Cứ cho là "phản cảm", "dã man" là bỏ?
Theo thống kê của bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện cả nước có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, được chia làm 5 loại: Lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử cách mạng, lễ hội tôn giáo, lễ hội du nhập từ nước ngoài, lễ hội văn hóa thể thao và du lịch - loại hình lễ hội có từ khi đất nước đổi mới, hội nhập.
Trong số các lễ hội dân gian được khôi phục thì số lượng lễ hội có yếu tố hiến sinh không nhiều. Những lễ hội này chủ yếu được tồn tại trong cộng đồng làng xã được lưu truyền từ lâu đời. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, những hình ảnh hiến sinh từ các lễ hội này được lan truyền phổ biến rộng khắp, bị cho là “đẫm máu” và bạo lực. Việc tranh cãi bỏ hay không bỏ những nghi lễ trong lễ hội dân gian trở thành chủ đề trong nhiều năm nay. Gần đây nhất, tục treo cổ trâu trắng đến chết tại đền Đông Cuông (xã Thanh Khương, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) đã bị loại bỏ bởi dư luận cho rằng việc này là dã man, phản cảm.
Trước đó, một số nghi lễ trong nhiều lễ hội tiêu biểu đã bị biến mất, như đâm trâu, chém lợn... Với lễ hội chém lợn làng Ném Thượng, khi có luồng dư luận đòi bỏ, các bô lão trong làng phải dùng mọi cách để giữ. Năm 2017, dân làng đã phải thực hành ở một nơi kín đáo hơn. Không mấy người biết lễ hội này liên quan đến tín ngưỡng phồn thực: Chém lợn tế Thánh. Đây là câu chuyện có từ thời Lý, từ công lao đánh giặc của vị tướng có tên Lý Đoàn Thượng chém lợn rừng nuôi quân. Từ đó, người dân đã mở hội chém lợn hàng năm để tưởng nhớ người có công khai khẩn vùng đất hoang vu thuở xưa. Theo tín ngưỡng dân gian của vùng quê Kinh Bắc, tiết lợn dùng trong lễ Thánh tượng trưng cho sự sung túc, khả năng sinh sản, sức sống tràn trề, mùa màng bội thu... Việc các bô lão làng Ném Thượng kiên quyết giữ lại nghi lễ chém lợn bởi những ý nghĩa tốt đẹp của nó.
Sự tiếp nối văn hóa có nguy cơ bị đứt đoạn?
Hầu hết người Việt đều tự hào về một nền văn hiến 4.000 năm với nhiều đặc trưng của nền văn minh lúa nước. Trong kho tàng văn hóa dân gian của người Việt cũng có một khối lượng đồ sộ những truyền thuyết, huyền thoại và không ít trong số đó được miêu tả lại trong những nghi lễ trong lễ hội truyền thống. Những nghi lễ này được truyền lại trải qua nhiều đời khác nhau như nhắc nhở con cái về những dấu ấn, bản lĩnh, khí phách kiên cường của cha ông trước mọi thử thách, từ giặc ngoại xâm đến thiên tai địch họa. Trải qua sự sàng lọc của thời gian, những truyền thống của cha ông đã lắng đọng, kết tinh rồi thăng hoa thành những tinh hoa trong cuộc sống tâm linh và trở thành một phần trong bản sắc văn hóa của dân tộc Việt.
Lễ hội dân gian của người dân Việt như một sợi dây nối quá khứ, hiện tại và tương lai, làm thành một sự liên kết vững chắc để người Việt có thể đương đầu với mọi sự xâm lăng văn hóa, tránh được nguy cơ “đồng hóa”, “hòa tan” của các thế lực ngoại bang, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và tạo thành di sản vô giá để chiến thắng mọi cường quyền, bạo lực, giữ gìn đất nước.
Trải qua hàng ngàn năm nhưng các nghi lễ vẫn vẹn nguyên ý nghĩa tốt đẹp mà các lễ hội này mang đến cộng đồng. Tuy nhiên, xu hướng nâng cấp lễ hội lên tầm cao như cấp huyện, cấp tỉnh và cấp cao hơn nữa khiến lễ hội càng phát sinh nhiều vấn đề. Việc áp đặt suy nghĩ chủ quan, đưa những yếu tố không hiện đại, không phù hợp vào nội dung của lễ hội dân gian, sự can thiệp quá sâu và cụ thể của các cấp chính quyền dẫn đến việc trần tục hóa và thương mại hóa lễ hội...
Chính những biến thể đó đã không giữ toàn vẹn ý nghĩa nguyên thủy của lễ hội khiến nhiều nghi lễ hiến sinh gây nhiều tranh cãi. Các lễ hội hiến sinh lại chỉ chú trọng đến cảnh “đâm giết” xem nhẹ các hoạt động khác trong không gian lễ hội. Chính điều này dẫn đến biến tướng và hiểu sai về mục đích, tính chất của nghi lễ đó. Bên cạnh đó, cảnh tượng đám đông hò reo, phấn khích nhưng không hề hiểu mục đích của nghi lễ, gây phản cảm, làm mất đi ý nghĩa tâm linh, tế lễ thần linh nguyên gốc.
Việc giữ hay bỏ các nghi lễ hiến sinh được cho là man rợ, can thiệp vào lễ hội mà không đụng chạm đến vấn đề tự do tín ngưỡng tâm linh, đến chính sách dân tộc và việc bảo tồn di sản văn hóa truyền thống trong những lễ hội nói chung và lễ hội hiến sinh nói riêng đang là vấn đề khiến các nhà quản lý văn hóa đau đầu tìm lời giải.
Xem thêm:>>> Văn hóa ứng xử trong lễ hội: Động vật được ưu tiên đối xử nhân văn?
Trần Phương