Trao đổi với PV Người Đưa Tin xoay quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thuấn, vụ trưởng vụ An toàn giao thông (bộ GTVT) cho rằng: Theo quy định của pháp luật, người bị xử phạt có quyền giải thích và dùng bằng chứng, tư liệu chứng minh việc mình không vi phạm hoặc bị CSGT xử phạt sai.
"Hiện nay, trừ một số loại xe phải gắn camera giám sát hành trình thì không có quy định bắt buộc người lái xe phải lắp camera. Tuy nhiên, việc người dân khi tham gia giao thông, nhất là đối với tài xế ô tô tự trang bị cho mình thiết bị ghi hình là rất tốt. Điều đó có lợi cho chính bản thân họ hoặc chứng minh họ không vi phạm tới mức độ như biên bản xử phạt", ông Thuấn cho biết thêm.
"Việc tài xế lắp camera không phải là quy định bắt buộc nhưng nó là một biện pháp rất hay", ông Nguyễn Văn Thuấn, vụ trưởng vụ ATGT chia sẻ
Trên thực tế có nhiều người không thấy bóng dáng CSGT làm nhiệm vụ trên tuyến đường đang đi là cố tình vi phạm như phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn tuyến. Vì thế, nên lực lượng CSGT trong một số trường hợp họ phải nhận thông báo từ lực lượng ở cách xa chốt, sau khi bắn tốc độ và phát hiện xe vi phạm sẽ gọi bộ đàm cho CSGT tại chốt xử lý chặn dừng, lập biên bản. Tất nhiên, nếu trên tuyến đường đông phương tiện giao thông thì việc nhầm lẫn là cũng có. Tuy nhiên, tài xế cần có thái độ chuẩn mực, góp ý để sự việc được giải quyết hợp lý.
Theo ông Thuấn, ở đây vấn đề không phải CSGT cố tình bắt lỗi người vi phạm mà cái quan trọng nhất mà cả xã hội hướng tới là phải tạo ra ý thức với người tham gia giao thông. Cụ thể, đó là tạo lập cho người tham gia giao thông có ý thức rằng, có thể bị phát hiện, xử lý bất cứ lúc nào chứ không phải là biện pháp chống đối. Nhất là các hành vi vi phạm an toàn giao thông trên các tuyến đường cao tốc.
Khi hỏi về việc nhiều tài xế dùng camera để "bắt lỗi" chính những đồng chí CSGT đang làm nhiệm vụ, ông Thuấn cho biết: "Đó cũng là một cách để giám sát những người thực thi công vụ được nghiêm túc. Chúng tôi rất cần sự tham gia, đóng góp ý kiến xây dựng của người dân. Nếu CSGT chưa làm đúng nhiệm vụ của mình thì người dân cứ mạnh dạn báo cáo lên cơ quan chức năng. Cơ quan chức năng sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm sai phạm nếu có".
Ông Nguyễn Văn Thuấn cho biết thêm: "Mục đích cuối cùng của việc tài xế gắn camera quay lại lộ trình là nhằm tạo ra một môi trường giao thông an toàn, văn minh. Trước hết, họ tự bảo vệ mình khi bị lực lượng CSGT xử phạt chưa đúng. Thứ hai, đó là biện pháp thúc đẩy CSGT thực thi đúng trách nhiệm của mình để đảm bảo có hiệu quả tối ưu nhất".
Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, phó cục trưởng cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (bộ Công an) chia sẻ: "Để hoàn thành trọng trách hiện nay, lực lượng CSGT đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề. Hệ thống hạ tầng giao thông bất cập tại các đô thị lớn khiến cho những nỗ lực của lực lượng chức năng trở nên chưa thực sự hiệu quả. Những bất cập của hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn khiến cho nhiều lúc công việc của CSGT trở nên vô cùng khó khăn. Tác động của điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nắng mưa giông bão là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động nghiệp vụ... Tuy nhiên, chúng ta cần có cái nhìn nhiều chiều, góp ý mang tính chất xây dựng để CSGT làm nhiệm vụ tốt hơn và gần gũi với người dân hơn". |
Cao Tuân