Thời gian gần đây có khá nhiều lùm xùm đến từ những người đang mang danh nghệ sĩ, những người có ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ công chúng. Từ chuyện nói tục, chửi bậy, phát ngôn thiếu văn hóa trên mạng xã hội cho đến những nghi vấn liên quan đến các hoạt động từ thiện. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến phông văn hóa và đạo đức xã hội.
Văn hóa là biểu trưng tồn tại cho cả một dân tộc, nó quyết định tính sống còn của dân tộc đó. Trong thế giới “phẳng” như hiện nay, nếu không giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, con người ta rất dễ bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng sai lệch, không phù hợp với truyền thống. Ở khía cạnh nào đó, nghệ sĩ cũng như một sứ giả truyền bá văn hóa, bản sắc của đất nước qua những chuyến lưu diễn đến nhiều nơi trên thế giới. Chính vì vậy, vai trò của họ trong đời sống văn hóa tinh thần là không thể phủ nhận. Nhưng sẽ ra sao khi chính một phần không nhỏ những “sứ giả” này bắt đầu xuất hiện nhiều suy nghĩ lệch lạc, những hành vi lệch chuẩn.
Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với NSND Nguyễn Quang Vinh, nguyên Cục trưởng cục Nghệ thuật biểu diễn, bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để làm rõ hơn vấn đề này.
PV: Thời gian qua có khá nhiều lùm xùm xung quanh những người mang danh nghệ sĩ, đây là những cá nhân có ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phận dân chúng. Xin ông cho biết quan điểm về những sự việc trên?
NSND Nguyễn Quang Vinh: Trước tiên, chúng ta cần phân biệt rõ hơn về khái niệm nghệ sĩ, nghệ sĩ là một người lao động nghệ thuật chuyên nghiệp và liên tục trọng một thời gian dài. Những lùm xùm thời gian qua chỉ xoay quanh một số cá nhân, không đại diện cho cộng đồng những người đang lao động nghệ thuật trên cả nước, nhưng nó lại khiến công chúng có cái nhìn thiếu thiện cảm về nghệ sĩ nói chung.
Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển như hiện nay, có người chỉ cần sáng tác được 1,2 ca khúc hoặc vài tiểu phẩm ngắn được công chúng ưa thích, chúng ta đã vội cho rằng đó là nghệ sĩ thì không phải. Đây là một sự không công bằng với những người nghệ sĩ chân chính, bởi bên cạnh những cá nhân chưa tốt, vẫn còn những người đang ngày đêm lao động nghệ thuật một cách say mê, mỗi hành vi cư xử, lời nói của họ đều hết sức chuẩn mực.
PV: Một số ca sĩ, diễn viên, người mẫu…sử dụng mạng xã hội để phát ngôn thô tục, thiếu văn hóa, thậm chí là chửi nhau. Với tư cách là người nổi tiếng, họ cần phải có trách nhiệm như thế nào đối với xã hội?
NSND Nguyễn Quang Vinh: Những phát ngôn thô tục xảy ra nhiều trên mạng xã hội, nhưng vì nghệ sĩ là người của công chúng nên được dư luận quan tâm hơn. Bên cạnh đó, thị trường nghệ sĩ tự do phát triển nhanh, thành công đến sớm khiến họ có những lời nói, phát ngôn và hành xử chưa chuẩn mực. Chúng ta không loại trừ đây là một trong những chiêu trò của họ. Sự nổi tiếng của những nghệ sĩ tự do này, đa số là nhờ công chúng lăng xê. Truyền thông cũng cần thể hiện hơn nữa vai trò của mình trong vấn đề nhận diện nghệ sĩ.
Về ảnh hưởng xã hội, trước khi là nghệ sĩ, họ còn là một công dân, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình. Tôi nghĩ, việc phát ngôn chưa chuẩn mực của một số nghệ sĩ có thể là "tai nạn", bởi ai cũng muốn được công chúng yêu mến, không dại gì tìm đến sự mỉa mai hay mâu thuẫn. Nhưng dù vì bất cứ lý do gì đi nữa, việc văng tục chửi bậy là họ đã xúc phạm đến sự yêu mến của công chúng. Đối với một nghệ sĩ như vậy, việc đơn giản nhất là tẩy chay, không quan tâm đến họ nữa.
PV: Lâu nay chúng ta cũng nghe về vấn đề “phe cánh” trong giới nghệ sĩ nhằm chèn ép những nghệ sĩ trẻ, bắt buộc họ phải khuất phục. Đó cũng là một dạng "quy tắc ứng xử" cần điều chỉnh phải không thưa ông?
