Quá khứ đáng tự hào
Vũ Đình Hới sinh năm 1948, trong một gia đình nông dân nghèo đông con nhưng có truyền thống cách mạng, ở một huyện miền biển vùng đất học Nam Định. Nhà có 5 anh em trai thì cả 5 đều xung phong vào chiến trường, chiến đấu trên các tuyến lửa. Cái máu "choảng nhau" với kẻ thù ấy sớm ăn sâu vào tâm thức cậu em út Vũ Đình Hới.
Năm 1965, khi đang học cấp 3 trường huyện, tiếng gọi tổng động viên tràn đến vùng đất Nghĩa Hưng, cuốn theo cuộc đời của cậu bé nhà nghèo 17 tuổi. Vứt cả sách bút, Hới tất tả lao ra chiến trường. Năm 1971, Hới được điều về Lữ đoàn bảo vệ quân ủy Trung ương, Bộ Chính trị (Lữ đoàn M44 - Bộ Tổng tham mưu). Cùng năm đó, một nhiệm vụ quan trọng và may mắn hơn đối với bất cứ một quân nhân nào đến với Vũ Đình Hới: Được vinh dự điều đi bảo vệ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông nhớ lại, quãng thời gian 5 năm (1971 - 1975) được đảm nhận nhiệm vụ canh cho giấc ngủ của Người là quãng thời gian đẹp nhất, hạnh phúc và cũng vinh quang nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Chính vinh dự được bên Bác Hồ, đã thôi thúc anh phấn đấu vươn lên trong công tác cũng như trong chuyên môn. Để rồi anh thành đạt và đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng sau này.
Sau khi thi hài Bác Hồ được chuyển về lăng, Vũ Đình Hới trở lại Lữ đoàn M44 với chức vụ mới là trưởng ban trợ lý tuyên huấn, kiêm phó chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn. Sau đó ông được cử đi học ở Học viện chính trị Quốc gia và được đề bạt làm chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn M44.
Năm 1995, ông nhận tấm bằng cử nhân khoa học nhân văn, chuyên ngành Xây dựng Đảng và Chính quyền. Công tác đến năm 2000, Vũ Đình Hới nghỉ hưu với quân hàm đại tá.
Phạm nhân Vũ Đình Hới.
Bỏ súng cầm tiền, sẩy chân... đi tù
Những ngày mới về hưu, căn nhà xinh xắn ở số 200 phố Hoàng Văn Thái, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân (Hà Nội) luôn nhộn nhịp bước chân những người bạn chiến đấu cùng thời. Thế rồi, trong những cuộc vui đoàn viên ấy, những người đàn ông một thời cầm súng bỗng thấy nhàn rỗi đến phát buồn, nên cùng nhau hình thành những ý tưởng cho việc làm ăn mới. Nhưng có ai ngờ, những suy nghĩ giản đơn ấy đã giết chết hào quang cả một đời lính. Thương trường khốc liệt và nghiệt ngã vô cùng, những người lính như các ông không lường hết được.
Như một thử thách của số phận, các ông chọn đúng nghề dịch vụ cầm đồ. Kế hoạch mở cửa hàng cầm cố tài sản nhanh chóng được vạch ra, vốn liếng huy động từ bạn bè, Vũ Đình Hới đứng ra chịu trách nhiệm trước pháp luật. Lãi suất thu được hàng tháng chia đều cho các cổ đông. 3 năm đầu cửa hàng dịch vụ cầm đồ của Vũ Đình Hới vận hành rất trơn tru, khách hàng đến cầm cố một phần vì tin tưởng ông là bộ đội về hưu, lại có trình độ đại học hẳn hoi. Phần nữa vì tính ông xởi lởi, chẳng bao giờ lấy tiền lãi quá đáng như các cửa hiệu khác...
Nhìn người đàn ông tóc bạc trắng với cặp kính dày cộp ấy chợt chùng xuống. Tôi cảm nhận một nỗi đau vô hình trong người đàn ông dày dặn bởi sương khói này. Đôi bàn tay ông bóp chặt vào nhau, khuôn mặt cúi gằm xuống. Đó là nỗi đau của một người chồng.
