V-League “hấp dẫn” ở ít nhất 2 khía cạnh: Số lượng các ngoại binh chất lượng cập bến V-League ngày một đông và quỹ lương thưởng trả cho cầu thủ. TIỀN đã đem lại một số trận cầu rất đáng xem, tất nhiên là với giới chuyên môn và các ông bầu, chứ khán đài vẫn vắng lắm, và các CLB vẫn chưa thể tự sống bản thân mình.
Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn chưa chạm được đến con tim của người hâm mộ. Ví von hình ảnh một chút, thì bóng đá ta không phải là một người đàn ông lịch lãm, đủ hấp dẫn và sự ổn định, để có thể khiến các cô gái (khán giả) mê mẩn. Đó không là sự tự ái, mà còn là một nỗi đau!
Như bắt đầu cảm nhận được những sai lầm trong phương pháp làm bóng đá chuyên nghiệp, thời gian gần đây, nhà tổ chức (V-League và hạng Nhất) bắt đầu đưa vào quy chế về việc hạn chế đăng ký và sử dụng ngoại binh/CLB, cũng như bắt buộc một đội bóng phải có vài cầu thủ trẻ (dưới 21 tuổi) trong đội hình.
Và khán giả đã bắt đầu trở lại sân nhiều hơn, vì lý do gì thì ngay cả nhà tổ chức cũng… không rõ. Các cô gái bắt đầu “say nắng”, khi ở dưới sân, những thần tượng của mình thi nhau tỏa sáng, với số lượng bàn thắng đạt đến kỷ lục (lượt đi V-League 2013). Liệu tình yêu này có bền không?
Nhưng, ngay cả điều đó cũng đã bàn nhiều rồi. Khi Việt Nam chưa được biết đến như một công xưởng xuất khẩu cầu thủ, thì sức mạnh của ĐTQG vẫn phụ thuộc trực tiếp vào các giải đấu quốc nội. Nhưng bao giờ các giải đấu mới có thể làm nên một cơ thể khỏe mạnh, đủ năng lượng chinh phục cho các ĐTQG?
Đã có cả một đề án trình Chính phủ và được phê duyệt rồi, nhưng để hiện thực hóa nó là điều không đơn giản. Chúng ta vẫn buộc phải trở lại các vấn đề thực tế hơn, liên quan đến thì hiện tại, rằng với sự xuống cấp từ vài năm qua, bóng đá Việt Nam có thể chạm đáy của vùng trũng Đông Nam Á.
> Giải thưởng lớn cho cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh
Theo Thể thao Văn hóa