Theo Zing, bệnh nhi là bé N.T.P. (2,5 tuổi, trú tại tỉnh Tiền Giang). Gia đình bé trai cho biết, khi đang chơi trong sân vườn, do khát nước nên bé đã chạy vào nhà lấy chai nước chứa acid sunfuric loãng (H2SO4) trên bàn để uống. Chai axit đã khiến bé ho sặc sụa, nôn ra dịch hóa chất. Phát hiện sự việc, người nhà liền cho bé uống nước súc miệng, sau đó P. không có biều hiện lạ, tiếp tục chơi đùa với các bạn nhỏ khác.
Hai ngày sau P. xuất hiện tình trạng ói sau ăn kèm đau rát vùng thượng vị (vùng bụng trên rốn) nên được cha mẹ đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) khám. Qua thăm khám và tiến hành nội soi đường tiêu hóa, các bác sĩ thấy thực quản, dạ dày bình thường nhưng vùng môn vi sưng đỏ, chít hẹp, khó đặt ống thông đi qua. Các bác sĩ ngoại khoa sau đó đã tiến hành đặt ống thông vào dạ dày, luồn qua chỗ hẹp môn vị, xuống ruột non để giữ môn vị không bị chích hẹp thêm.
Hiện, bé trai tỉnh táo, được áp dụng chế độ ăn thích hợp qua ống thông này và đang được theo dõi, nội soi tiêu hóa đánh giá tổn thương, báo Công an TPHCM thông tin thêm.
Các bác sĩ khuyến cáo, người lớn không nên để hóa chất trong các dụng cụ, chai đựng đồ uống vì dễ khiến trẻ nhầm lẫn, đặc biệt với gia đình có con nhỏ. Ngoài ra cần để thuốc và hóa chất xa tầm với của trẻ hoặc cất trong tủ có khóa, tránh xảy ra sự việc đáng tiếc.
Nếu trẻ không may uống phải dung dịch axit thì tùy vào tình hình phụ huynh cần có các biện pháp xử trí phù hợp. Trong trường hợp trẻ còn tỉnh táo, không nôn, cha mẹ có thể cho trẻ súc miệng bằng nước hoặc sữa để loại bỏ chất ăn mòn còn lại trong miệng rồi đưa trẻ đi cấp cứu. Nếu trẻ bị nôn ói hoặc khó nuốt thì không nên móc họng nôn ra. Việc ói ra khi chưa làm loãng có thể đưa dung dịch axit từ phía dưới đi lên, làm tổn thương ngược trở lại dạ dày. Ngoài ra không được tìm cách "trung hòa" axit bằng cách cho trẻ uống một hóa chất khác vì có thể gây phản ứng nhiệt, tiếp tục làm tổn thương trở nên nặng nề hơn.
Minh Hoa (t/h)