiến lập “phố đèn đỏ ở các đặc khu kinh tế” không phân định đúng sai, tốt xấu. Thế nhưng, thông qua ý kiến này, PGS.TS Lâm Bá Nam cũng bày tỏ: “Đừng bao giờ nhìn mại dâm là một hoạt động mang tính sinh lý thuần túy, nó là vấn đề xã hội. Tôi đồng ý với việc khuyến khích phát triển kinh tế, nhưng du lịch Việt Nam nếu cứ phát triển theo hướng hợp thức hóa mại dâm là thất bại”.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.