Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Y Tế thế giới (WHO) công bố 4/2017 cho thấy, bệnh ung thư hiện nay đang có xu hướng gia tăng nhanh và trẻ hóa. Trong đó ung thư máu chiếm khoảng 30% trong tổng số các loại ung thư. Những trẻ dưới 14 tuổi có nguy cơ mắc bệnh ung thư máu cao, trong đó thường gặp nhất ở độ tuổi 3 - 4 tuổi.
Đa số những trẻ mắc bệnh ung thư máu đều vào giai đoạn cuối. Do đó việc điều trị rất khó khăn và rút ngắn thời gian sống của trẻ. Vì vậy các bậc phụ huynh cần chú ý đến sức khỏe của con nhiều hơn để có thể phát hiện ra bệnh ngay ở thời gian đầu.
Các nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư máu?
Hiện nay chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây ra bệnh ung thư máu ở trẻ em. Tuy nhiên có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh đó là:
- Hội chứng Down, hoặc hội chứng Klinefelter, hoặc hội chứng rối loạn di truyền Li-Fraumeni.
- Có anh chị em bị bệnh ung thư máu, đặc biệt là một đôi song sinh cùng trứng.
- Vấn đề về hệ thống miễn dịch: suy giảm hệ miễn dịch, rối loạn hệ miễn dịch...
- Thường xuyên và đã từng tiếp xúc với nồng độ bức xạ cao, hóa trị liệu hoặc các hóa chất.
- Sử dụng thuốc ức chế hệ miễn dịch.
Những dấu hiệu có nguy cơ trẻ mắc ung thư máu cha mẹ cần lưu ý là gì?
Các dấu hiệu bệnh ung thư máu giai đoạn đầu thường khó phát hiện bởi chúng khá giống với dấu hiệu của bệnh lý thông thường. Tuy nhiên nếu thấy con xuất hiện các triệu chứng trong thời gian dài, sử dụng thuốc không thuyên giảm thì nên nghi ngờ và đưa con đi khám ngay để có thể có biện pháp can thiệp kịp thời.
Các dấu hiệu nhận thấy trẻ có nguy cơ cao mắc ung thư máu:
- Trẻ thường xuyên mệt mỏi, quấy khóc
- Da nhợt nhạt, xanh xao
- Cơ thể trẻ bị nhiễm trùng và sốt kéo dài
- Trẻ dễ bị chảy máu hoặc bầm tím da
- Khó thở
- Ho
- Trẻ không ăn uống
- Giảm cân nặng
- Nôn, buồn nôn
- Nổi phát ban
Khi xuất hiện các dấu hiệu ung thư máu cha mẹ nên làm gì để xác định chính xác bệnh?
Trẻ có xuất hiện các dấu hiệu trên chúng ta cũng chưa thể khẳng định rằng trẻ đã mắc phải bệnh ung thư máu. Lúc này để xác định được chính xác bệnh, cha mẹ nên đưa con đến các bệnh viện để được thăm khám và làm các xét nghiệm ung thư. Từ những kết quả đó sẽ giúp bác sỹ chẩn đoán được chính xác bệnh và có phác đồ điều trị thích hợp cho từng bệnh nhi.
Thông thường các xét nghiệm ban đầu mà mỗi bệnh nhi cần làm đó là:
- Xét nghiệm máu. Từ đó có thể đo được số lượng các tế bào máu và xem hình dạng của nó.
- Làm xét nghiệm sinh thiết. Bệnh nhi sẽ được chọc vào tủy xương để lấy mẫu đem đi xét nghiệm (vùng xương chậu).
- Sau đó sẽ được chọc dịch não tủy để kiểm tra độ lây lan của các tế bào máu.
Phương pháp nào được sử dụng để điều trị ung thư máu ở trẻ em
Hiện nay hóa trị là phương pháp chủ yếu được áp dụng để điều trị ung thư máu. Tuy nhiên điều đáng mừng hơn là ở trẻ khả năng dung nạp thuốc và đáp ứng điều trị tốt hơn rất nhiều so với người lớn.
Việc sử dụng hóa chất truyền vào cơ thể sẽ giúp ngăn được sự phát triển của tế bào ung thư, đồng thời giúp ngăn cản được sự di căn cũng như giúp giảm nhẹ một số triệu chứng cho trẻ. Tuy trẻ đáp ứng điều trị tốt hơn người lớn nhưng vẫn gặp phải nhiều tác dụng phụ cho cơ thể. Vì vậy ảnh hưởng đến kết quả điều trị bệnh. Cha mẹ cần có kế hoạch chăm sóc giảm nhẹ phù hợp để giúp trẻ có đủ sức khỏe để đáp ứng tốt điều trị. Từ đó nâng cao hiệu quả điều trị và thời gian sống cho trẻ.
Thế Hưng