Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, GS.TSKH Phạm Tất Dong cho rằng: “Việc các ứng viên chủ động xin rút hồ sơ là đáng được hoan nghênh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, liệu rằng họ có rút hồ sơ khi biết chắc chắn mình đã không đủ tiêu chuẩn? Thậm chí, có người rút ở “phút 90+”, đây là điều đáng nghi ngờ”.
GS. Ngô Thế Chi, thành viên Hội đồng chức danh Giáo sư ngành kinh tế cho rằng, đây không phải là “chuyện trẻ con” mà thích thì nộp, không thích thì rút. Ông nói: “Khi đã xác định nộp hồ sơ thì phải tự chịu trách nhiệm về việc đó. Không để khi dư luận lên tiếng, thanh tra vào cuộc mới xin rút để tránh ồn ào. Bởi lẽ, để đến khi thanh tra vào cuộc như vậy thì đã qua rất nhiều vòng thẩm định hồ sơ, tốn thời gian và tiền bạc của Nhà nước”.
Ngoài ra, khi nói về quy trình xét/phong Giáo sư, Phó Giáo sư, ông Chi cho rằng: “Quy trình của chúng ta không có vấn đề. Chúng ta chỉ có vấn đề ở những người thực hiện quy trình đó. Liệu người làm có thật sự nghiêm túc? Có bị chi phối bởi những yếu tố khác?”.
Dưới góc độ pháp luật, luật sư Bùi Đình Ứng – đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng, các ứng viên rút hồ sơ như vậy không vi phạm quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể, ông nói: “Việc xét/phong Giáo sư, Phó Giáo sư là tự nguyện. Ai thấy mình đủ năng lực, yêu cầu thì làm hồ sơ để xét. Và khi chưa được ký quyết định công nhận thì họ rút cũng không có gì sai. Cái đáng nói ở đây là các ứng viên đó đã xem việc phong Giáo sư, Phó Giáo sư là việc “làm cho vui”.
Ông Bùi Văn Ga – Phó Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước thì khẳng định, việc các ứng viên rút hồ sơ là hoàn toàn được phép. “Khi ứng viên chưa có quyết định công nhận là Giáo sư, Phó Giáo sư thì họ được phép rút. Chỉ khi đã có quyết định công nhận rồi mà rút thì cần qua các Hội đồng xem xét”.