Hai nghiên cứu mới đây cho thấy hiệu quả bảo vệ của vắc-xin ngừa Covid-19 do Pfizer/BioNTech sản xuất đối với trẻ em và trẻ vị thành niên Mỹ trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron, TTXVN đưa tin.
Nghiên cứu thứ nhất kết luận, vắc-xin này có hiệu quả bảo vệ khoảng 71% sau khi hoàn thành mũi thứ 3, đối với trẻ em trong độ tuổi từ 12 - 15 tuổi.
Nghiên cứu thứ hai cho thấy vắc-xin giúp giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc nhập viện ở trẻ em từ 5 - 17 tuổi sinh sống tại bang New York. Cả hai nghiên cứu này vừa được xuất bản trên tạp chí khoa học JAMA.
Cụ thể, ở nghiên cứu thứ nhất, các nhà khoa học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh dịch (CDC) phân tích dữ liệu từ 74.208 kết quả xét nghiệm Covid-19 phản ứng chuỗi polymerase (PCR) của các trẻ em trong độ tuổi từ 5 - 11 và 47.744 xét nghiệm PCR khác của trẻ từ 12 - 15 tuổi, tính từ ngày 26/12/2021 - 21/2/2022.
Các xét nghiệm này đều được một chuỗi nhà thuốc tiến hành, tại 6.897 điểm thuộc 49 bang, Thủ đô Washington D.C. và vùng lãnh thổ Puerto Rico.
Các nhà khoa học kết luận, ở trẻ em và trẻ vị thành niên, hiệu quả sau 2 mũi vắc-xin của Pfizer không đáng kể và giảm nhanh. Tuy nhiên, ở nhóm trẻ vị thành niên, hiệu quả của vắc-xin ước tính tăng sau 1 mũi tăng cường.
Ở nghiên cứu thứ 2, một nhóm nghiên cứu của Bộ Y tế bang New York đã sử dụng 4 cơ sở dữ liệu Covid-19 của bang để đánh giá các trường hợp mắc bệnh và nhập viện ở trẻ từ 5 - 11 tuổi được tiêm chủng 2 mũi và thanh thiếu niên từ 12 - 17 tuổi được tiêm 2 hoặc 3 mũi, hoàn thành trước đó ít nhất 14 ngày và những người chưa được tiêm vắc-xin tính từ ngày 29/11/2021 - 30/1/2022.
Cụ thể, có 365.502 trẻ em từ 5 - 11 tuổi đã được tiêm đầy đủ và 997.554 trẻ em khác chưa được tiêm chủng. Trong số thanh thiếu niên, 852.384 đã được tiêm chủng đầy đủ và 208.145 trường hợp chưa được tiêm vắc-xin.
Trong thời gian nghiên cứu, các nhà khoa học ghi nhận 140.680 trường hợp mắc Covid-19 và 414 trường hợp nhập viện ở nhóm tuổi trẻ hơn, trong khi có 154.555 trường hợp nhiễm và 671 trường hợp nhập viện ở những trường hợp lớn hơn.
Biến thể Omicron chiếm khoảng 19% các ca mắc trong giai đoạn đầu, tính từ 29/11/2021 - 13/12/2022, sau đó chiếm khoảng 99% các ca mắc ở giai đoạn sau - tính đến ngày 24/1.
Sau khi tính toán, các nhà khoa học kết luận, những người chưa tiêm chủng có nguy cơ mắc bệnh và nhập viện cao hơn so với những người đã được tiêm vắc-xin ở cả hai nhóm tuổi dù nguy cơ này đã giảm khi biến thể Omicron lây lan rộng rãi, trong khi hiệu quả vắc-xin giảm dần theo thời gian.
Trước đó, nghiên cứu của CDC Mỹ cũng cho thấy, trẻ 5-11 tuổi chưa tiêm vắc-xin có nguy cơ bệnh nặng gấp 2 lần nếu nhiễm Omicron.
Cụ thể, số trẻ em từ 5-11 tuổi chưa tiêm vắc-xin phải nhập viện vì Covid-19 trong khoảng thời gian bùng phát Omicron tại Mỹ từ tháng 12/2021-2/2022 cao gấp đôi so với trẻ cùng độ tuổi đã được tiêm phòng.
Nghiên cứu được thực hiện dựa trên dữ liệu từ các bệnh viện thuộc 14 bang của Mỹ, phụ trách chăm sóc sức khỏe cho khoảng 10% dân số cả nước Mỹ. Nghiên cứu đi sâu vào 400 trẻ em, độ tuổi từ 5-11 tuổi phải nhập viện trong đợt gia tăng nhiễm biến thể Omicron vào mùa đông vừa qua.
Các chuyên gia nhận thấy, khoảng 90% số trẻ em từ 5-11 tuổi nhập viện vì Covid-19 trong khoảng thời gian từ giữa tháng 12/2021 đến cuối tháng 2/2022 thuộc nhóm chưa được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, tỉ lệ này cao gấp 2 lần so với trẻ đã được tiêm chủng. Các nhà nghiên cứu thuộc CDC nhận thấy, khoảng 1/3 số trẻ em nhập viện trong độ tuổi từ 5-11 tuổi không có bệnh lý nền và 1/5 số trẻ phải vào điều trị tại khoa hồi sức tích cực.
Với trẻ em bị mắc Covid-19 sau khi tiêm, không có bất kỳ trường hợp nào phải sử dụng biện pháp trợ thở khi nhập viện.
Từ đó, nhóm nghiên cứu của CDC Mỹ nhận định, tăng tỉ lệ tiêm chủng ở trẻ em đóng vai trò rất quan trọng, nhằm ngăn ngừa nguy cơ nhập viện và tình trạng nghiêm trọng liên quan đến Covid-19.
Minh Hoa (t/h)