Giám sát Chính phủ và các bộ, ngành
Chiều 12/9, tại phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.
Trình bày báo cáo dự thảo Kế hoạch giám sát và Đề cương báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, mục đích giám sát là đánh giá khách quan, toàn diện trách nhiệm của Chính phủ trong việc chỉ đạo, phân công các Bộ, ngành, địa phương thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023;
Công tác xây dựng, ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT); làm rõ kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân (khách quan, chủ quan) của tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện và sự phối hợp thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT.
Làm rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và ý thức chấp hành pháp luật của các cấp, các ngành thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT. Rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT;
Phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền khắc phục tồn tại, hạn chế; điều chỉnh, xử lý những vướng mắc trong quá trình thực hiện; đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác bảo đảm TTATGT giai đoạn tiếp theo.
Phạm vi giám sát đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT trên phạm vi cả nước. Nội dung giám sát tập trung vào việc cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm TTATGT và các hoạt động liên quan đến bảo đảm TTATGT (trọng tâm là các quy định về bảo đảm TTATGT, các chính sách đầu tư cho giao thông, Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, Luật Đường thủy nội địa, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Bộ luật Hàng hải Việt Nam và các văn bản pháp luật khác có liên quan).
Việc ban hành và triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm TTATGT; rà soát các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT, trọng tâm là các văn bản dưới Luật của Chính phủ và các bộ ngành; những kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT.
Thực trạng công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, phối hợp và tổ chức thực hiện của Chính phủ, các Bộ, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân về bảo đảm TTATGT; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT; tình hình vi phạm, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về bảo đảm TTATGT; công tác phối hợp giữa các Bộ, địa phương trong bảo đảm TTATGT; hoạt động hợp tác quốc tế về bảo đảm TTATGT; nguồn lực ngân sách bảo đảm TTATGT; trách nhiệm của các tập thể và cá nhân có liên quan.
Xem xét, đánh giá kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT; tập trung làm rõ những hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân của hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc và đề xuất những giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT trong thời gian tới.
Đối tượng giám sát là Chính phủ; Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; trong đó trọng điểm là Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có 12 địa phương Đoàn công tác đến làm việc; Khảo sát tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan, một số doanh nghiệp đường thủy nội địa, hàng hải; một số hãng taxi; một số trường giáo dục phổ thông...
Tập trung vào lĩnh vực giao thông đường bộ
Khẳng định chuyên đề giám sát này liên quan đến sức khỏe, tính mạng, tài sản, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, hoạt động giám sát cần được tiến hành cẩn trọng, thỏa đáng, đưa ra kiến nghị liên quan đến hoàn thiện thể chế, bổ sung chính sách, pháp luật trong thời gian tới.
Theo Đề cương, hoạt động giám sát được thực hiện đối với 5 lĩnh vực giao thông sẽ cho thấy bức tranh toàn diện, là dữ liệu quan trọng để có giải pháp tổng thể. Nhưng, trong bối cảnh có hạn, đặc biệt Kỳ họp thứ 6, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến 2 dự án luật: Dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Vì vậy, bà Thúy Anh đề nghị cần xác định mục tiêu ngắn hạn của hoạt động giám sát là tập trung vào lĩnh vực giao thông đường bộ- lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Từ đó, giúp đại biểu Quốc hội, cơ quan của Quốc hội có ý kiến thẩm tra, góp ý hoàn thiện dự thảo luật.
Bà đề nghị điều chỉnh kế hoạch triển khai giám sát, thay vì triển khai giám sát đồng loạt nên tập trung giám sát sớm, cuốn chiếu đối với lĩnh vực giao thông đường bộ và hoàn thành vào tháng 4/2024 để phục vụ trực tiếp cho 2 dự án luật: Đường bộ và Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Việc điều chỉnh này sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch giám sát các lĩnh vực giao thông khác sẽ được triển khai sau và hoàn thiện, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 9/2024.
Bà Thúy Anh cho rằng, với kế hạch này sẽ vừa kịp thời phục vụ mục tiêu trước mắt xây dựng 2 dự án luật, vừa phục vụ mục tiêu lâu dài để thấy được bức tranh tổng thể và có giải pháp cho giai đoạn tiếp theo.
Phát biểu tại Phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024 sẽ trình Quốc hội thông qua 9 luật, 1 Nghị quyết, trong đó có Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Do vậy, Đoàn giám sát cần cân nhắc tiến độ triển khai các hoạt động giám sát trong kế hoạch chi tiết phù hợp. Có thể đẩy sớm một số mốc thời gian so với dự thảo kế hoạch để kết quả giám sát bước đầu có thể góp phần nhất định vào việc thông qua hai dự án luật.