Theo nguồn tin của TTXVN tại Berlin, trong dự báo mùa Đông công bố ngày 13/2, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức có thể đạt 0,2% trong năm 2023, thay vì giảm 0,6% như dự báo đưa ra vào mùa Thu, thời điểm giá năng lượng cao và chính sách hỗ trợ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp chưa triển khai.
Theo điều chỉnh trên, GDP của Đức giảm 0,2% trong quý 4/2022. Mặc dù niềm tin đã được cải thiện trong vài tuần qua, nhưng dự báo nền kinh tế sẽ phải trải qua một đợt suy giảm nhẹ vào đầu năm 2023, do giá năng lượng cho các hộ gia đình vẫn đang tăng và gói hỗ trợ của Chính phủ trong tháng 1 và 2/2023 đến tháng 3 mới được giải ngân.
Trước đó, ngày 10/2, Cơ quan Thống kê liên bang (Destatis) đã công bố báo cáo cho biết sau 2 tháng suy giảm, lạm phát ở Đức đã tăng lên 8,7% trong tháng 1/2023.
Ông Fritzi Koehler-Geib, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng phát triển và tái thiết Đức (KfW), cho rằng mặc dù đỉnh lạm phát có thể đã qua, nhưng vẫn còn quá sớm để nói rằng mọi thứ đã rõ ràng và lạm phát "đã chạm đến mọi ngóc ngách của nền kinh tế."
Được biết, theo số liệu chính thức, lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu tăng lên mức kỷ lục 10,4% trong tháng 10/2022 và giảm xuống 8,6% trong tháng 12.
Chính phủ Đức dự báo lạm phát năm 2023 sẽ giảm xuống 6%. Theo Bộ Kinh tế nước này, lạm phát sẽ vẫn ở trên mức lịch sử trong năm nay, nhưng xu hướng đảo ngược đã bắt đầu.
Bên cạnh dự báo tích cực về kinh tế Đức, theo các số liệu được Ủy viên phụ trách kinh tế của EC, ông Paolo Gentiloni công bố ngày 13/2, khu vực đồng tiền chung châu Âu- Eurozone sẽ tránh được một cuộc suy thoái kỹ thuật trong gang tấc khi đạt mức tăng trưởng 0,1% trong quý 4 năm 2022 và 0% trong quý đầu tiên của năm 2023.
Các nguyên nhân chính giúp châu Âu né được suy thoái là do các nền kinh tế trong khối đã chống chọi với cuộc khủng hoảng năng lượng tốt hơn so với kỳ vọng. Các lo sợ về việc thiếu hụt nguồn cung khí đốt, khả năng phải cắt điện luân phiên đã không diễn ra và hiện tại, sau khi đã trải qua phần lớn một mùa Đông tương đối ấm áp, các nước châu Âu hiện chỉ ghi nhận giá khí đốt ở mức 55 euro/MWh, thấp hơn cả mức giá trước khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine và chỉ bằng khoảng 1/7 mức giá kỷ lục hồi tháng 8/2022. Việc giá năng lượng xuống thấp cũng giúp lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu hạ nhiệt, giảm từ mức khoảng 10% xuống còn 8,4% trong năm 2022. Tỉ lệ thất nghiệp trung bình trong khối cũng ở mức thấp, khoảng 6,1% vào cuối năm 2022.
Ngoài ra, việc châu Âu tung ra gói phục hồi 750 tỷ euro từ năm 2021 cũng đã giúp khối này giảm thiểu được các tác động kéo dài của đại dịch Covid-19, đồng thời đẩy mạnh được đầu tư công tại nhiều quốc gia. Tất cả những yếu tố này giúp khu vực đồng tiền chung châu Âu – Eurozone đạt mức tăng trưởng trung bình 3,5% trong năm 2022, cao hơn cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Theo Ủy viên phụ trách Kinh tế của Ủy ban châu Âu, Paolo Gentiloni, đây là điều mà không ai dám nghĩ đến trong nhiều năm qua.
“Tin mừng là nền kinh tế châu Âu đã bước vào năm mới với sự khởi sắc hơn mong đợi và sẽ tránh được suy thoái. Từ mùa Thu vừa qua đã xuất hiện nhiều dấu hiệu tích cực. Việc kinh tế tăng trưởng cao hơn dự đoán cuối năm qua cùng niềm tin vào nền kinh tế được cải thiện sẽ giúp cho châu Âu tránh được một cuộc suy thoái kỹ thuật trong gang tấc”, Ủy viên phụ trách Kinh tế của Ủy ban châu Âu, Paolo Gentiloni cho hay.
Minh Hoa (t/h theo TTXVN, VOV)