USAID "tạm nghỉ" trên toàn cầu, dự án chống lao, HIV/AIDS tại Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào?

Chủ nhật, 09/02/2025 10:51

Trong lĩnh vực y tế, từ năm 2014 đến 2024, USAID đã triển khai 16 dự án tại Việt Nam với tổng kinh phí khoảng 90 triệu USD, chủ yếu tập trung vào phòng chống lao và HIV/AIDS.

Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh đóng băng hầu hết các khoản viện trợ phát triển nước ngoài trong vòng 90 ngày để đánh giá lại.

Toàn bộ nhân viên của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) trên toàn cầu đã nhận được thông báo "nghỉ phép hành chính" từ ngày 7/2. Tuy nhiên, theo một chỉ thị mới đăng trên trang web của USAID, vẫn có những trường hợp ngoại lệ đối với nhân sự chịu trách nhiệm về các chức năng quan trọng, lãnh đạo cốt lõi và các chương trình đặc biệt.

Đối với nhân viên USAID làm việc tại nước ngoài, cơ quan này đang phối hợp với các đại sứ quán và Bộ Ngoại giao Mỹ để chuẩn bị một kế hoạch phù hợp với các quy định và luật hiện hành.

img

Chung tay phòng chống HIV/AIDS. (Ảnh minh họa).

USAID có hơn 10.000 nhân viên, trong đó khoảng 2/3 làm việc tại hơn 100 quốc gia, cung cấp viện trợ nhân đạo như cứu trợ thiên tai, hỗ trợ y tế và các chương trình lương thực khẩn cấp. Khoảng 1.400 nhân viên làm việc tại trụ sở ở Washington D.C.

Tại Việt Nam, USAID bắt đầu hoạt động từ năm 1989 thông qua chương trình hỗ trợ người khuyết tật, sử dụng Quỹ Nạn nhân Chiến tranh Patrick Leahy và Quỹ Trẻ Vô gia cư, Trẻ mồ côi. Năm 2000, văn phòng USAID tại Hà Nội được khánh thành.

USAID hợp tác với chính phủ Việt Nam, khu vực tư nhân, các trường đại học và tổ chức nghiên cứu để thúc đẩy các lĩnh vực như nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế, hiện đại hóa giáo dục đại học, phòng chống bệnh truyền nhiễm, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, hỗ trợ người khuyết tật, xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa và giám định hài cốt liệt sĩ.

Trong lĩnh vực y tế, từ năm 2014 đến 2024, USAID đã triển khai 16 dự án tại Việt Nam với tổng kinh phí khoảng 90 triệu USD, chủ yếu tập trung vào phòng chống lao và HIV/AIDS. USAID bắt đầu hỗ trợ các chương trình phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam từ giữa thập niên 1990. Đến tháng 6/2004, ngân sách dành cho chương trình này tăng lên trong khuôn khổ Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống Mỹ về phòng chống HIV/AIDS (PEPFAR).

USAID đã hợp tác với Chính phủ Việt Nam triển khai các hoạt động can thiệp HIV hiệu quả, xét nghiệm cho nhóm nguy cơ cao, điều trị và duy trì thuốc kháng virus (ARV) cũng như hỗ trợ thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).

Về phòng chống lao, từ năm 2019, USAID hợp tác với Chương trình Chống lao Quốc gia nhằm hỗ trợ phát hiện, điều trị và phòng ngừa bệnh lao. Một trong những trọng tâm là tăng cường phát hiện lao tiềm ẩn thông qua cập nhật và xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật quan trọng.

Ông Đinh Văn Lượng, đại diện Ban Điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia, cho biết, đơn vị này đã nhận được thông tin về việc USAID tạm dừng các dự án tài trợ. Ông Lượng nhấn mạnh: USAID đã đóng góp rất lớn vào công tác phòng chống lao tại Việt Nam, và việc gián đoạn tài trợ là điều đáng tiếc.

Tuy nhiên, ông Lượng cũng cho biết, Chương trình Chống lao Quốc gia đã dự báo trước về xu hướng giảm viện trợ quốc tế và đang triển khai hệ thống phòng chống lao trên cả nước, đảm bảo duy trì hoạt động khi nguồn tài trợ nước ngoài giảm dần.

Hiện Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) chưa lên tiếng về vấn đề này.

DIỆU THU

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.