Đại hội VFF khóa VIII đang nhận được nhiều sự quan tâm của người hâm mộ, bởi tại đại hội này người hâm mộ mong muốn sẽ tìm ra được những người lãnh đạo vừa hồng vừa chuyên. Để hình ảnh bóng đá nước nhà ngày một đẹp hơn, phát triển hơn.
Tuy nhiên, có thể thấy trước khi đại hội VFF khóa VIII diễn ra, đã có rất nhiều những lùm xùm không hay liên quan đến một vài lãnh đạo VFF. Điều đó, làm cho nhiều người tỏ ra thất vọng về hoạt động của VFF.
Trước những ồn ào liên quan đến nhân sự VFF, mới đây ông Lương Hoàng Hưng - Tổng biên Tập (TBT) Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo đã có những chia sẻ riêng với PV báo Người Đưa Tin về lý do mình ra tranh cử tại đại hội VFF bất chấp những lùm xùm, ồn ào thời gian qua.
PV: Thưa ông, vì sao sau những ồn ào liên quan đến nhân sự VFF thời gian gần đây ông vẫn quyết định tham gia tranh cử VFF?
Lương Hoàng Hưng: Thời gian qua, bóng đá Việt Nam vẫn đang còn tồn tại một số tiêu cực, thậm chí là “ồn ào” theo cách nói của bạn.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm của bản thân trong hoạt động truyền thông gần 30 năm qua, tôi muốn giúp cho bóng đá Việt Nam xây dựng hình ảnh đẹp cũng như VFF. Vì thế, tôi quyết định ra tranh cử chức vụ Phó Chủ tịch (PCT) truyền thông VFF khóa VIII, theo đề cử của tổ chức thành viên thuộc Liên đoàn bóng đá Việt Nam.
Có thể nói, lực lượng báo chí đã có đóng góp rất lớn trong quá trình xây dựng hình ảnh đẹp và thúc đẩy hoạt động của bóng đá Việt Nam.
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cần sự ủng hộ của các cơ quan truyền thông, báo chí, vì đây là kênh truyền tải thông tin chính thống, giúp hình ảnh của bóng đá Việt Nam trở nên đẹp hơn trong lòng người hâm mộ Việt Nam cũng như trên thế giới. Tôi nghĩ, phải có cơ chế xử lý và phát ngôn thông tin cho VFF, sao cho tránh các cuộc khủng hoảng về truyền thông như thời gian vừa qua.
PV: Việc đứng ra tranh cử của ông có gặp phải bất cứ khó khăn, áp lực gì?
Lương Hoàng Hưng: Nói khó khăn thì chắc có, vì tôi là người “ngoại đạo” của VFF. Tuy nhiên, không chỉ riêng bóng đá, mà kể cả khi ứng cử các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội, tôi nghĩ mình phải nghiên cứu một cách kỹ càng lĩnh vực mình sẽ tham gia.
Đồng thời, phải xây dựng đề án hoặc chương trình hành động riêng của mình. Theo tôi, các ứng viên dù “mới hay cũ” cần phải có phương án cụ thể để nêu rõ chiến lược, kế hoạch và hành động cụ thể của mình sẽ làm gì cho bóng đá, để giúp bóng đá phát triển.
Đó cũng là căn cứ, thước đo để đánh giá tính hiệu quả trong suốt nhiệm kỳ, so sánh sự thay đổi so với các nhiệm kỳ trước và sau này.
PV: Nhiều người cho rằng, VFF vướng phải những lùm xùm thời gian qua là do mỗi người đều đặt cái tôi của mình lên hàng đầu? Vậy nếu tham gia tranh cử chức PCT VFF thì bản thân ông có những định hướng thế nào?
Lương Hoàng Hưng: Tôi nghĩ phải có dũng khí để bỏ cái “tôi” ra ngoài, đặt “chúng ta” lên hàng đầu. Để làm được điều đó, các thành viên của Liên đoàn bóng đá Việt Nam khóa VIII cần phải đoàn kết, cùng nhìn về một hướng, để phục vụ bóng đá tốt hơn.
Sự đoàn kết sẽ thúc đẩy cải cách bóng đá Việt Nam, giúp cho các CLB bóng đá và các tổ chức thành viên của VFF mạnh hơn. Tôi tin rằng, bóng đá Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian sắp tới, nếu chúng ta có những thay đổi trong phương pháp quản lý.
Đồng thời, chúng ta cần rà soát, xây dựng và đề xuất chuẩn hoá lại hệ thống thông tin, phát hành thông tin ra bên ngoài, cũng như quan hệ báo chí.
Đây là vấn đề quan trọng trong quản trị truyền thông, nếu việc này không làm chuyên nghiệp, quyết liệt thì luôn tạo ra các hiệu ứng tiêu cực trong mắt người hâm mộ.
Bên cạnh đó, phải đề xuất các kế hoạch truyền thông để tăng cường mối quan hệ giữa VFF với các tổ chức bóng đá Quốc tế, các liên đoàn bóng đá. Đặc biệt là xây dựng hình ảnh “đẹp” đối với người hâm mộ.
PV: Việc ông Nguyễn Xuân Gụ và ông Trần Mạnh Hùng từ chức thời gian qua có liệu có phải là lợi thế cho ông trong việc tranh cử vào vị trí PCT VFF? Vì sao?
Lương Hoàng Hưng: Điều đó tôi nghĩ không ảnh hưởng gì đến “lợi thế” hay “thất thế”. Bởi, việc tôi tham gia ứng cử là từ trước khi có vụ “lùm xùm” này.
Bản thân tôi khi tham gia ứng cử là bằng nhiệt huyết, bằng tình yêu bóng đá. Chính thương hiệu bóng đá thông qua hình ảnh đẹp của đội tuyển Quốc gia, đội tuyển U23 Việt Nam đã hiệu triệu tinh thần yêu tổ quốc hàng chục triệu người dân Việt Nam – trong đó có tôi trong thời gian vừa qua.
Vì thế, tôi đã có đề án tranh cử để xây dựng và phát triển “Thương hiệu bóng đá Việt Nam”. Đây chính là tài sản trí tuệ của bóng đá. Chúng ta cần phải nhân rộng ra, thậm chí phải “số hóa” các tài sản trí tuệ để nâng cao giá trị của nó, góp phần gia tăng giá trị thương hiệu bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế.
PV: Xin cảm ơn ông!