Nụ cười chua chát của phạm nhân
Trong cái nắng gắt một ngày đầu hạ, chúng tôi tìm đến trại giam Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) thuộc Tổng cục VIII - Bộ Công an). Tại đây, chúng tôi có dịp trò chuyện với một phạm nhân mà cán bộ trại giam cho biết y ăn cơm tù còn nhiều hơn ăn cơm nhà. Phạm nhân đó chính là Nguyễn Văn Đương (SN 1963, ngụ xã Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nam Định) đang phải thụ án 30 năm tù về tội Buôn bán ma túy.
Gặp PV, Đương mỉm cười và mở lời chào thân thiện khiến chúng tôi không thể tin y là một phạm nhân có nhiều tiền án. Ngồi khúm núm trên ghế, phạm nhân Đương nở nụ cười thật tươi nói chuyện với chúng tôi như đang được gặp gỡ người thân.
Sau giây phút phấn khởi khi có người để giãi bày tâm tư, phạm nhân Đương thở dài: “Với những tội lỗi mà tôi gây ra, 30 năm tù vẫn còn nhẹ, tôi cảm thấy vậy. Tôi trách mình là tại sao trải qua mấy lần vào trại trước đó vẫn chưa thể thức tỉnh”.
Năm 1994, Đương được trả tự do sau khi hoàn thành bản án 8 năm tù về tội Sử dụng trái phép vũ khí. Sau đó, Đương cùng vợ con rời quê hương chuyển vào tỉnh Bình Dương lập nghiệp. Đương cũng hy vọng sẽ bắt đầu cuộc sống mới tốt đẹp hơn nơi đất khách và không còn phạm tội.
Tuy nhiên, Đương có tiền án tiền sự nên nhiều nơi cũng không muốn nhận y vào làm. Để lo trang trải cuộc sống qua ngày, Đương phải vật lộn với bao công việc nặng nhọc như phụ hồ, bốc vác… để kiếm tiền nuôi vợ con.
“Mục đích tôi rời quê hương vào Nam lập nghiệp là hy vọng thay đổi hoàn cảnh khó khăn ở quê. Hơn nữa, tôi cũng muốn ở “ẩn” một nơi mà bạn bè không còn ai biết đến. Hồi còn ở quê, trước khi đi tù, tôi có nhiều "đàn em" lắm. Tôi sợ khi ra tù "đàn em" tìm đến rồi lại thành lập băng đảng. Do đó, tôi đã vào Bình Dương cùng với vợ con để trốn chạy giới giang hồ”, Đương nói.
Y nhớ lại: “Tôi không ngờ khi đến huyện Dĩ An (nay là thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) sinh sống thì tình cờ gặp lại nhiều “anh em”. Khi đàn em biết nơi ở của tôi, họ tìm đến chơi thường xuyên. Họ chia sẻ về sự khó khăn trong cuộc sống và muốn tôi dẫn dắt. Lúc đầu, tôi từ chối, nhưng sau đó, tôi lại sa đà vào con đường tội lỗi".
"Túng thiếu tiền bạc, tôi cùng nhiều anh em khác mua bán ma túy kiếm tiền. Tôi chỉ mua bán ma túy một lần 17 chỉ (17 tép) rồi ngưng. Tuy nhiên, tháng 3/2006, khi công an triệt phá đường dây ma túy của Nguyễn Huy Liệu cầm đầu, hắn đã khai thêm tôi và công an đến nhà bắt tôi”, Đương thở dài nhớ lại.
Tan cửa nát nhà mới thức tỉnh
Đương bị bắt về tội Mua bán ma túy, vợ của y cũng bị bắt với cùng tội danh. Đứa con trai đầu của Đương cũng nghiện ma túy nặng và hiện đang cai nghiện tại một trung tâm cai nghiện ma túy ở TP.HCM. Vợ chồng đi tù, con nghiện ma túy, đó là kết quả mà Đương gây nên cho gia đình. Chỉ khi bước vào tình cảnh ấy, Đương mới thức tỉnh và nhận thấy tội lỗi y gây ra cho người thân.
“Những lần "xộ khám" trước đó, tôi không suy nghĩ nhiều. Khi lâm vào cảnh "tan cửa nát nhà", tôi mới nhận ra mọi tội lỗi thì đã quá muộn”, Đương nói trong hối hận.
Khi nhận thức được tội lỗi và biết sám hối, Đương ao ước sớm ngày được ra trại. Trong suốt 11 năm thụ án tại trại giam Xuân Lộc, y quyết tâm cải tạo thật tốt để được giảm án, sớm làm lại cuộc đời.
Đương bày tỏ: “Những ngày tháng qua, tôi khao khát ngày trở về với gia đình. Tôi muốn dành thời gian còn lại để bù đắp cho con cái. Hơn bao giờ hết, tôi muốn được sống lâu hơn để có đủ thời gian bù đắp những mất mát cho người thân”.
Nói về dự định trong tương lai khi được trả tự do, Đương khẳng định sẽ không để mình dính vào vòng lao lý thêm một lần nào nữa. “Cả đời tôi gần như chỉ ở trong trại. Tôi ăn cơm trong trại nhiều hơn cơm nhà. Bằng những nghề đang được học và làm tại trại như tách hạt điều, làm thủ công khuy áo… tôi sẽ đủ sức nuôi sống gia đình sau khi được trả tự do”, Đương nói.
Một cán bộ trại giam Xuân Lộc cho biết, những ngày đầu đến trại, Đương tỏ ra rất bất mãn. Sau một thời gian được cán bộ trại giam và nhiều phạm nhân khác động viên, Đương dần thay đổi từ suy nghĩ tiêu cực trở nên tích cực hơn.
Năm đầu vào trại, Đương không quan tâm đến việc cải tạo tốt để được giảm án. Nhiều lần đơn vị phát động viết thư, Đương không tham gia. Những năm sau đó, Đương không chỉ chấp hành án tốt mà còn chủ động viết thư xin lỗi.
Tịnh Đoàn