Uống rượu ngâm, thẳng tiến... bệnh viện

Uống rượu ngâm, thẳng tiến... bệnh viện

Thứ 2, 07/01/2013 14:12

Tuần đầu tiên của tháng 1/2013, Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai đã tiếp nhận hàng chục ca cấp cứu vì ngộ độc rượu, trong đó có 1 trường hợp “thập tử nhất sinh” vì uống rượu ngâm thực vật. Cùng lúc, tại BV tỉnh Yên Bái tiếp nhận 4 bệnh nhân bị ngộ độc do uống rượu ngâm củ gấu…

Cái gì cũng ngâm

 Bệnh nhân ngộ độc do uống rượu ngâm vào điều trị tại Trung tâm Chống độc ngày 31/12/2012 là Nông Văn B. (36 tuổi, ở Bắc Kạn), trong tình trạng hôn mê. Người nhà bệnh nhân cho biết, anh B đã uống nhiều rượu ngâm củ quả rừng, đồng thời sử dụng cả ma túy và heroin. Bác sĩ Nguyễn Đàm Chính - Trung tâm Chống độc cho biết, bệnh nhân này bị tổn thương gan, suy thận và phải lọc máu liên tục với chi phí 10 triệu đồng/lần, thậm chí trong trường hợp nguy cấp có thể phải lọc máu đến 2 lần/ngày.

Trên thực tế, Trung tâm Chống độc vẫn rải rác tiếp nhận các bệnh nhân bị ngộ độc do uống các loại rượu ngâm vào điều trị. Có trường hợp ngộ độc do uống rượu ngâm rễ cây, rượu ngâm các loại động vật, ngâm cà dê, pín hổ, gấu bao tử, cũng có những trường hợp bị ngộ độc do uống rượu ngâm các loại côn trùng như ong, trứng kiến... Theo các bác sĩ ở Trung tâm Chống độc, hầu hết mọi người không hiểu được rượu ngâm cũng là một loại thuốc cần phải uống có liều lượng, đúng vị. Việc lạm dụng các loại rượu ngâm này rất dễ gây ngộ độc, nhẹ thì bị mất kiểm soát, rối loạn hành vi, nặng hơn gây suy hô hấp, trụy mạch, tổn thương gan, thần kinh...

Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Hà Nội cho biết, rượu thuốc hay rộng hơn là rượu ngâm các loại động vật, côn trùng, thực vật là một nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của người dân ở nhiều vùng nước ta. Đặc biệt ở miền Bắc, vào thời điểm lễ tết cổ truyền, người dân thường mang rượu ngâm các loại động thực vật như rắn, ong, tắc kè, nhân sâm... để mời, thết đãi khách quý. Với cách nghĩ "ăn gì bổ đấy" nên người dân thường ngâm rượu với đủ loại thứ mà nhiều khi không cần tìm hiểu xem chất đó, loại động thực vật đó nếu ngâm rượu uống có nguy hiểm ra sao.

Chẳng hạn nhiều người hay đồn thổi uống rượu rắn giúp bổ dương nhưng thực chất đây là quan niệm sai lầm bởi nam giới uống rượu rắn không những không cải thiện khả năng đàn ông mà còn có thể dẫn đến "liệt", làm mất khả năng sinh sản. Cho đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào khẳng định các loại rượu ngâm bọ cạp, mối chúa, rắn, tắc kè, bìm bịp, bổ củi... có tác dụng cải thiện khả năng sinh lý đàn ông. Trong khi trên thực tế, đã có nhiều bệnh nhân uống rượu ngâm những loại côn trùng đó bị dị ứng, ngộ độc. Hoặc như gần đây nhiều phụ nữ đồn nhau uống rượu ngâm rễ cây mật gấu có thể làm đẹp da, trên mạng internet cũng có nhiều trang quảng cáo bán loại rượu này với công dụng giúp da dẻ hồng hào. Thực tế cây mật gấu có tác dụng tốt trong điều trị các triệu chứng về rối loạn tiêu hóa, đường ruột, đau nhức xương khớp... nhưng nếu dùng ngâm rượu uống với mục đích làm đẹp da thì vô cùng nguy hiểm.

Tiêu dùng & Dư luận - Uống rượu ngâm, thẳng tiến... bệnh viện

Rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ dễ gây ngộ độc

Bên cạnh đó, tình trạng người dân ngâm rất nhiều chất, củ quả khác nhau trong một bình rượu cũng khá phổ biến. Theo lương y Vũ Quốc Trung, việc ngâm nhiều thứ khác nhau trong một bình rượu rất nguy hiểm bởi nếu không hiểu biết có thể ngâm nhầm các vị thuốc kỵ nhau, khi uống vào nó sẽ phá hoại các cơ quan nội tạng của cơ thể. Trong đông y đã thống kê 18 vị thuốc không thể được dùng lẫn, đáng chú ý khá nhiều vị trong số này được dùng rất phổ biến để ngâm rượu. Vì vậy, nếu ngâm rượu thuốc một cách tùy tiện, thiếu hiểu biết, khi sử dụng có thể mất mạng.


Bạ đâu cũng uống

Những ca xuất huyết dạ dày cũng gia tăng mạnh trong những ngày gần đây, nguyên nhân chủ yếu do uống quá nhiều rượu dẫn đến ngộ độc. Đáng nói là, đây mới chỉ là những ca uống rượu "xịn", nếu là rượu rởm thì mức độ nguy hiểm còn tăng gấp bội.

"Đối với rượu rởm, có nhiều dạng khác nhau như nhiều người nấu rượu để bán thường cho thêm hóa chất vào trong rượu để tăng độ đậm, giảm giá thành sản xuất. Đơn cử, một số người nấu rượu kinh doanh, vì hám lợi, mỗi nồi rượu họ nhỏ vài giọt thuốc trừ sâu vào làm cho độ nặng lên, người uống chóng say hơn. Một vài giọt thuốc trừ sâu ấy dù không đủ chết người nhưng chắc chắn có hại cho sức khỏe, uống nhiều sẽ gây ra đau đầu thậm chí mắc phải những căn bệnh khác. Ngoài ra, còn loại rượu rởm khác nữa là được người sản xuất pha thêm Methanol. Khi cho Methanol vào, rượu sẽ giảm giá thành, uống nặng và chóng say hơn. Đối với người nghiện rượu thì rất thích. Còn với loại rượu do người dân nấu theo phương pháp cổ truyền không phải là rượu rởm. Tuy nhiên, bản thân rượu này nấu theo phương pháp thủ công nên khó có thể kiểm soát được chất lượng", PGS, TS Phạm Duệ, giám đốc TTCĐ, Bệnh viện Bạch Mai nói.

Lương y Vũ Quốc Trung khuyến cáo, thông thường khi có dấu hiệu ngộ độc rượu, có thể xử lý tại chỗ bằng cách nôn hết; uống nhiều nước để làm loãng độc tính của rượu hoặc uống một chút than hoạt tính để hấp thu chất độc của rượu; ăn uống các loại quả chua hoặc một chút giấm; nằm úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái... Nếu xác định được đó là ngộ độc do uống rượu ngâm các loại động thực vật, côn trùng thì cần phải đến BV ngay lập tức để được điều trị ngộ độc kịp thời. 

Theo ANTĐ

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.