Chúng tôi đã ghi nhận ý kiến của các Đại biểu Quốc hội đương nhiệm và tiền nhiệm, những người đại diện cho ý chí của nhân dân bỏ phiếu bầu các nhân sự quan trọng, lạm bàn về hai chữ Tâm và Tài.
“Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”
Nguyên ĐBQH Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng viện nghiên cứu Văn hoá Thăng Long nói: "Đánh giá tài của người lãnh đạo không phải là vị trí cao, quan trọng, được số đông đồng tình, mà được đánh giá bằng công việc cụ thể. Không thể có một người cán bộ lãnh đạo ở vị trí thấp không tốt, lại có thể được bổ nhiệm, cất nhắc lên vị trí cao hơn mà có sự đột phá. Tôi không tin việc luân chuyển cán bộ từ vị trí thấp có sai sót lại điều chuyển lên vị trí cao hơn để làm tốt hơn, đó là điều không tưởng.
Ông Nguyễn Viết Chức.
Phải nhìn nhận một cách nghiêm túc về cán bộ bây giờ, về năng lực thì không kém ngày trước được, vì thời nay được đào tạo bài bản, nhưng vẫn có chỗ này chỗ nọ kêu về Tâm, Tài. Phải chăng họ đang thiếu Tâm hơn thiếu Tài? Tôi cho rằng có Tâm thì mới có Tài được, chứ vô tâm, vô cảm, thì cái tài không thể thể hiện được. Sự cố thể hiện bản thân chỉ là mẹo vặt, mưu mô trước sau cũng bị bóc mẽ, lột vở.
Mới đây Quốc hội mới bổ nhiệm được một số lãnh đạo mới, họ ngày càng kiện toàn hơn, giới trẻ càng ngày càng có vai trò cao hơn là điều đáng mừng. Còn Tâm và Tài của họ thì phải chờ xem họ làm ở vị trí mới như thế nào. Vì có một số người ở vị trí thấp thì tốt nhưng có thể lên vị trí cao vì nó quá sức mà không làm tốt được. Vấn đề bây giờ là phải chờ và ủng hộ, Tâm và Tài cũng là do xã hội nuôi dưỡng, nếu xã hội tốt thì cái tâm cái tài mới tốt được, chứ không thể chỉ chờ ở người lãnh đạo".
Đánh giá Tâm, Tài dựa trên hiệu quả công việc
Trước những vấn đề nóng dư luận đang quan tâm như công tác của ngành Toà án, Kiểm sát, Y tế... khiến dư luận đặt câu hỏi những vị tư lệnh ngành này đã làm hết trách nhiệm, đã thực sự là người lãnh đạo có Tâm, Tài chưa, đại biểu quốc hội Bùi Mỹ An nói: "Tôi cho rằng, muốn đánh giá một "tư lệnh ngành" thì trước hết phải đánh giá được kết quả công việc.
Bà Bùi Thị An.
Đương nhiên những việc xảy ra đều là nguyên nhân của cả một quá trình, chứ không phải là xảy ra tức thời cho nên muốn có kết quả chính xác phải đánh giá cả quá trình hoạt động của từng người. Có những ngành thường xuyên xảy sinh quá nhiều vấn đề cho nên các đồng chí tư lệnh ngành mới nhận nhiệm vụ trong vòng hai năm rưỡi thì cũng chưa thể thực hiện được việc đánh giá một cách hoàn toàn chính xác".
Bàn về "Uy tín của người cán bộ lãnh đạo hiện nay", Tiến sỹ Đặng Đình Phú cho rằng: Người cán bộ có Tâm, Tài thì tạo dựng được uy tín. Đó là sự tín nhiệm và mến phục của mọi người. Uy tín không phải bao giờ cũng tỷ lệ thuận với chức vụ. Chức vụ chỉ là điều kiện khách quan để củng cố và nâng cao uy tín, còn uy tín là cái quyết định sự tồn tại của chức vụ. Trong đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các cấp hiện nay, xuất hiện hai loại: Thứ nhất, ngộ nhận mình có uy tín. Những người này thường tự đánh giá rất cao về mình, luôn tỏ ra mình là nhân vật quan trọng, có uy tín mà không trau dồi uy tín. Thứ hai, dùng thủ đoạn để tạo dựng uy tín. Họ thường ve vãn, lôi kéo lập bè cánh; công kích, nói xấu, hạ uy tín người khác và đề cao mình. Trước mặt cấp trên họ, nịnh bợ lấy lòng, tỏ vẻ mình là đệ tử thân cận; sau lưng thì họ sẵn sàng trở mặt, nói xấu, bịa đặt. Họ chỉ làm và tìm mọi cách dành lấy những việc dễ làm, dễ nổi tiếng; không ngại ngùng tô vẽ thành tích và tranh công đổ lỗi. |
Minh Khánh- Dương Dung