Vạch "lợi ích nhóm" phát sinh khi chỉ định thầu dự án BT, BOT

Vạch "lợi ích nhóm" phát sinh khi chỉ định thầu dự án BT, BOT

Triệu Kiều Chinh

Triệu Kiều Chinh

Chủ nhật, 22/10/2017 08:00

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi các cơ quan ban, ngành Trung ương về kiến nghị cơ chế thực hiện phương thức xã hội hóa đầu tư theo hình thức BT, PPP và BOT.

HoREA cho rằng, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, nhiều nhà đầu tư đã tham gia thực hiện các gói thầu BT, PPP, BOT, thậm chí có cả doanh nghiệp không chuyên ngành cũng tham gia và đã có những thời điểm nở rộ các công trình BT, PPP, BOT.

Theo HoREA, việc thực hiện phương thức chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư theo hình thức BT, PPP, BOT khá phổ biến trong thời gian qua đã bộc lộ những mặt hạn chế, có thể dẫn đến phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh và lợi ích xã hội.

Bất động sản - Vạch 'lợi ích nhóm' phát sinh khi chỉ định thầu dự án BT, BOT

Ảnh minh họa/nguồn:internet

Cụ thể, có thể đã tạo điều kiện cho nhà thầu, nhà đầu tư được hưởng lợi "kép" 02 lần như mong muốn đó là khi nhận thầu thi công công trình và đầu tư kinh doanh các khu đất đối ứng ở các địa điểm đắc địa và đã được tăng cường hệ thống hạ tầng giao thông.

Các nhà thầu, nhà đầu tư này đã tránh được thủ tục "kép" 02 lần khi lựa chọn nhà thầu xây lắp công trình và lựa chọn chủ đầu tư dự án bất động sản. Đó là khi được chỉ định làm nhà thầu xây lắp mà không phải qua thủ tục đấu thầu rộng rãi trong nước, quốc tế để lựa chọn nhà thầu và khi được chỉ định nhà đầu tư dự án bất động sản các khu đất đối ứng mà không phải qua thủ tục đấu thầu rộng rãi trong nước, quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư.

Cùng với đó, HoREA cho rằng, tính minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh của môi trường kinh doanh bị sụt giảm, tác động tiêu cực đến niềm tin của nhà đầu tư trong nước, nước ngoài, và có thể gây thiệt hại ngân sách Nhà nước (vì nguồn đất đối ứng trả cho nhà thầu cũng là tài sản công, cũng là tiền ngân sách) và gây quan ngại cho xã hội.

Do vậy, HoREA kiến nghị thực hiện phổ biến hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, hoặc đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với các dự án hạ tầng kỹ thuật; hạ tầng giao thông; chỉnh trang; phát triển đô thị theo phương thức xã hội hóa dưới hình thức BT, PPP; kể cả các khu đất vàng trong quá trình thực hiện thu hồi quỹ đất do sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu Nhà nước (theo Quyết định 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007; Quyết định 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ).

Đồng thời, đề nghị hạn chế tối đa việc chỉ định nhà thầu, chỉ định nhà đầu tư đối với các trường hợp trên đây và chỉ thực hiện việc chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư trong các trường hợp đặc biệt theo điều 26 Luật Đấu thầu, để tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh; củng cố lòng tin cho các nhà đầu tư; làm lợi cho ngân sách nhà nước và tăng cường sự đồng thuận trong xã hội.  

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.