Tuần qua làn sóng tẩy chay, kêu gọi xóa tài khoản Facebook đã nổ ra trên phạm vi toàn cầu sau khi thông tin về việc dữ liệu cá nhân của hơn 50 triệu người sử dụng mạng xã hội này được dùng để điều hướng cử tri và ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, cũng như cuộc trưng cầu dân ý Brexit ở Anh vào năm 2016.
Vụ bê bối này đã khiến giá cổ phiếu Facebook liên tục lao dốc và nghiễm nhiên tài sản của ông chủ Facebook - Mark Zuckerberg trên đà hao hụt từng ngày. Được biết, từ khi khủng hoảng rò rỉ thông tin nổ ra, Mark đã mất khoảng hơn 8 tỷ USD tài sản định giá.
Trong buổi trả lời phỏng vấn độc quyền của CNN mới đây, Mark đã chính thức đưa ra lời xin lỗi về vụ bê bối và cho biết anh hối hận “vì đã tin lời Cambridge Analytica (công ty được nhóm chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ - Donald Trump thuê năm 2016)”.
Sau động thái này, nhiều người dùng tỏ ra lo ngại, không biết họ có phải hối hận nếu tiếp tục tin lời Mark hay không. Cũng nhận sai một cách gượng ép là hai cô giáo có biểu hiện bạo hành trẻ tại trường mầm non Hoa Hồng (đường Lê Lợi, TP.Vũng Tàu) bởi việc họ dùng chân đạp trẻ đã được camera ghi lại. Đúng là người ta hơn nhau ở chỗ dám nhận trách nhiệm về lầm lỗi của bản thân, bất kể hậu quả có to lớn thế nào.
Nhắc đến lỗi, nhiều người tham gia giao thông dù thuộc nằm lòng cả quyển sách hướng dẫn về luật nhưng vẫn vô tình vi phạm một vài lần trong đời. Vì bất ngờ nên họ không khỏi “thót tim” khi bị CSGT tuýt còi. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, các lái xe ở TP.Tashkent (Uzbekistan) giờ đây được quyền tố cáo các CSGT nếu họ núp sau cây để bắt lỗi vi phạm giao thông.
Những cảnh sát bị phát hiện có hành vi không đúng mực có thể bị hạ cấp, mất tiền lương hưu hoặc bị sa thải khỏi ngành. Trước đó, các tài xế Uzbekistan liên tục phàn nàn về việc bộ trang phục xanh của cảnh sát khiến họ khó phân biệt với những tán lá cây. Người dân cho rằng đây là thủ thuật để bắt bớ và tiến hành phạt tiền, tạo ra nhiều vấn đề tiêu cực hơn chứ không có tác dụng giải quyết tình trạng vi phạm giao thông.
Còn ở Việt Nam, theo thống kê của ủy ban An toàn giao thông quốc gia, có đến 80% số vụ xảy ra do ý thức chấp hành luật giao thông của người tham gia giao thông kém. Đứng đầu trong số các nguyên nhân này là không tuân thủ quy định về tốc độ, lấn sang làn đường các phương tiện giao thông khác, điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia... Vậy mới nói, dù lý sự cùn hay sắc thì vẫn phải thừa nhận rằng: Tiên trách kỷ hậu trách nhân, với người tuân thủ luật giao thông thì “núp” hay không “núp” chẳng phải chuyện to tát, đáng bận tâm.
N.H