Chiều ngày 5/4, chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin về việc mình không nằm trong danh sách đạt chuẩn công nhận phó giáo sư. Tiến sĩ Nguyễn Nghị Thanh cho biết ông cảm thấy hơi buồn một chút và coi đây là thất bại của cá nhân.
“Lúc đầu nhận được thông tin có hồ sơ bị kiện cáo, tôi chủ quan nghĩ là hồ sơ của mình không vấn đề gì, tôi không quan tâm vì tôi chỉ là giảng viên bình thường. Sau khi nhận được văn bản giải trình thì tôi mới biết mình phải giải trình về thâm niên công tác”, Tiến sĩ Nguyễn Nghị Thanh cho hay.
Tiến sĩ Nguyễn Nghị Thanh cho rằng, việc làm hồ sơ là do sơ suất của bản thân: “Trong quá trình làm hồ sơ tôi cũng sơ suất không nghiên cứu kỹ quy định nên tôi cứ nghĩ giờ dạy cao đẳng, đại học là một. Sau đó họ yêu cầu bổ sung hồ sơ thì tôi cũng bổ sung đầy đủ. Khi thanh tra làm việc họ cũng làm việc rất nghiêm túc, tạo điều kiện cho mọi người giải trình. Tôi cũng đã bổ sung những hồ sơ còn thiếu nhưng họ không chấp nhận và nói “án tại hồ sơ” như vậy thì tôi cũng chịu”.
Trước thông tin một số hồ sơ không đạt chuẩn là theo đúng quy định như hồ sơ thiếu giờ giảng, thiếu thâm niên giảng dạy, có hồ sơ có hợp đồng giảng dạy nhưng không có thanh lý giờ giảng, nhận xét của trường… Tiến sĩ Nguyễn Nghị Thanh khẳng định: “Tôi không biết mọi người thế nào, nhưng tôi muốn khẳng định lại tôi là giảng viên thật, làm việc thật và số giờ thực tế là vượt rất nhiều nhưng vừa rồi không được xét duyệt là do tính chủ quan".
Nói thêm về vấn đề khai báo hồ sơ liệu có gian dối, ông Nguyễn Nghị Thanh nhấn mạnh: “Tôi không hề gian dối, mình làm nhà giáo làm sao mà gian dối được. Nếu gian dối thì tôi còn có thể dạy ai?. Hoặc nếu gian dối thì trong hồ sơ tôi khai số giờ dạy lên còn cao hơn nữa, còn đằng này trong hồ sơ của tôi ghi số giờ dạy rất khiêm tốn”.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Nghị Thanh cho biết thêm trong quá trình xét duyệt hồ sơ, Hội đồng cơ sở, thanh tra cũng đã làm việc rất nghiêm túc.
Từ sự việc này, có nhiều ý kiến cho rằng hiện nay ở Việt Nam có quá nhiều người ham học hàm, học vị (sống bằng danh). Trả lời về ý kiến này, Tiến sĩ Nguyễn Nghị Thanh cho hay: “Cũng tùy từng trường hợp, nhưng với cá nhân tôi nói riêng và những người làm thầy giáo, nhà giáo yêu nghề đích thực thì họ không sống bằng danh. Bản thân tôi là giảng viên thì vẫn phải cố gắng để có học hàm, học vị vì đấy là uy tín, khẳng định sự cống hiến của mình với nghề, với học trò. Còn nếu như tôi mà cố gắng có học hàm để thăng chức thì có lẽ là tôi thôi”.
Tuy hơi buồn vì không nằm trong danh sách đạt chuẩn công nhận phó giáo sư, nhưng Tiến sĩ Nguyễn Nghị Thanh cho biết ông sẽ không nản chí, sang năm ông vẫn tiếp tục làm hồ sơ và coi đây như một cơ hội để bản thân phấn đấu tiếp.
Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đã công bố quyết định do ông Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, ký công nhận những nhà khoa học, nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2017. Theo Quyết định này, công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư cho 9 nhà giáo và đạt tiêu chuẩn phó giáo sư cho 44 nhà giáo.
Trong số 94 ứng viên Giáo sư, Phó Giáo sư có hồ sơ bị "treo", có 41 ứng viên không đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư. Danh sách 41 ứng viên không đạt tiêu chuẩn Giáo sư, Phó Giáo sư cũng đã được công bố.