Xạ đen tên khoa học là Celastrus hindsii Benth, được biết đến với các tên khác như bạch vạn hoa, cây bách giải, cây dây gối.
Đây là loại cây dây leo có thân gỗ, bám vào các cây lớn để leo khi mọc hoang nhưng khi được trồng thì cành sẽ bám đan xen với nhau tạo thành từng búi để mọc.
Thân xạ đen tròn, dài 3 - 10m, khi còn non màu xám nhạt và không lông nhưng khi lớn lên sẽ chuyển sang màu nâu và có lông, rồi dần dần chuyển sang màu xanh.
Theo lương y Bùi Đắc Sáng - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội, xạ đen có vị đắng chát, tính hàn, tác dụng thông kinh, lợi tiểu, chữa ung nhọt, lở loét, tiêu viêm, mát gan mật, giảm tiết dịch và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Do đó, với những người bị mụn nhọt, lở loét thì có thể đun nước xạ đen uống, tốt cho sức khoẻ, theo VTC News.
Người có sức khoẻ bình thường có thể sử dụng xạ đen đun nước uống hàng ngày, việc này sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng, tăng cường tuần hoàn máu não. Bạn có thể uống theo nhu cầu hoặc 100g/ngày.
Bên cạnh đó, khi uống nước xạ đen cần lưu ý không nên sử dụng rượu, bia, thuốc lá hay các chất kích thích khác vì sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tác dụng của xạ đen.
Lá xạ đen không chứa độc nhưng bạn nên dùng liều lượng vừa phải khoảng 50g lá khô hoặc 100g thân cây để sắc uống. Nhiều người gặp vấn đề các bệnh tiêu hóa hay men gan tăng có thể dùng 100gram xạ đen nấu với 1,8 lít nước đun sôi khoảng 20-30 phút rồi uống như nước trà.
Lưu ý, xạ đen là cây thuốc nên một số trường hợp cần thận trọng khi dùng như phụ nữ có thai và trẻ em dưới 5 tuổi. Người bị huyết áp thấp không nên sử dụng cây xạ đen vì có khả năng hạ huyết áp, gây hoa mắt, chóng mặt. Trường hợp huyết áp thấp vẫn sử dụng xạ đen, bạn nên cho thêm 3 - 5 lát gừng mỏng khi uống.
Xạ đen cũng chống chỉ định với những người mắc suy thận, chức năng thận kém. Cây thuốc tốt nhưng có thể khiến chức năng thận kém đi vì phải lọc thêm tạp chất. Đặc biệt, không uống xạ đen sau khi uống bia rượu.
Báo Sức Khỏe& Đời Sống gợi ý một số bài thuốc từ cây xạ đen:
- Bài 1: Xạ đen 100g, xạ vàng 100g, cây B1 (một trong những vị thuốc bổ quý của rừng Tây Bắc, có tác dụng giống vitamin B1) 30g, cây máu gà (kê huyết đằng). Đun với 1,5 lít nước uống trong ngày. Tác dụng: Hỗ trợ giải độc gan, mát gan, hỗ trợ tiêu hoá
- Bài 2: Lá xạ đen 50g, bạch hoa xà thiệt thảo 20g, bán chi liên 10g, cây hoàn ngọc 50g, cây xương khỉ 30g. Rửa sạch dược liệu, cho vào nồi đun với 1lít nước lọc đến khi cạn còn khoảng 300ml thì tắt bếp, chia làm 2 lần uống. Uống sau khi ăn 30 phút, nên uống khi thuốc còn ấm nóng. Tác dụng: Hỗ trợ gan, bệnh về phổi.
Quốc Tiệp (t/h)