Về xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) trong những ngày giáp Tết, ai ai cũng tất bật sắm sửa đón năm mới. Thế nhưng, tại một quán cắt tóc nhỏ ven đường, người chủ quán vừa chống nạng vừa phải cật lực làm việc để kiếm tiền, khiến ai cũng thương cảm.
Mặc dù muốn trò chuyện, nhưng người vào liên tiếp khiến ông Hoàng Văn Hồng (SN 1961, trú tại xóm 9, xã Cổ Đạm) không thể dừng tay. Phải chờ người bắt đầu vãn dần, ông Hồng mới di chuyển đến bậc thềm ngồi uống nước và kể về cuộc đời sóng gió của chính mình.
“Tôi sinh ra và lớn lên hoàn toàn bình thường chứ không phải khuyết tật bẩm sinh. Do gia đình đông anh em nên rất nghèo khổ, không được ăn học đầy đủ như người ta. Đến năm 18 tuổi, tôi đi nghĩa vụ quân sự, lúc trở về thì xảy ra tai nạn. Vết thương nguy hiểm, khiến toàn bộ cột sống lưng tôi không thể cử động được. Sau khi cấp cứu tại bệnh viện huyện, tôi được chuyển sang Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp tục chữa trị. Tại đây, các bác sỹ bảo tôi là viêm cột sống dính khớp”, ông Hồng nhớ lại.
Từ đó, người thanh niên ấy trở thành tàn tật, chỉ nằm một chỗ trên giường vì cứ định cử động thì lại đau, mọi sinh hoạt đổ lên vai gầy của người mẹ già. Để chữa trị cho con, mẹ ông đã bán đi mảnh vườn và mọi thứ có giá trị trong nhà, nhưng cuối cùng vẫn nhận lấy cái lắc đầu của các bác sỹ về bệnh tình của con.
Thương mẹ, sau khi bị tai nạn được 7 tháng, ông đã quyết tâm tập đi lại. Bằng nỗ lực và sự động viên của mẹ, hơn 4 tháng cố gắng, ông Hồng đã có thể đi cà nhắc dưới sự giúp đỡ của chiếc nạng. Thế nhưng, cơ mặt của ông đã bị dây thần kinh rút đến méo xệch, vì vậy khi nói năng và ăn uống cũng khiến ông gặp rất nhiều khốn khổ.
Đối với nhiều người, tuổi 23 là quãng thời gian đẹp và tươi sáng nhất, nhưng đối với ông Hồng, đây lại là vực thẳm. Nhiều lần ông nghĩ mình sống như vậy chỉ làm khổ bản thân, gia đình nên định quyên sinh. Nhưng nhìn thấy người mẹ càng lúc càng già đi, trái tim của ông lại yếu mềm, không dám tự tử.
Ở vậy mãi cũng buồn, có người thân nhờ ông Hồng tỉa lại tóc cho gọn nên ông đồng ý ngay. Biết cắt tóc từ hồi đi bộ đội nên ông Hồng nhanh chóng bắt tay vào làm, sau khi hoàn thành, cũng là lúc ông nảy ý định mở một cửa hiệu nhỏ để sống qua ngày.
Sau đó, ông Hồng nhờ người nhà mua thêm vài chiếc kéo, gương, lược và một chiếc ghế cũ. “Nghĩ thì đơn giản, nhưng ngày đầu tiên làm mới thấy mệt như thế nào, việc đứng liên tiếp trong nhiều giờ, khiến các bắp chân của tôi đau không chịu nổi. Cứ cắt được một mái tóc là trong người không còn chút sức nào nữa, tôi phải ngồi nghỉ cả tiếng đồng hồ. May sao làm mãi cũng thành quen, tôi dần dần thích nghi, mọi người thấy thương nên cũng đến ủng hộ nhiều”, ông Hồng cho biết.
Sau khi đảm bảo được cuộc sống, người mẹ già bắt đầu giục ông lấy vợ. Lúc đó, ông Hồng nghĩ mình khuyết tật thế này thì ai lấy, nhưng vì do mẹ bắt ép, ông cũng đành theo bạn đi “tán gái”. Ấy vậy mà không ngờ ông lấy được vợ thật, sau mấy tháng quen biết và trò chuyện, một người con gái xã bên đã gật đầu theo ông về nhà.
Rồi 2 người con lần lượt ra đời, gánh nặng mưu sinh lại đè nặng người đàn ông khuyết tật này. Do công việc không ổn định nên hằng ngày vợ đi làm thuê, còn ông phải dựa vào quán cắt tóc để có tiền nuôi sống gia đình. Nhưng đến năm 2004, người vợ khăn gói vào Tây Nguyên làm thuê, nhưng chỉ 2 tháng sau thì gọi điện bảo sẽ không trở về nữa.
