Cô gái trẻ, ước mơ lớn
Cô giáo trẻ mà chúng tôi nhắc đến là Nàng Xô Vi, 25 tuổi, ngụ làng Đák Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum - Người vinh dự trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.
Để có được thành quả như ngày hôm nay, là cả một hành trình gian nan, nỗ lực không ngừng nghỉ, phải nói là “kỳ tích” không chỉ với cá nhân Xô Vi mà cả cộng đồng người làng Brâu.
Xô Vi người đồng bào dân tốc thiểu số Brâu với dân số khoảng 500 nhân khẩu, sinh sống tại khu vực ngã ba Đông Dương (Việt Nam - Lào - Campuchia).
Sinh ra và lớn lên tại vùng đất biên cương đầy nắng gió, đất đai cằn cỗi cuộc sống của người làng gặp rất nhiều khó khăn.
Chính vì vậy, đám trẻ con trong làng không mấy mặn mà với cái chữ. Nếu có thì chỉ dừng lại ở việc biết đọc, biết viết rồi nghỉ ngang giữa chừng theo cha theo mẹ lên rẫy kiếm kế sinh nhai.
Với người làng Brâu, “đại học” dường như là một một điều gì đó mới mẻ, xa lạ không có trong tiềm thức của họ. Trai gái trong làng đa phần đến độ 16, 17 tuổi lập gia đình rồi gắn chặt đời mình trên những sườn đồi cày cấy mưu sinh.
Thế nhưng, với Xô Vi thì khác. Với hoài bão mãnh liệt, khao khát thay đổi, Xô Vi đã mạnh mẽ vượt qua những khó khăn, phong tục lạc hậu trở thành một giáo viên, một đại biểu quốc hội.
Xô Vi chia sẻ: “Với người làng Brâu ở tuổi 16, 17 hầu hết trai gái trong làng lập gia đình sinh con. Ở cái tuổi chưa chín chắn lập gia đình việc xích mích cãi cọ, bạo lực gia đình của các cặp vợ chồng son là điều không thể nào tránh khỏi.
Những cặp vợ chồng mới độ tuổi đôi mươi thiếu kiến thức về sinh đẻ đã tay xách nách mang 3 -4 đứa con khiến cái nghèo cái đói bủa vây. Do đó, mình muốn thoát ly khỏi phong tục, thoát khỏi cái nghèo, đặc biệt muốn thoát khỏi cánh cổng làng nhỏ hẹp để khám phá thế giới.
Mình quyết tâm bám trường lớp theo học cái chữ. Ban đầu bố mẹ cũng ái ngại, nhà nghèo không có tiền nên khuyên con học đến hết lớp 9 rồi lập gia đình. Thấy mình cương quyết, dần bố mẹ cũng xuôi lòng".
Mang tâm tư, nguyện vọng của người dân đến với Quốc hội
Đó là những ngày giữa tháng Bảy, trường PTDTNT tỉnh Kon Tum đã ngừng tuyển sinh. Nhưng bác trưởng thôn vẫn dắt Xô Vi xuống sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum để nộp hồ sơ xin học. Sau bao nhiêu năm miệt mài đèn sách, nỗ lực của Xô Vi được đền đáp khi trúng tuyển đại học Sư phạm Huế.
Để có tiền cho Xô Vi nhập học, trưởng thôn kêu gọi tất cả mọi người trong bản lại, nói: “Giờ bản làng ta có một cháu đỗ đại học. Cháu sẽ là người đầu tiên mang ánh sáng về cho bản mình”.
Sau lời kêu gọi ấy, người góp gạo, người góp chén bát, người mang bột ngọt, thậm chí còn ký nợ dầu gội đầu, nước mắm, đựng đầy 2 bao lớn để Xô Vi làm hành trang lên đường.
Năm 2018, với tấm bằng đại học trên tay, Xô Vi xin được vào trường PTDTNT tỉnh Kon Tum. Tiếp đó, Xô Vi xung phong về Phân hiệu trường PTDTNT tỉnh Kon Tum tại huyện Ia H'Drai để giảng dạy cho học sinh nơi đây.
Trước niềm vinh dự trúng cử vào đại biểu Quốc hội khóa XV, cô giáo Xô Vi chia sẻ: "Khi biết trúng cử vào đại biểu Quốc hội mình rất bất ngờ. Mình rất vui và xúc động khi mọi người đã tin tưởng mà bỏ lá phiếu cho mình.
Để không phụ sự kỳ vọng của mọi người, mình hứa sẽ nỗ lực để chuyển tải những tâm tư, nguyện vọng của bà con, thầy cô giáo ở vùng khó khăn đến với nghị trường".
Trước niềm vinh dự trúng cử vào đại biểu Quốc hội khóa XV, cô giáo Xô Vi chia sẻ: "Khi biết trúng cử vào đại biểu Quốc hội mình rất bất ngờ và xúc động.
Mình sinh ra và lớn lên ở vùng khó của tỉnh Kon Tum. Mình mong muốn gửi đến Quốc hội những vấn đề để phát triển giáo dục vùng cao, tâm tư nguyện vọng của các học sinh, giáo viên khi giảng dạy ở đây. Ngoài ra, còn có những vấn đề về bạo lực gia đình, xâm hại tình dục ở trẻ em...
Mình mong muốn mang tiếng nói riêng sẽ góp thêm sức cùng chính quyền địa phương, nhằm kêu gọi những chính sách để hỗ trợ thêm cho giáo dục, an sinh, việc làm cho người dân nơi này".
Nói về cô giáo Xô Vi, bà Phạm Thị Trung, Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum chia sẻ: "Việc cô giáo Xô Vi trúng cử đại biểu Quốc hội là niềm vinh dự rất lớn đối với ngành giáo dục.
Cô sẽ đại diện cho tiếng nói của ngành giáo dục địa phương, đưa tâm tư, nguyện vọng của ngành đến diễn đàn Quốc hội. Sở cũng mong rằng, cô Xô Vi sẽ phát huy được khát vọng của bản thân. Từ đó, chuyển những kiến nghị, đề xuất nhằm phát triển và xây dựng ngành giáo dục tại quê hương".
Mỗi ngày, bóng dáng cô giáo trẻ đi trên chiếc xe máy cà tàng, chạy hàng trăm cây số trên tuyến đường rừng từ huyện Ngọc Hồi qua huyện Ia H'Drai khiến mọi người thán phục.
Chúc cho những tâm tư nguyện vọng của cô giáo trẻ sớm được truyền tải đến nghị trường Quốc hội.