Theo thông tin Thanh Niên dẫn nguồn từ Natural News cho biết, một nghiên cứu mới đây do tiến sĩ Nour Makarem, từ Đại học New York (Mỹ), thực hiện đã cho thấy, những người uống nhiều nước ngọt sẽ có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao gấp 3 lần.
Trong khi đó, những người ăn nhiều thực phẩm chế biến, như bánh mì kẹp thịt và pizza, có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao gấp đôi.
Nghiên cứu này nhằm tìm hiểu ảnh hưởng của các chất bột đường xấu đến ung thư tuyến tiền liệt và các bệnh ung thư khác.
Nghiên cứu đã khảo sát các hồ sơ sức khỏe, theo dõi hơn 3.000 người. Các nhà nghiên cứu bắt đầu theo dõi chế độ ăn uống của người tham gia thông qua bảng câu hỏi chi tiết về tiêu thụ thực phẩm bắt đầu từ năm 1991.
Nhóm nghiên cứu đã phân loại các loại thực phẩm, được tiêu thụ bởi những người tham gia, theo chỉ số đường huyết, dựa trên tác động của chúng đối với mức đường trong máu của một người, như sau:
Thực phẩm có chỉ số đường huyết cao, thường chứa loại đường glucose hấp thu nhanh. Sau khi ăn các thực phẩm loại này, mức đường glucose trong máu sẽ tăng vọt lên rất nhanh, nhưng cũng giảm nhanh ngay sau đó.
Thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, khi ăn vào cơ thể, mức đường huyết được tăng lên từ từ đều đặn, và cũng giảm xuống một cách chậm rãi giúp giữ được nguồn năng lượng ổn định, có lợi hơn cho sức khỏe và trí não, Thanh Niên theo Natural News.
Trong khi đó, các loại thực phẩm mà những người tham gia đã tiêu thụ, được so sánh với tỷ lệ bị mắc ung thư.
Theo kết quả nghiên cứu, những người tiêu thụ thực phẩm có chỉ số đường huyết cao nhất có khả năng mắc ung thư tuyến tiền liệt cao tới 88%.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng ăn thực phẩm chứa nhiều chất đường bột xấu làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt, là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai ở nam giới trong số các bệnh liên quan đến ung thư.
Trong cùng một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng những người tham gia theo chế độ ăn gồm thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như trái cây tươi, các loại đậu, rau không chứa tinh bột (trừ bắp và khoai tây) và ngũ cốc nguyên hạt có nguy cơ phát triển ung thư vú thấp hơn 67%.
Việc tiêu thụ các loại đậu cũng có liên quan đến phòng ngừa ung thư và giảm 32% nguy cơ mắc ung thư vú, đại trực tràng và tuyến tiền liệt.
Chất bột đường xấu, có chỉ số đường huyết cao, là thực phẩm chế biến và đồ uống có đường.
Các loại thực phẩm khác được coi là chất bột đường xấu bao gồm: Nước ngọt, bánh ngọt, kẹo và sô cô la sữa, nước ép trái cây, kem, bánh mì trắng và các loại bánh làm từ bột tinh chế.
Các nghiên cứu khác nhau đã xác định rằng những thực phẩm này có liên quan đến nguy cơ phát triển ung thư cao hơn đáng kể.
Trước đó, theo Thế Giới Trẻ, một nghiên cứu do Đại học Melbourne phối hợp với Hội đồng Ung thư Victoria ở Australia thực hiện đầu năm 2018 cũng đã cho thấy uống nhiều loại đồ uống có đường mỗi ngày có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư khác nhau.
Nghiên cứu thực hiện được thu thập từ 35.000 người tham gia cho thấy chỉ có 3.283 trường hợp bị ung thư liên quan tới béo phì.
Nghiên cứu này chỉ ra rằng nguy cơ ung thư gia tăng ở những người thường xuyên dùng đồ uống có đường mà không phải đồ uống dành cho người ăn kiêng.
Phó giáo sư Allison Hodge, một trong các nhà nghiên cứu tham gia dự án cho biết: “Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy rằng nguy cơ ung thư gia tăng không phải do bệnh béo phì gây ra. Ngay cả những người không thừa cân cũng có nguy cơ ung thư gia tăng nếu họ thường xuyên uống đồ uống có đường”.
Các nhà nghiên cứu nhận định đường chính là nhân tố chính làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Theo nghiên cứu này, những người uống nước ngọt có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim, sâu răng cùng 13 loại ung thư.
Như vậy, việc lựa chọn những thực phẩm lành mạnh trong chế độ ăn uống góp phần đáng kể vào việc hạn chế nhiều bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư.
Nga Quỳnh (Tổng hợp)