Thấy cảnh “gà trống nuôi con” nên bạn bè ông Hồng khuyên nhủ ông nên đi thêm bước nữa, một là để đỡ đần lúc đau yếu, hai là để chăm sóc những người con thơ của ông. Vẫn biết là khó có người phụ nữ nào chấp nhận, nhưng ông vẫn thử đi cùng bạn bè. Thông qua các mối quan hệ, các bạn đã đưa ông đến với chị Võ Thị Nghĩa, trú tại xã Phúc Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh).
Mặc dù người phụ nữ này không xinh đẹp, nhưng tính tình hiền hậu lại chăm chỉ, nên cũng có một số người theo đuổi. Đã qua một đời vợ, lại có con riêng nên ông Hồng biết mình khó “cạnh tranh”, tuy nhiên ông vẫn thỉnh thoảng đến trò chuyện như một người bạn. Không ngờ rằng, vì thấy người đàn ông này tính tình điềm đạm, lại biết suy nghĩ trước sau, chăm lo chu đáo cho con, nên chị Nghĩa đã cảm mến và đồng ý về một nhà với ông.
Năm 2008, 2 người chính thức nên duyên vợ chồng, mặc dù không rước dâu rình rang, không làm nhiều mâm cỗ nhưng vẫn là một ngày đáng nhớ. Kể về việc này, sau gần 10 năm sống chung, người phụ nữ này chỉ tiếc là không có một bức ảnh cưới nào.
“Thực ra thời gian đầu tôi vẫn hơi chạnh lòng, có thể tôi sinh ra trong một gia đình khó khăn nhưng cũng muốn một đám cưới đàng hoàng như người khác. Thế mà đến hôm rước dâu, anh ấy được một người bạn chở đến vì không tự đi được, khi trở về thì lại có bạn khác chở tôi”, chị Nghĩa kể.
Nói là vậy nhưng chỉ ngay sau ngày cưới, chị Nghĩa đã lăn ra làm đủ thứ việc. Sau khi dọn dẹp nhà cửa, chị ra đồng bắt cua, đi quăng lưới mang ra chợ bán. Người phụ nữ nhỏ nhắn là vậy nhưng sức khỏe vô cùng phi thường. Tất cả chỉ vì chị muốn vun vén cho ngôi nhà nhỏ của mình.
Cảm động trước những việc làm của người vợ, ông Hồng cũng cật lực cắt tóc, mặc dù khổ nhưng trong nhà luôn ấm áp và tràn đầy niềm vui. Cho đến khi 2 người con riêng của ông Hồng đủ tuổi giúp gia đình, cũng là lúc chị Nghĩa lần lượt sinh thêm 2 người con chung nữa.
“Mặc dù nghèo khổ nhưng tôi thấy rất hạnh phúc, cuộc đời lấy đi của tôi nhiều thứ nhưng cũng ban tặng tôi quá nhiều món quà. Tôi không còn mong ước gì hơn, chỉ muốn năm mới không bệnh tật, cắt tóc nuôi con”, ông Hồng cho biết, những ngày cuối năm, mọi người đến cắt tóc nhiều hơn nên ông phải cố gắng kiếm tiền sắm Tết.
Ông Nguyễn Xuân Lý (SN 1964), trú xóm 5, xã Cổ Đạm cho biết: “Tôi bắt đầu đến cắt tóc từ lúc ông Hồng mở quán cho đến nay, tính ra cũng gần 30 năm. Lúc đầu là đến ủng hộ, một phần vì quen biết, phần khác là do tay nghề của ông Hồng rất tốt, nên sau đó tôi không đến quán cắt tóc nào khác nữa. Để ông Hồng cắt tóc, tôi mới thấy an tâm và hài lòng”.
Sau gần 30 năm hành nghề cắt tóc, những dụng cụ của ông Hoàng Văn Hồng đã cũ kỹ. Ngoài những chiếc kéo luôn sắc thì chiếc gương đã mờ, cái ghế dành cho khách ngồi bị rách nhiều chỗ… Vì vậy, mấy năm nay, ông Hồng vẫn muốn sắm lại một bộ đồ nghề mới để phục vụ cho khách tốt hơn. Tuy nhiên, do số tiền quá lớn so với khả năng kinh tế của gia đình ông nên đến nay, dự tính đó vẫn là ước mơ.
Anh Ngọc
Xem thêm video: