Trẻ em làng vạn chài được đi học
Lênh đênh trên chiếc ghe chòng chành giữa lòng hồ Trị An, chúng tôi tìm đến làng vạn chài thuộc xã Thanh Sơn (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) để tìm hiểu về cuộc sống của trẻ em nơi đây.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, làng vạn chài được thành lập cách đây cả chục năm về trước. Nơi đây có khoảng gần 40 hộ dân sinh sống và hầu hết là những Việt kiều từ Campuchia hồi hương.
Do cuộc sống lênh đênh sông nước, sống bằng nghề đánh bắt thủy sản và phụ thuộc vào “lộc trời”, việc học hành của những đứa trẻ ở đây không được quan tâm, chú trọng. Hơn nữa, rất nhiều ngư dân làng vạn chài không có chứng minh nhân dân, không có hộ khẩu, mất giấy tờ tùy thân nên nhiều em bé không thể đến trường.
Trong một lần ghé thăm, nhìn thấy cuộc sống của trẻ em vạn chài, thầy Thích Chơn Nguyên (39 tuổi), người khai sơn chùa Liên Sơn (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) đã quyết định đem con chữ đến với các em. Thầy mong muốn trẻ em vạn chài được tiếp cận con chữ, có cuộc sống vui vẻ, ổn định hơn về sau.
Sau đó, thầy Chơn Nguyên dựng bè trên lòng hồ Trị An để mở lớp học, mang con chữ đến với trẻ em nơi đây. Thầy Chơn Nguyên cũng không quản vất vả, khó khăn vận động các phụ huynh, cũng như trẻ em làng vạn chài đến lớp học của thầy để học chữ.
Những đứa trẻ làng vạn chài, kể cả người lớn có nhu cầu học chữ khi đến với lớp học của thầy Chơn Nguyên đều được miễn phí tất cả. Thầy lo hoàn toàn từ việc học hành đến ăn uống hay sách vở,… cho học trò của mình.
Tâm sự với chúng tôi, thầy Chơn Nguyên kể lại duyên nợ với những đứa trẻ làng vạn chài. Thầy cho biết, nhờ một lần thầy đến làng vạn chài thăm người dân, thầy cảm nhận được sự khó khăn vất vả của người dân nơi đây.
Trẻ em tại đây không được đến trường, nhiều em đã lớn nhưng vẫn không biết chữ, không thể viết tên mình. Từ đó, thầy quyết định mở lớp dạy chữ miễn phí.
“Lúc đầu, các em chưa muốn đi học nhiều nên tôi chỉ dạy cho 5 em nhỏ. Sau đó, rất nhiều em nhỏ đã tìm đến lớp của tôi để được học cái chữ. Vì thế, tôi đã mua bè nổi để làm lớp dạy học cho các em. Đến nay, lớp học trên bè của tôi có khoảng 35 học sinh từ 6 - 18 tuổi. Ngoài học sinh nhỏ tuổi, nhiều ngư dân lâu lâu cũng đến lớp để học chữ. Tôi lấy đó làm niềm vui, động lực để cố gắng truyền đạt nhiều kiến thức hơn nữa cho những đứa trẻ ở đây”, thầy Chơn Nguyên chia sẻ.
Bao năm qua, thầy chỉ dạy cái chữ, dạy đạo làm người, kính trên nhường dưới,… để các em nên người. Những con chữ ấy là kiến thức, nền tảng để các em không bị mù chữ, có thể vững vàng bước ra “thế giới ngoài kia”. Biết chữ, biết tính toán, sau này lớn lên các em có thể đến các nhà máy, công ty để làm việc, đi ra bên ngoài cũng đỡ thua thiệt.
“Khi mới đến lớp, nhiều em cũng chống đối và nghịch ngợm lắm. Các em sống theo thói quen thường ngày và hay nói bậy, chửi nhau với bạn bè. Do đó tại lớp học, tôi vừa dạy chữ và dạy cho các em đạo lý ở đời như: Kính trên nhường dưới, tôn sư trọng đạo, ăn nói nhã nhặn,… Nhưng may mắn các em cũng nghe lời. Đến nay, các em đã ngoan ngoãn, lễ phép, không nói tục,…”, thầy Nguyên kể lại.
Người dân vui vẻ phấn khởi
Trong khi đó, khi được hỏi về việc học của con em mình, người dân làng vạn chài ai nấy đều tỏ vẻ hài lòng, phấn khởi. Họ đều cho rằng, thầy Chơn Nguyên chính là người mang đến “ánh sáng tri thức” cho trẻ em làng vạn chài.
Người dân địa phương chia sẻ, xưa nay, những người dân vạn chài ít nghĩ đến việc cho con đến trường đi học bởi nhiều hộ không có hộ khẩu, giấy tờ tùy thân và trẻ em cũng không có giấy khai sinh.
Vì vậy, nhiều người dân chọn phương án để con ở nhà tự chơi hoặc mỗi ngày theo họ ra hồ đánh bắt thủy sản. Không được đến trường, trẻ em ở đây khá nghịch ngợm, hay học nhau nói tục, cãi vã, đánh nhau,…
Bà Nguyễn Thị Nga (ngư dân làng vạn chài) cho biết, từ ngày có thầy Chơn Nguyên về mở lớp dạy chữ, bà và nhiều người khác đều rất vui. Trẻ con làng vạn chài như có thêm sức sống, vui vẻ hơn và ngoan ngoãn lễ phép hơn.
“Chúng tôi không biết chữ nên chẳng thể dạy chữ cho con mình và cũng không nghĩ có ngày con mình sẽ được học chữ. Từ ngày có thầy Chơn Nguyên về dạy chữ, người lớn trẻ con ai cũng vui, đặc biệt con cháu của chúng tôi ngoan hơn hẳn, cũng ít nói tục, đánh nhau. Dường như các cháu có một kỷ luật nhất định lại còn biết chào hỏi người lớn. Vui hơn là về nhà chúng còn bi bô đọc sách, biết viết chữ”, bà Nga tâm sự.
Trong khi đó, chị Mai Thị Phên (người dân làng bè) cũng bày tỏ sự vui mừng khi nói đến lớp học của thầy Chơn Nguyên. Chị Mai cho biết các em nhỏ đến học ở lớp của thầy Nguyên bằng xuồng. Có những em tự bơi xuồng đến, có những em được người lớn đưa đến.
“Đi học các cháu thích lắm vì sáng ra đến lớp được học chữ, trưa được thầy Nguyên tạo điều kiện cho ăn trưa. Ăn xong các cháu sẽ nghỉ ngơi tại bè lớp học, chiều lại đi học sau đó đến cuối chiều thì trở về nhà. Mọi chi phí ăn uống, học hành, sách vở đều do thầy Nguyên và mạnh thường quân đóng góp còn chúng tôi và các cháu đều không mất gì”, chị Phến vui vẻ nói.
Ngoài ra, nhờ lớp học của thầy Chơn Nguyên mà những người dân làng vạn chài được tiếp cận với tivi. Đêm đến họ cùng nhau đến lớp học để sinh hoạt, xem phim còn trẻ em thì đến đây để gặp nhau, vui đùa.
Anh Nguyễn Hưng, một ngư dân tại đây tâm sự: “Nhà tôi chẳng có tivi nên có được xem phim hay gì đâu. Đêm đến, thầy Nguyên về chùa nên lớp học được giao lại cho chúng tôi trông nom. Nhờ đó mà các cháu được vui chơi với nhau còn chúng tôi được xem tivi, nói chuyện, uống nước”.
Tuy nhiên, người vui nhất có lẽ vẫn là những đứa trẻ làng vạn chài. Từ ngày được học chữ, các em vui vẻ và ngoan ngoãn hơn, tự có ý thức hơn. “Em vui lắm khi được đi học và ở lớp em được học nhiều thứ, học chữ, học cách sống đúng nề nếp. Mọi thứ đều được thầy dạy rất kỹ càng. Vì vậy mà chúng em rất thích”, em Nguyễn Thị Mai, học sinh của lớp dạy học thầy Chơn Nguyên chia sẻ.
Em Mai cũng cho biết, do lớp học trên hồ nên nhiều bạn học của Mai từng bị rơi xuống hồ ướt hết sách vở. Nhưng do trẻ em ở làng vạn chài đều biết bơi nên rất an toàn, không hề phải lo lắng gì.
“Chúng em đi học rơi từ xuồng xuống nước, ướt cặp sách... là chuyện bình thường. Nhưng dân ở đây ai cũng bơi giỏi nên chẳng sợ gì cả”, em Mai nói thêm.
Cuộc sống làng chài vui vẻ hơn
Thông tin về lớp dạy chữ miễn phí của thầy Chơn Nguyên, ông Ngô Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn (huyện Định Quán, Đồng Nai) cho biết, từ lúc Đại đức Thích Chơn Nguyên mở lớp dạy chữ, việc học hành của trẻ em xóm vạn chài được cải thiện nhiều. Nhờ đó cuộc sống của người dân làng vạn chài cũng vui vẻ hơn.