Những ngày này, ai ai cũng đều tất bật. Nào làm nốt việc cơ quan, nào mua sắm, nào biếu quà, nào dọn dẹp nhà cửa, nào liên hoan tất niên… Bởi chỉ còn vài ngày nữa là bước sang năm mới nên mọi người càng trở nên gấp gáp, quay cuồng hơn mong sớm được nghỉ để lo việc gia đình, còn công việc thì bắt đầu uể oải.
Những bà nội trợ mua sắm thứ gì cũng bị đắt hơn ngày thường. Con người ta trở nên mệt mỏi hơn, căng thẳng, dễ cáu gắt với người khác vì đủ mọi vấn đề, từ bên nội đến bên ngoại, từ trẻ con đến người lớn, trong nhà ra ngoài ngõ. Chưa kể đến những việc lẻ tẻ khác như đổi tiền mới hay tiền lẻ, về quê, xem người xông nhà, lên kế hoạch du lịch… Quá nhiều thứ phải lo... vì Tết.
Ai bắt Tết là phải thế này hay thế khác? Chỉ tại phú quý sinh lễ nghĩa mà thôi.
Cũng chỉ có trẻ con mới thích tết vì chúng được mặc quần áo mới, đẹp, được nhận lì xì và đi chơi nhiều nơi. Còn với người lớn, Tết chưa hẳn đã vui.
Tết là thời gian để mọi gia đình đoàn tụ, người người nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả, dành thời gian đi chơi, thăm hỏi người thân, bạn bè chứ không phải mượn cớ ăn nhậu triền miên, để hối lộ, biếu xén, để tăng giá.
Bởi vậy, từ nhiều năm nay, cứ nhắc đến Tết nhiều người lại tỏ ra ái ngại. Càng ngày, Tết càng được mượn danh nghĩa để con người ta làm cuộc sống thêm phức tạp. Thế nên nhiều lúc tôi đành phải ngán ngẩm mà than rằng:
“Ước gì Tết giống ngày xưa...", đạm bạc, đầm ấm. Cả gia đình quây quần bên nồi bánh chưng, đám trẻ nhận lì xì tiền lẻ, người già nhận lời chúc mà vui tràn cung mây. Và cũng bởi:
Tết xưa không có phong bì
Tết nay phải có lì xì tờ xanh
Tết xưa có chị, có anh
Tết nay đi hết chỉ còn mỗi ta
Tết xưa về với ông bà
Tết nay ipad gửi (dăm) ba lời chào
Tết xưa vui biết nhường nào
Tết nay chỉ muốn thét gào phát điên.
Thảo Nguyên
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả