Cụ thể, các bệnh viện công lập trực thuộc bộ Y tế cần xây dựng và chuẩn bị các vật dụng chứa nước sạch, phương tiện, dụng cụ xử lý môi trường, xử lý nước, đảm bảo vệ sinh cá nhân...
Bên cạnh đó, cần bố trí nhân lực, đảm bảo nguồn cung cấp thiết bị, hóa chất để xử lý môi trường. Cần tuân theo các quy trình xử lý vệ sinh môi trường và chất thải y tế theo quy định hiện hành và theo cuốn sổ tay “Hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt”.
Khi có bão lũ xảy đến, cần kiểm tra, theo dõi tình hình ngập lụt đặc biệt là quản lý các chất thải y tế để có phương án ứng cứu kịp thời. Trong bão vẫn phải đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho hoạt động khám, chữa bệnh và sinh hoạt của cán bộ y tế, người bệnh, người nhà người bệnh.
Tại các hộ gia đình, cần tiến hành việc khử trùng bể chứa, các dụng cụ chứa nước ăn uống, sinh hoạt. Các thùng đựng chất thải rắn y tế cần để ở vị trí cao, khô ráo và tăng cường khử khuẩn nước thải bằng các chế phẩm khử khuẩn được bộ Y tế lưu hành.
Trong hoạt động mai táng, hỏa táng (nếu có) tại vùng bão lũ cũng cần tuân theo quy định đảm bảo vệ sinh theo thông tư số 02/2009/TT-BYT ngày 26/5/2009. Trong trường hợp các thi hài có hiện tượng bốc mùi, thối rữa thì phải dùng hóa chất để sát khuẩn và bao gói kí tránh phát sinh nguồn bệnh. Trong quá trình chôn cất thi hài, người dân không nên chôn cất ở chỗ người nước hoặc đưa đến lò hỏa táng.
Ở những nơi nước lũ đã rút, cũng cần tổng vệ sinh môi trường, nhất là là những khu vực lưu giữ chất thải và các khu vực bị ngập lụt.
Bên cạnh đó, cũng cần tuân theo các quy định về chất thải y tế trong việc kiểm soát việc thu gom, xử lý chất thải Y tế giữa bộ Y tế và bộ Tài nguyên và Môi trường. Đặc biệt, không được lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, cần bám sát “Hướng dẫn quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng, chống dịch Covid-19” theo quy định của ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19.
Lê Trà