Ước mơ có giầy mới của 8 đứa con cặp vợ chồng 8X

Ước mơ có giầy mới của 8 đứa con cặp vợ chồng 8X

Nguyễn Thị Huệ

Nguyễn Thị Huệ

Thứ 6, 16/02/2018 13:47

8 đứa con của người phụ nữ 29 tuổi không chỉ mong có được bộ quần áo mới, các em còn muốn được mua một đôi giày vì mùa đông đi học lạnh lắm, các em phải đi dép thậm chí có em chân trần đi trong giá lạnh.

Xã hội - Ước mơ có giầy mới của 8 đứa con cặp vợ chồng 8X

Những đứa con của anh Trường chỉ cách nhau hơn 1 tuổi

12 năm kết hôn nhưng đã có với nhau 8 mặt con, nỗi lo cơm áo gạo tiền luôn đè nặng lên vai nên trong căn nhà cấp 4 của vợ chồng anh Đỗ Công Trường (Sinh năm 1985) và chị Nguyễn Thị Hồng (SN 1988) ở thôn Phú Hạ, xã Tân Cường, Quốc Oai, Hà Nội chưa bao giờ có được cây đào, cành quất trong những ngày Tết đến Xuân về.

Không khí trong nhà không khác ngày thường, có chăng chỉ khác, vợ chồng anh được nghỉ làm dăm ba ngày vì không có người thuê làm, các con cũng nghỉ học. Thậm chí, ngày Tết, vợ chồng anh cũng chỉ cố gắng lo cho các con có được bộ quần áo mới cho bằng chúng, bằng bạn. Nhưng có năm túng thiếu, đứa có đứa không.

Điển hình như năm nay, đến thời điểm hiện tại, vợ chồng anh Trường mới lo được 2 bộ quần áo mới cho 8 đứa con của mình. Tất cả đều đang trông chờ vào những đồng lương, thưởng của bố mẹ trong những ngày cuối cùng của năm.

Thông lệ, ngày 30 Tết, trong nhà anh cũng chỉ có chừng 20 cái bánh chưng, vài ba cân thịt với ít bánh kẹo đủ để… chia theo đầu người, thế là xong cái Tết.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Trường cười đùa, có thể nhà anh thua nhiều gia đình khác về vật chất nhưng có một thứ, khó có gia đình nào bằng. Đó là tiếng cười của con trẻ luôn đầy ắp trong nhà. “Tết đến các con hò hét, nô đùa vui lắm, thế là mọi thứ cứ thế trôi qua”, anh Trường tâm sự.

Xã hội - Ước mơ có giầy mới của 8 đứa con cặp vợ chồng 8X (Hình 2).

Đối với vợ chồng anh Trường, con cái chính là tài sản lớn nhất mà vợ chồng anh có được

Nói rồi anh ngồi nhẩm tính, trung bình một năm rưỡi, vợ anh lại sinh một đứa. Khi phát hiện mình có bầu cũng là lúc thai nhi đã phát triển khá lớn. “Bởi vậy, gia đình tôi quyết không bỏ mà giữ con”, anh Trường nói.

Chia sẻ về công việc của mình, anh Trường bảo, vợ anh sinh xong một thời gian ngắn lại đi làm công việc tự do như bán hàng, xách vữa thuê hay ai thuê gì làm nấy. Còn anh làm nghề thợ xây, công việc bấp bênh nên được bao nhiêu tiền bạc cũng chỉ đủ trang trải cho cuộc sống gia đình.

Khi được hỏi về mong muốn lớn nhất trong những ngày Tết, các con của anh Trường đều đồng thanh: “Quần áo mới, quần áo mới, con thích quần áo mới…!”.

Những đứa ở cái tuổi đã biết suy nghĩ thì mong nhiều hơn thế. Các em mong trong nhà có thêm những vật dụng thiết thực với sinh hoạt hàng ngày để bố mẹ cũng đỡ vất vả, mong ước có đôi giầy để không phải chân trần trong giá lạnh. Nhưng nói ra mơ ước của mình rồi, các em lại cúi đầu thỏ thẻ: “Bố mẹ con không có tiền nên con không dám mơ ước nhiều”.

“Con muốn mua một đôi dép mới cho con và cho cả em Mi (con gái thứ 7 của anh Trường - PV) nữa, vì dép con và dép em rách hết rồi. Lạnh thế mà em còn phải đi chân đất ấy”, Hằng (con gái thứ 3 - PV) nói.

Còn Nguyễn Thị Duyên (con gái thứ 2 - PV) thì bẽn lẽn: “Con muốn được mua một đôi giày, mùa đông đi học lạnh lắm, các bạn ai cũng đi giày còn con toàn phải đi dép”.

Xã hội - Ước mơ có giầy mới của 8 đứa con cặp vợ chồng 8X (Hình 3).

Các con của anh Trường đều mong ước có được bộ quần áo mới, đôi giầy để chống chọi lại với mùa đông và đi chơi Tết

Đứng nhìn các con đang trò chuyện cùng chúng tôi, anh Trường mường tượng về cái Tết của 12 năm trước. Đó là quãng thời gian anh vừa xây dựng gia đình, gánh nặng cơm áo chưa quá nặng nề.

Nhưng rồi các con chào đời, kinh tế gia đình thêm khó khăn, tiết kiệm đồng nào hay đồng đó nên vợ chồng không dám bỏ vài trăm nghìn đồng mua đào, quất. Tiền làm thuê có được, vợ chồng anh lại dành dụm để lo cho các con ăn học.

Cả hai vợ chồng anh chị đều tâm niệm rằng, các con chính là tài sản lớn nhất mà họ có. Theo anh Trường, dù kinh tế gia đình khó khăn, các con thiếu thốn nhiều nhưng đổi lại chúng rất ngoan ngoãn, nghe lời. Biết bố mẹ khó khăn vất vả nên từ đứa lớn tới đứa bé không bao giờ nũng nịu đòi bố mẹ mua quà bánh hay đồ chơi…

“Bố mẹ không lo được đầy đủ cho con cái cũng ái ngại lắm, nhưng mãi rồi thành quen, các con hiểu nên cũng không đòi hỏi gì”, anh Trường tâm sự.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.