Sáng 19/9, đại diện bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết vừa tiếp nhận cặp vợ chồng ông Hoàng Văn Phí (SN 1953), bà Nông Thị Dằm (SN 1962, đều trú tại thôn Bản Roạt, xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) bị ngộ độc rượu nguy kịch. Hai vợ chồng nhập viện trong tình trạng với các triệu chứng đau đầu, nôn nhiều, da tái. Trước khi được cấp cứu, ông Phí đã tử vong còn bà Dằm đã qua cơn nguy kịch, đang được điều trị.
Được biết, trước đó, ông Phí đi rừng và đào được một số rễ cây thuốc về ngâm rượu uống. Sau khi ngâm được vài tháng, hai ông bà uống thử thì xảy ra sự việc kể trên.
Trước vụ việc trên, các chuyên gia, bác sĩ cho hay, việc sử dụng các loại thảo dược, động vật ngâm rượu mà không rõ công dụng thì nguy cơ gây ngộ độc cho cơ thể rất cao.
Sự nguy hiểm của rượu thuốc không rõ nguồn gốc
Các gia đình thường có thói quen dùng rượu ngâm với mong muốn điều trị bệnh tật hoặc bồi bổ sinh lực cho cơ thể. Rượu thuốc thường được ngâm từ rượu trắng có nồng độ cao với các loại cây nhà lá vườn như đinh lăng, sâm đất, ngũ gia bì, chuối hột đến một số loại động vật như bìm bịp, rắn, rết, tắc kè, tay gấu, mật cá trắm hoặc một vài loại côn trùng như bổ củi, sâu chít, ong vò vẽ…
Chính vì uống rượu thuốc kiểu nghe nói như vậy nên đã xảy ra không ít ca ngộ độc, thậm chí tử vong chỉ vì uống rượu bổ, rượu quý.
Ngoài việc uống quá nhiều loại rượu này có thể gây ngừng chức năng của hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, việc tự mua, tự ngâm thảo dược cũng không thể tránh khỏi lẫn trong đó vài loại cây củ có độc như mã tiền, cây lá ngón như báo chí đã từng thông tin. Trong một đợt khảo sát của viện Dược liệu, các loại thuốc dùng để ngâm rượu - nhất là các loại dược liệu đắt tiền - thường được trộn lẫn, thậm chí làm giả. Chỉ riêng với nhân sâm đã có tới 60% mẫu kiểm tra không đạt hàm lượng ginsenoid, 40% mẫu hà thủ ô, 80% mẫu dương quy, 30% mẫu nghệ… không đạt chỉ tiêu quy định.
Nguy hiểm hơn nữa là các loại rượu thuốc bán trôi nổi ngoài chợ, trên mạng còn nguy hiểm hơn, khi một số người bán hàng đã vì lợi nhuận mà trộn đủ loại thân, lá, rễ cây giả vào dược liệu ngâm rượu. Hoặc để rượu luôn có màu cánh gián, nâu sẫm đẹp mắt, mùi hương hấp dẫn, không ít người đã dùng rượu đế hoặc cồn trộn lẫn hương liệu, chất tạo màu để bán cho khách hàng.
Rượu thuốc nếu uống vô tội vạ thì sẽ gây ra ngộ độc, dẫn đến viêm gan, vàng da, suy thận, tăng huyết áp, hay nhiễm khuẩn đường ruột...
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong khuyến cáo: Khi có nhu cầu sử dụng, người dân nên tìm mua dược liệu ở các cơ sở đông dược có tư cách pháp nhân và cần có sự tư vấn của thầy thuốc y học cổ truyền. Tuyệt đối không nên tự ý sưu tầm các loại rễ cây, hoa… để ngâm rượu để tránh chọn nhầm loại cây có độc tính.
Lưu ý khi ngâm rượu thuốc
Khi ngâm rượu cần phải hỏi ý kiến thầy thuốc đông y hoặc căn cứ vào thể trạng sức khỏe của bản thân để lựa chọn nguyên liệu ngâm phù hợp.
Rượu ngâm là để cho bản thân mình uống nên phải đặc biệt kỹ lưỡng trong việc lựa chọn. Tránh những chất có thể gây ra độc tố trong quá trình ngâm, liều lượng và sự kết hợp nguyên liệu không được khắc kỵ. Ngoài ra cũng cần nghiên cứu cách sử dụng, công dụng và liều lượng khi uống.
Tránh tuyệt đối việc tiện đâu mua thuốc ở đó, ví dụ như tại các điểm tham quan du lịch, mua theo bạn bè rồi về tự ngâm uống.
Khi ngâm rượu thuốc, cần phải kiểm soát chất lượng của rượu gạo, nếu mua phải rượu giả hoặc rượu kém chất lượng thì lại càng nguy hiểm. Tốt nhất phải dùng rượu có nguồn gốc rõ ràng và lựa chọn loại rượu gạo có nồng độ nhẹ, thông thường không được quá 40 độ, đừng nghĩ rượu mạnh mới tốt.
Cho dù là rượu ngâm để tăng cường sức khỏe hay rượu để chữa bệnh, bạn đều nên nhớ rằng rượu ngâm cũng chính là rượu – một thứ không nên uống quá nhiều.
Phong Linh (tổng hợp)