Chiến dịch của Nga ở Ukraine đang gặp khó khăn do nhiều vấn đề, nhưng nặng nề nhất là do một sai lầm nghiêm trọng trong những ngày đầu của cuộc chiến, tờ Wall Street Journal cho biết, dẫn lời các quan chức và chuyên gia quân sự.
Tháng trước, Tư lệnh Không quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi, Tướng James Hecker, đánh giá rằng, Không quân Nga đã vấp ngã ngay từ đầu khi không thể phá hủy được hệ thống phòng không của Ukraine và máy bay của họ đã bị bắn hạ bởi các hệ thống phòng không tích hợp của Ukraine.
Người Nga đã không giành được quyền kiểm soát bầu trời Ukraine.
Không có ưu thế trên không, Nga không thể ngăn chặn các cuộc tấn công của Ukraine vào binh lính của họ bằng Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS) M142 do Mỹ cung cấp và các loại vũ khí khác. Các lực lượng của Kyiv đã tận dụng khả năng phản ứng hạn chế của Nga để tái chiếm hàng nghìn km2 lãnh thổ từ tay đối phương kể từ đầu tháng trước.
Nga gần đây đã không kích ồ ạt vào các mục tiêu trên khắp Ukraine, sử dụng tên lửa và máy bay không người lái (gọi là drone hoặc UAV).
Các nhà phân tích quân sự phương Tây cho rằng, ngay cả những cuộc tấn công đó cũng phản ánh vấn đề trong chiến lược không quân của Moscow, bởi vì Nga đang phải dựa vào máy bay điều khiển từ xa hơn là máy bay do phi công điều khiển, vì lo sợ chúng sẽ bị bắn hạ.
Ông Jakub Janovsky, nhà phân tích quân sự của Oryx, một công ty tư vấn tình báo nguồn mở đã theo dõi tổn thất thiết bị trong suốt cuộc chiến, cho biết: “Không đạt được ưu thế trên không là một trong những điều then chốt khiến Nga mất lợi thế trong cuộc chiến”.
Bộ Quốc phòng Nga không trả lời yêu cầu bình luận của Wall Street Journal về không chiến ở Ukraine.
Trên thực địa, các lực lượng Nga và Ukraine đang giao tranh dữ dội xung quanh 2 thị trấn ở khu vực Donbass (miền Đông) và ở tỉnh Kherson (miền Nam).
“Các điểm nóng quan trọng ở Donbass là Soledar và Bakhmut”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết trong bài phát biểu hàng đêm hôm 16/10. “Giao tranh rất khốc liệt đang diễn ra ở đó”.
Thị trấn Bakhmut thuộc vùng Donetsk đã trở thành mục tiêu của các lực lượng Nga kể từ sau khi họ thành công kiểm soát 2 thị trấn công nghiệp Lysychansk và Severodonetsk (thuộc vùng Lugansk) vào tháng 6 và tháng 7.
Thị trấn Soledar nằm ngay phía bắc Bakhmut.
Bộ Quốc phòng Nga hôm 16/10 cho biết cáclực lượng của họ đã đẩy lùi nỗ lực tiến công của quân đội Ukraine ở các khu vực Donetsk, Kherson và Mykolaiv.
Theo bản cập nhật tình báo mới nhất được Bộ Quốc phòng Anh công bố trên Twitter hôm 17/10, việc phá hủy Cầu Kerch nối đại lục Nga và bán đảo Crimea đã khiến các vấn đề hậu cần của Điện Kremlin trở nên “gay gắt hơn”.
“Các lực lượng Nga hoạt động ở miền Nam Ukraine có khả năng sẽ tăng cường dòng chảy hậu cần qua Mariupol”, bản cập nhật cho biết.
Bản cập nhật cũng cho biết thêm rằng với việc quân Nga ở Kherson đã bị kéo căng và các tuyến đường tiếp tế qua Crimea đã xuống cấp, đường dây liên lạc cơ sở thông qua vùng Zaporizhzhia đang ngày càng trở nên quan trọng đối với các lực lượng của Moscow trên chiến tuyến.
Kiev lại rung chuyển bởi các vụ nổ
Kiev đã bị tấn công bởi “máy bay không người lái sát thủ cảm tử” (kamikaze drone), người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết vào đầu ngày 17/10. Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko đã xác nhận thông tin trên Telegram.
Ông Klitschko cho biết thêm rằng một số tòa nhà dân cư đã bị hư hại và lực lượng cứu hộ đã kéo được 18 người ra ngoài nhưng ít nhất 2 người vẫn còn dưới đống đổ nát.
