Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, bão Rai tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc và có xu hướng mạnh lên khi đi vào Biển Đông. Dự báo đêm 17 và rạng sáng 18/12, bão Rai đi vào Biển Đông và trở thành bão số 9, ảnh hưởng trực tiếp đến tàu, thuyền đang hoạt động ở khu vực Biển Đông, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau khi đi vào Biển Đông, diễn biến về cường độ và quỹ đạo của cơn bão còn phức tạp.
TTXVN đưa tin, để chủ động ứng phó với bão, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành chỉ đạo và triển khai thực hiện một số nội dung cụ thể như sau:
Đối với tuyến biển:
Theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của bão; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra;
Các tỉnh chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch ra khơi đánh bắt vụ cá bắc để đảm bảo an toàn.
Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho hoạt động trên biển, nhà dàn, khu neo đậu tàu thuyền, hoạt động nuôi trồng thủy sản và phương án cung ứng vật tư đối với khu vực đảo.
Đối với đất liền:
Các tỉnh khu vực miền Trung lưu ý: Theo dõi chặt chẽ dự báo mưa; kiểm tra, sẵn sàng phương án vận hành đảm bảo an toàn hồ, an toàn hạ du; tăng cường thông tin, phối hợp khi vận hành giữa các địa phương;
Phòng chống sạt lở nhất là khu vực cửa sông đang bị sạt lở khi bão đổ bộ; sẵn sàng tiêu nước đệm bảo vệ sản xuất, nhất là đối với vụ lúa Đông Xuân vừa xuống giống.
Các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long lưu ý: Kiểm tra, rà soát khu vực nhà yếu không đảm bảo an toàn; phương án quản lý, nắm bắt số liệu tàu thuyền neo đậu tránh bão tại các khu vực cửa sông; phương án đảm bảo an toàn cho những tuyến đê biển xung yếu;
Thứ ba, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Thứ tư, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Thông tin Duyên hải, các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương tăng cường thông tin, truyền thông về diễn biến của bão, mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả.
Thứ năm, tăng cường lực lượng, tổ chức trực ban nghiêm túc, báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hôm nay (15/12) không khí lạnh có cường độ suy yếu. Rãnh áp thấp có trục ở khoảng 4,0-7,0 độ Vĩ Bắc nối với vùng áp thấp có vị trí lúc 1h sáng sớm nay ở khoảng 5,0-6,0 độ Vĩ Bắc, 108,0-109,0 độ Kinh Đông.
Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên ngày và đêm nay (15/12), vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông và vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây của quần đảo Trường Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng biển cao từ 2,0-3,0m. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Đông Bắc cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Biển động. Sóng biển cao từ 1,5-2,5m.
Cảnh báo mưa dông trên biển: Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp phân tích trên nên khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 2.
Trúc Chi (T/h)