NSND Nguyễn Quang Vinh: Chắc chắn là có việc cạnh tranh, giành giật, o bế…. xuất hiện trong nhiều lĩnh vực chứ không riêng gì nghệ thuật. Ganh đua là đương nhiên bởi ai cũng muốn hoàn thiện bản thân mình. Ở hoàn cảnh bình thường sự ganh đua này là trong sáng nhưng khi đã có yếu tố thị trường thì sẽ có sự bon chen, chơi xấu…đây chính là mặt trái của thị trường và chúng ta phải chấp nhận nó. Không có cạnh tranh sẽ không có phát triển.
PV: Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử đối với nghệ sĩ, ông nhận định thế nào?
NSND Nguyễn Quang Vinh: Mọi hành vi của công dân chỉ bị hạn chế bởi Luật pháp. Các văn bản dưới Luật sẽ quy định cụ thể hơn về hình thức xử phạt. Bộ quy tắc ứng xử của Bộ Văn hóa là kịp thời, mang tính chất giáo dục, quy tụ đạo đức với toàn bộ giới nghệ sĩ nhiều hơn, không phải là chế tài xử phạt cụ thể. Câu hỏi đặt ra ở đây là tính thực tiễn của Bộ quy tắc ứng xử trên và làm sao để đảm bảo được hiệu quả lâu dài. Muốn đạt được mục tiêu đó, cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan ban ngành. Đặc biệt là các tổ chức, chính quyền địa phương nơi nghệ sĩ sinh sống và hoạt động nghệ thuật.
Nghị định số 144/2020/NĐ-CP cũng có quy định khá rõ về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, các cơ quan quản lý Nhà nước hoàn toàn có thể căn cứ vào đó để xử lý những hành vi vi phạm.
PV: Có ý kiến cho rằng, nếu chỉ áp đặt quy tắc ứng xử cho riêng giới nghệ sĩ là không công bằng, cần phải mở rộng ra là toàn bộ các đối tượng đã, đang và sẽ sử dụng các công cụ mạng xã hội. Ý kiến của ông ra sao về quan điểm này?
NSND Nguyễn Quang Vinh: Đúng là như vậy, bởi văn hóa phải là một mặt bằng quy chuẩn chung cho toàn xã hội. Chúng ta không thể chỉ áp đặt cho một bộ phận mà phải chuẩn hóa cho toàn dân, có vậy mới đảm bảo được tính bình đẳng và công bằng.
PV: Trung Quốc đã thực hiện “phong sát” với những nghệ sĩ vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội. Theo ông, Việt Nam có nên thực hiện những biện pháp tương tự để làm trong sạch nền văn hóa giải trí?
NSND Nguyễn Quang Vinh: Vấn đề này là bắt buộc nhưng phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước. Tập trung xử phạt thật nặng, quy trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị nghệ thuật, công ty tổ chức biểu diễn, tổ chức sự kiện…vì đã để xảy ra những vi phạm.
PV: Theo ông, những hành động xử lý kiên quyết có lên mở rộng áp dụng đối với toàn bộ những người sử dụng môi trường mạng xã hội có lời nói, hành vi phản cảm và vi phạm pháp luật hay không?
NSND Nguyễn Quang Vinh: Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến này và kiến nghị xử lý thật mạnh tay đối với những tổ chức, cá nhân cố tình tạo ra những sản phẩm phản cảm, sinh hoạt văn hóa nghệ thuật không lành mạnh. Nhưng lưu ý, việc xử phạt các hành vi vi phạm lại thuộc thẩm quyền của bộ Thông tin và truyền thông, lực lượng công an và an ninh với chế tài theo luật An ninh mạng.
PV: Xin cảm ơn ông!
Luật sư Nguyễn Phúc Tiến, đoàn luật sư tỉnh Phú Thọ:
“Nếu một cá nhân chỉ dừng lại ở việc nói tục, chửi bậy vu vơ như một thói quen, không nhắm đến ai hoặc không làm ảnh hưởng đến ai thì không có cơ sở để xử lý. Ngược lại, xúc phạm danh dự, nhân phẩm một cá nhân, bôi nhọ uy tín của một tổ chức cụ thể thì pháp luật có những chế tài xử phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự về tội Làm nhục người khác. Tùy theo mức độ của hành vi phạm tội, người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 2 năm. Tuy nhiên, việc khởi tố loại tội phạm này chỉ khi người bị hại, đại diện bị hại có yêu cầu xử lý.”