Nghỉ hưu được 4 năm, quây quần bên gia đình với người vợ đảm và đứa con ngoan, sự an nhàn, thanh thản thể hiện trên gương mặt của Vũ Đình Hới. Nhưng niềm hạnh phúc cuối đời chẳng được viên mãn, khi người vợ hiền đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông, vào cuối năm 2004. Ông như người gặp phải trận thập tử nhất sinh. Công việc kinh doanh vì thế cũng sa sút theo.
Ông bảo, chuỗi ngày dài tối tăm tiếp theo đó, thực lòng ông chẳng muốn nhớ đến một chút nào. Bởi mỗi lần nghĩ lại, nó như những thước phim quay chậm, cứa vào nỗi khiếp sợ, khiến ông nổi da gà. Hơn 50 tuổi đời, đầu hai thứ tóc mà vẫn để bị lừa vì nông nổi, tin người. Làm một cái nghề "lạnh lùng" như cầm đồ mà bản thân ông lại quá thương người. Có lẽ bi kịch của ông xuất phát từ cái nghịch lý ấy.
Vẫn biết nghề cầm cố tài sản là nghiệt ngã, là giang hồ nhưng cho tới bây giờ, ông vẫn chưa hình dung hết được những khắc nghiệt mà nó mang lại. Người ta thấy ông dễ dãi lại có tính thương người nên nhiều kẻ lợi dụng. Nhưng lạ thay, ông không làm khó dễ gì, kể cả khi họ xù tiền của ông.
Sự việc lê lết đến năm 2006, cửa hàng tuyên bố phá sản với số nợ lên đến 2,7 tỷ đồng. Ông đành bán căn nhà mặt phố duy nhất, nhưng cũng chỉ được 2,1 tỷ đồng. Còn hơn 600 triệu đồng, ông không thể xoay xở được. Bán ngôi nhà đi, đứa con gái duy nhất đang học Cao đẳng kinh tế Công nghiệp Hà Nội cũng đòi bỏ học, bươn chải giữa đất Hà thành kiếm sống nuôi mình.
Hai cha con lặng lẽ dắt díu nhau về quê ở Nghĩa Hưng (Nam Định) tá túc, nhưng cũng không được yên thân bởi các chủ nợ. Nhà tan cửa nát, vị đại tá già chuyên đi cứu giúp nhiều người trong cơn khốn cùng ấy, đành bất lực không cứu nổi chính mình. Mức án 9 năm tù là dấu chấm hết cho việc bước ra thương trường của một người lính già. Cuộc đời vẫn vậy, đó là cái giá ông phải trả, dẫu là vô tình hay hữu ý.
Nỗi đau khôn tả
Vũ Đình Hới còn tâm sự rằng, cuộc đời ông trải qua hết nỗi đau này đến cái đau khác, nhưng có một nỗi đau đớn, nhục nhã nhất mà suốt phần đời còn lại của mình ông không thể nào quên được. Nỗi đau của một người Đảng viên khi phải tự tay cầm bút xóa tên mình trong danh sách vinh quang ấy. Suốt cả tuổi thanh xuân phấn đấu, cống hiến để rồi chỉ vì sự nông nổi, tin người mà ông đã đánh mất tất cả.
Ngày 18/2/2008, đảng viên Vũ Đình Hới chính thức rời khỏi hàng ngũ của Đảng CSVN. Còn nhớ, cũng ngày này cách đó đúng 40 năm, ông đã xúc động tột cùng khi được giơ nắm tay thề nguyện suốt đời cống hiến dưới lá cờ đỏ búa liềm. Rồi nữa, khi ông vào tù, những người trước đây vốn chung lưng đấu cật với ông, vẫn không chịu buông tha.
Họ phẫn uất khi thấy một gã tù mà vẫn đến tháng đều đặn nhận lương hưu. Thế là họ đâm đơn kiện. Sau đó quận Thanh Xuân phải xem xét, rồi tính chuyện cắt chút lương bé mọn - thành quả của một cựu sĩ quan quân đội, sau 35 năm cống hiến trong ngành. Đã 3 mùa xuân đón Tết trong trại, người đàn ông này cũng đã chiêm nghiệm được nhiều, nhưng ông vẫn giữ tính cách hiền lành, thật thà và bao dung ấy.
Loan Nguyễn