TTXVN đưa tin, sự gia tăng các ca mắc sởi thời gian qua đã bộc lộ "lỗ hổng nguy hiểm" trong những nỗ lực nhằm bảo vệ trẻ em trước những căn bệnh có thể ngăn chặn được.
Trong báo cáo hàng năm công bố ngày 15/7, UNICEF cho biết năm ngoái có 19,4 triệu trẻ em không được tiêm chủng đầy đủ, tăng so với con số 18,7 triệu trẻ em trong năm 2017 và 18,5 triệu trẻ em trong năm 2016.
Những số liệu trên đã chỉ ra một sự "đình trệ nguy hiểm" đối với tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu, mà theo các cơ quan của Liên hợp quốc nguyên nhân là do xung đột và bất bình đẳng.
Điển hình là tỷ lệ bao phủ toàn cầu của việc phối hợp vắcxin chống các bệnh như bạch cầu, uốn ván, ho gà và sởi chỉ đạt con số 86% kể từ năm 2010, tỷ lệ này cho thấy số trẻ em được tiêm vắcxin là chưa đủ.
Giám đốc UNICEF Henrietta Fore, trong một tuyên bố cho biết chỉ riêng năm 2018, đã có khoảng 350.000 ca mắc sởi được thống kê trên toàn cầu, cao hơn gấp đôi so với năm 2017.
Tháng Tư vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng công bố báo cáo cho biết năm 2019 sẽ là năm tồi tệ hơn, với thống kê sơ bộ cho thấy các ca mắc sởi được báo cáo trong quý 1/2019 cao gấp 300 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Cũng trong năm 2018, có 90 nước, phần lớn là các nước giàu có, đã đưa chương trình tiêm chủng phòng chống ung thư ở người (HPV) vào chương trình tiêm chủng quốc gia.
Trước đó, loại vắcxin này được dùng cho các bé gái, nhưng gần đây đã được sử dụng cho cả bé trai, nhằm chống lại loại virus có thể lây qua được tình dục, gây nhiều bệnh ung thư, trong đó có cả ung thư cổ tử cung.
Giám đốc cơ quan tiêm chủng của WHO, bà Kate O'Brien cho rằng một trong những nguyên nhân khiến bệnh sởi trên thế giới "hồi sinh" là do cái gọi là "phong trào chống vắcxin" viện dẫn những xác suất sai sót của khoa học liên quan đến một số loại vắcxin có những tác dụng phụ.
Điều này đã khiến nhiều bậc cha mẹ không tin tưởng vào vắcxin.
Hiện tượng không cho con tiêm chủng đang ngày càng gia tăng ở Mỹ và châu Âu.
Bà Kate O'Brien bày tỏ lo ngại về tình trạng hiểu sai lệch, thậm chí thông tin hoàn toàn sai như vậy.
Mặc dù vậy, bà Kate O'Brien nhấn mạnh rằng việc tiếp cận với nguồn vắcxin vẫn là trở ngại chính. Các nước có hệ thống y tế công yếu kém nhất vẫn là những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất.
Ở Việt Nam, tờ Thanh Niên mới đây có bài viết "Không tiêm vắcxin ngừa bệnh cho con, có thể bị phạt đến 500.000 đồng". Bài báo cung cấp số liệu: Chỉ có 75% trẻ ở TP.HCM tiêm ngừa vắc xin "5 trong 1", "6 trong 1"; còn lại 25% trẻ chưa được tiêm phòng.
Đây là nguy cơ rất lớn dẫn đến sự gia tăng số ca mắc các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn HiB, viêm gan B và bại liệt trong thời gian tới nếu trẻ em không được tiêm đúng lịch.
Một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ trẻ tiêm vắcxin ở Việt Nam chưua đầy đủ là do thời gian qua, không ít phụ huynh vì lo sợ phản ứng của vắc xin hoặc theo trào lưu “anti vắc xin” (chống vắc xin) đã không cho con tiêm vắc xin. Điều này rất nguy hiểm, đặc biệt trong bối cảnh 56 tỉnh, thành phố trên cả nước đã ghi nhận ca mắc sởi.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá phong trào chống văcxin là một trong những mối nguy lớn nhất đối với sức khỏe toàn cầu trong năm 2019, đe dọa đảo ngược những tiến bộ loài người đã đạt được trong việc xóa các căn bệnh phòng được bằng văcxin như sởi, đậu mùa, quai bị, rubella...
Theo báo Tuổi Trẻ, hiện tại, văcxin đang cứu 2-3 triệu sinh mạng mỗi năm, và thêm 1,5 triệu cái chết khác có thể được ngăn chặn nếu công tác chủng ngừa toàn cầu được cải thiện hơn, theo WHO.
H.Y (tổng hợp)