Trong dòng người đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà tang lễ quốc gia (số 5, Lê Thánh Tông) có vợ chồng ông Lê Văn Bạo (61 tuổi) ở huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước.
Vượt quãng đường hàng nghìn cây số, đúng 10 giờ tối qua vợ chồng ông ra tới nơi để kịp vào viếng Đại tướng sáng nay. Hai vợ chồng ông mang vẻ chân chất của người dân miền Đông Nam Bộ. Hành trang của đôi vợ chồng cựu binh là một chiếc ba lô mang quần áo.
Vợ chồng ông Bạo bật khóc khi nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ông Bạo cho biết, ông vốn tham gia chiến trường miền Đông Nam Bộ từ năm 1968 đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng 1975. Với ông dù chưa một lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng ông luôn tự hào vì là người lính của vị Tổng Tư Lệnh khi ấy.
Lòng kính trọng, nể phục đạo đức hiền tài của Đại tướng đã thôi thúc vợ chồng cựu binh già vượt cả nghìn cây số không mệt nghỉ.
Ông kể: “Hơn 10 giờ tối qua vợ chồng tôi ra tới Hà Nội. Lần đầu tiên ra đây đường xá lạ lẫm, tìm mãi mới được nơi nghỉ ngơi. Sáng sớm hai vợ chồng ra bắt xe buýt nhưng bị lạc đường nên đi mãi mới đến nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau đó từ nhà Đại tướng đi bộ ra nhà tang lễ quốc gia để kịp dự đám tang của Người”.
Khi nhắc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thi thoảng ông Bạo lại lấy tay lau vội nước mắt. Ông tâm sự: “Cuộc đời tôi tiếc là chưa một lần được gặp Đại tướng ngoài đời thường nhưng trong trái tim chúng tôi hình ảnh Đại tướng mãi hiền hậu và đáng kính. Có lẽ suốt đời này không ai có thể quên được. Ước nguyện lớn nhất của tôi lúc này là được vào viếng Đại tướng một lần. Có như vậy tôi cũng thỏa nguyện”.
Hơn 59 năm qua hình ảnh Đại tướng tặng gia đình bà Hoàn vẫn lưu giữ cẩn thận và xem như một bảo vật.
Lưu giữ ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến nay đã được hơn 59 năm, bà Nguyễn Thị Hoàn (50 tuổi) ở phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội không kìm được lòng khi nhắc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với Bà Lan những câu chuyện về Đại tướng Giáp bà đều nghe qua người cha quá cố của mình là ông Nguyễn Gia Tham.
Bà Lan cho biết: “Gia đình tôi gồm có bác trai cả là Nguyễn Gia Thêm, bố tôi là Nguyễn Gia Tham và người chú là Nguyễn Gia Chức đã hăng hái tham gia trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Sau cuộc chiến ấy người bác cả và người chú tôi đã anh dũng hy sinh để bảo vệ tổ quốc”.
Bà cho biết, bố bà là ông Tham từng là đồng đội với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và trước khi tiến hành cuộc khởi nghĩa ông Tham được Đại tướng tặng một chiếc ảnh của Đại tướng trong đó có dòng chữ của Đại tướng: “Bảo vệ Việt Bắc – Tháng hè quyết liệt”. Đến nay sau hơn 59 năm từ khi chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi bức ảnh Đại tướng tặng gia đình bà vẫn lưu giữ ảnh gốc. Bà phóng to một bức treo trang trọng trong nhà như tưởng nhớ về Đại tướng.
Bố tôi đã mất từ nhiều năm trước nhưng ông cụ luôn nhắc nhở con cháu học tập noi gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hôm nay là ngày cả nước dự lễ quốc tang Đại tướng. Tôi chỉ mong sao được vào viếng Đại tướng được một lần để tỏ lòng kính trọng và biết ơn Đại tướng”, bà Hoàn xúc động nói.
Một người phụ nữ liên tục bật khóc trong khi dự lễ tang Đại tướng ở nhà tang lễ quốc gia.
“Tấm ảnh Đại tướng tặng bố tôi chúng tôi sẽ luôn luôn trân trọng và gìn giữ. Trước bác và chú tôi hy sinh trong chiến đấu không có di ảnh. Giờ nhìn ảnh của Đại tướng chúng tôi như thấy chú và bác mình trong đó”, bà Hoàn bật khóc.
Đôi mắt ướt đẫm, bà Nguyễn Thị Xoa (70 tuổi) ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội bùi ngùi cho biết: “Sáng 5 chị em tôi đi từ tờ mờ sáng. Sáng sớm nay chúng tôi qua nhà Đại tướng ở phố Hoàng Diệu vái lạy Người rồi đi bộ từ đó sang đây với nguyện vọng viếng bác lần cuối”.
“Trong trái tim mỗi người con dân Việt Nam hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp hiền từ luôn được người dân yêu quý. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh ấy – Vị tướng của dân tộc, vị tướng của nhân dân”, bà Xoa xúc động cho biết thêm.
Văn Nguyên