Vạch mặt tội ác gây chấn động của chính quyền Rwanda

Vạch mặt tội ác gây chấn động của chính quyền Rwanda

Thứ 5, 27/12/2012 23:43

Các cựu tù nhân đã tố cáo với Tổ chức Ân xá Quốc tế rằng, họ bị lực lượng an ninh mật của Chính phủ tra tấn, buộc nhận một số tội danh.

Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International- AI) cho biết, họ có bằng chứng về việc dân thường Rwanda bị tra tấn dã man trong tù. Trong bản báo cáo vừa công bố, AI cho biết, các cựu tù nhân Rwanda đã tố cáo việc họ bị lực lượng an ninh mật của quân đội có bí danh J2 bắt và tra tấn.

Các nạn nhân thường bị giam giữ từ 10 ngày tới 9 tháng mà không được tiếp xúc với luật sư, bác sĩ hay thân nhân trong gia đình. Cụ thể, AI đã tiến hành hơn 70 cuộc phỏng vấn và ghi nhận 45 trường hợp bị giam giữ bất hợp pháp với 18 cáo buộc tra tấn.

Địa điểm giam giữ là các nhà giam trong doanh trại quân đội, các nhà tù bí mật ngay tại Thủ đô Kigali. Các thủ đoạn tra tấn phổ biến là đánh đập, cho điện giật và gây mất cảm giác để buộc phải nhận tội. Tội ác này đã diễn ra từ giữa tháng 3/2010 đến tháng 6/2012. Nhiều người trong số các nạn nhân đã bị chính quyền cáo buộc các tội danh mà họ không liên quan như đe dọa đến an ninh quốc gia. Một số người bị mất tích sau khi bị bắt.

Thế giới - Vạch mặt tội ác gây chấn động của chính quyền Rwanda

Tổng thống Rwanda Paul Kagame bác bỏ cáo buộc tra tấn dân thường

Các vụ bắt bớ tràn lan bắt đầu diễn ra suốt từ tháng 3/2010 sau hàng loạt các vụ tấn công bằng lựu đạn tại Thủ đô Kigali. Tháng 8 năm đó, ông Paul Kagame tái đắc cử Tổng thống sau khi hai đối thủ chính của ông bị bắt giam. Những người bị bắt đã bị J2 thẩm vấn và tra tấn để buộc họ nhận là có liên quan đến các làn sóng bạo lực chống Tổng thống.

Trước cáo buộc này, Bộ tư pháp Rwanda tuyên bố thừa nhận đã có một số vụ giam giữ bất hợp pháp xảy ra, và các cá nhân sai phạm đã bị đưa ra tòa. Họ bác bỏ các cáo buộc tra tấn, bắt cóc thường dân của AI.

Được biết, tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Luân Đôn này đang kêu gọi Chính phủ Anh ngừng viện trợ cho Rwanda để gây áp lực với nước này. Theo AI, các hành động bắt bớ, tra tấn tuy đã giảm bớt nhưng vẫn còn diễn ra.

Không chỉ bị tố cáo vi phạm nhân quyền với dân chúng nước mình, Tổng thống Kagame cũng đang bị các tổ chức khác cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và diệt chủng tại nước láng giềng Cộng hòa Dân chủ Công gô (DRC). Chính phủ của ông Kagame hiện đang hỗ trợ quân sự cho phe nổi dậy M23 tại nước láng giềng. Tại các khu vực kiểm soát được, M23 đã gây ra nhiều cái chết thương tâm cho thường dân.

Văn phòng tội ác chiến tranh của Mỹ, các đảng đối lập Rwanda lưu vong và Chính phủ DRC đều có chung đề nghị truy tố Kagame và các quan chức liên quan trong Chính phủ Rwanda lên Tòa án hình sự quốc tế ICC với tội danh trợ giúp và tiếp tay cho tội ác chống lại nhân loại của M23 tại DRC.

Một báo cáo mới nhất của LHQ đã xác nhận các cáo buộc nhằm vào ông Kagame là đúng và kịch liệt lên án hành vi tiếp tay cho tội ác tàn bạo của M23. Mỹ là nước phản ứng đầu tiên, bằng cách cắt giảm ngay lập tức khoản viện trợ quân sự 200.000 USD cho nước này.

Hàng loạt các quốc gia khác cũng tuyên bố ngừng viện trợ cho Rwanda, tổng trị giá các gói viện trợ này lên tới 16 triệu USD.

Thanh Tùng (tổng hợp từ Guardian)


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.