Theo các nhân chứng, 2 hoặc 3 vụ nổ đã xảy ra tại quận Shevchenko ở trung tâm thủ đô, nơi cũng bị rung chuyển bởi các vụ nổ vào tuần trước.
Phóng viên Fanny Facsar của DW đã đưa tin về “một số” vụ nổ, nói rằng có một tiếng động “dường như là âm thanh của một drone”.
Phóng viên của DW cũng xác nhận báo cáo về nhiều vụ nổ hơn ở thủ đô Ukraine khoảng một giờ sau đó. Quận Shevchenko là một khu vực sầm uất với các trường đại học, quán bar và nhà hàng.
Ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết trong một bài đăng trên Telegram rằng các lực lượng Nga tấn công Kiev bằng UAV Shahed do Iran sản xuất.
Tuần trước, một loạt tên lửa Nga đã tấn công Kiev và các thành phố khác của Ukraine trong đợt không kích lớn nhất trong nhiều tháng qua. Ít nhất 19 người đã thiệt mạng và hơn 100 người khác đã bị thương.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã viết trên Telegram hôm 17/10, nhằm phản ứng với các cuộc tấn công do drone, “Kẻ địch có thể tấn công các thành phố của chúng ta, nhưng sẽ không thể bẻ gãy (ý chí của) chúng ta”.
EU sẽ tìm bằng chứng về sự can dự của Iran ở Ukraine
Liên minh châu Âu (EU) đang tìm kiếm bằng chứng cụ thể cho bất kỳ sự can dự nào của Iran vào cuộc chiến của Nga ở Ukraine, sau khi có báo cáo rằng các máy bay không người lái (drone) do Iran sản xuất đã tấn công thủ đô Kiev, nhà ngoại giao hàng đầu của khối này cho biết.
“Chúng tôi sẽ tìm kiếm bằng chứng cụ thể về sự tham gia (của Iran trong cuộc chiến ở Ukraine)”, ông Josep Borrell nói với các phóng viên khi ông đến dự cuộc họp của các Ngoại trưởng EU tại Luxembourg hôm 17/10. Ngoại trưởng Dmytro Kuleba của Ukraine dự kiến cũng sẽ tham dự sự kiện.
Iran, quốc gia đã đổ lỗi cho hành động của NATO là nguyên nhân sâu xa của cuộc chiến, đã phủ nhận việc cung cấp vũ khí cho Nga, bao gồm cả các drone.
“Cộng hòa Hồi giáo Iran hoàn toàn không cung cấp cho bất kỳ bên nào vũ khí để sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine và chính sách của chúng tôi là phản đối việc trang bị vũ khí cho bất kỳ bên nào với mục đích chấm dứt chiến tranh”, ông Hossein Amirabdollahian, Ngoại trưởng Iran, gần đây nói với người đồng cấp Ba Lan của mình.
Số người nghèo trên thế giới đang gia tăng
Khoảng 71 triệu người đã phải đối mặt với đói nghèo do cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra, theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP).
Tác động của cuộc chiến đối với giá lương thực và năng lượng dự kiến sẽ làm gia tăng số lượng người nghèo trên thế giới.
Theo báo cáo của UNDP về tác động của xung đột Nga-Ukraine, khoảng 51 triệu người đã rơi xuống dưới mức nghèo khổ trong 3 tháng đầu tiên của cuộc chiến bắt đầu vào ngày 24/2.
Làm tăng số người nghèo trên thế giới lên mức 9%, cuộc chiến cũng khiến thu nhập hàng ngày của khoảng 20 triệu người giảm xuống dưới mức chuẩn nghèo là 3,20 USD ở các nước có thu nhập trung bình thấp.
Trong khi đó, đại dịch Covid-19 đã khiến tới 163 triệu người rơi xuống dưới mức nghèo khổ vào năm ngoái, đồng thời làm tăng 8,1% số người làm việc với thu nhập 2,15 USD/ngày, vốn là chuẩn nghèo cùng cực.
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính rằng năm nay, con số này sẽ tăng thêm 75-95 triệu.
Ngoài ra, lạm phát lương thực dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến người nghèo, trong khi người ta ước tính rằng 2/3 thu nhập bình quân đầu người sẽ được chi cho việc mua thực phẩm ở các nước thu nhập thấp hơn, trong khi tỉ lệ này dự kiến sẽ đạt 1/4 thu nhập ở các nước phát triển.
WB cho biết họ đã lên kế hoạch giảm tỉ lệ người nghèo xuống 3% vào năm 2030 - một mục tiêu khó đạt được dựa trên các dự báo trước đại dịch. Ngày này, mục tiêu này ngày càng khó đạt được do tác động của Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine.
Minh Đức (Theo WSJ, Al Jazeera, DW, Anadolu Agency)